Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lối sống tối giản của người Nhật được du nhập ngược

Theo Sasaki Fumio, người Nhật có xu hướng sử dụng iPhone. Sự gọn nhẹ trong thiết kế mà thương hiệu Apple của Steve Jobs mang lại đã đưa phong cách tối giản trở lại nước Nhật.

Có lẽ không cần tôi giới thiệu bạn cũng biết một trong những nhà sáng lập Apple là Steve Jobs. Và trong số những người sống tối giản hiện nay hẳn cũng có rất nhiều người thích các sản phẩm của ông. Các sản phẩm của Steve Jobs luôn thấm đẫm tinh thần của lối sống tối giản.

Bạn có thể thấy, trên chiếc iPhone chỉ có duy nhất một nút bấm. Hay trên chiếc Mac cũng không có đầu nối hoặc dây cáp thừa nào cả. Khi mua các sản phẩm của Apple cũng chẳng có mấy tờ hướng dẫn sử dụng.

Đó là bởi Steve Jobs là một người sống tối giản thực sự và là một tín đồ của thiền, một phần quan trọng trong phong trào tối giản.

Nghe nói ông rất ngưỡng mộ nhà sư Kobun Otogawa, một người theo trường phái thiền Soto. Đã có thời gian Steve Jobs tu hành thiền đạo ở chùa Eihei, Nhật Bản. Bản thân Steve Jobs khi theo lối sống tối giản này đã chịu ảnh hưởng khá lớn từ văn hóa thiền của Nhật, và ông đã đưa sự ảnh hưởng đấy vào tất cả các sản phẩm của mình.

Do đó các sản phẩm của Jobs không hề có chút dư thừa nào. Chúng ta đều biết rằng Jobs không bao giờ nói về những thứ ông không quan tâm. Nhưng bạn có biết, những thứ mà ông không để tâm đều là những thứ bên ngoài sự tối giản hay không?

Đặc biệt, ông rất ghét những gì cấu tạo phức tạp và thừa thãi. Nét văn hóa của tập đoàn hàng đầu thế giới này chính là nét văn hóa vốn có trước đây của Nhật Bản. Tỷ lệ số người sử dụng iPhone của Nhật Bản cũng cao hàng đầu thế giới.

Có thể thấy, nhờ Steve Jobs, văn hóa tối giản này lại được du nhập ngược lại Nhật Bản.

song toi gian anh 1

Cận cảnh ngôi nhà bằng xốp được Murakami Satoshi vác trên vai trong cuộc sống du cư. Anh là người theo đuổi chủ nghĩa tối giản. Ảnh: Kilala.

[…]

Thực tế là không có tiêu chuẩn nào cho người sống tối giản cả. Sẽ không có chuyện nếu bạn có trên đồ dùng, bạn không phải là người sống tối giản. Hay nếu bạn giảm được đồ đạc trong nhà xuống dưới 100 thứ, bạn đã là người sống tối giản rồi.

Nếu bạn có tivi, đó không phải là cuộc sống tối giản. Nếu bạn có thể nhét hết mọi vật dụng vào tủ quần áo, bạn thực sự là một người sống tối giản… Tất cả điều đó đều không phải là tiêu chuẩn để đánh giá xem một người có phải sống tối giản hay không.

Ngày nay, có rất nhiều người đang sống theo những cách rất khác nhau. Ví dụ như anh Murakami Satoshi. Anh ấy không có chỗ ở cố định mà di chuyển khắp nơi với ngôi nhà xốp tự chế của mình.

Hay như anh Sakatsume Keigo còn không có ngôi nhà nào, chỉ mang theo bên mình một chiếc túi Tote.

Nếu so với họ, những người có nhà cửa ổn định như chúng ta đây chắc hẳn không được gọi là người sống tối giản rồi. Trong suy nghĩ của tôi, người sống tối giản là người thực sự hiểu rõ cái gì là cần thiết cho mình chứ không phải là những thứ mong muốn theo cách nhìn của mọi người xung quanh.

Hiểu rõ những thứ mình cần, bỏ hết những thứ ngoài mức cần thiết, đó chính là người sống tối giản trong suy nghĩ của tôi.

Tuy nhiên, với mỗi người khác nhau lại có những thứ quan trọng, cần thiết khác nhau. Bởi vậy việc cắt giảm đồ đạc cũng khác nhau.

[…]

Việc vứt bớt đồ đạc không phải là “mục đích” của lối sống tối giản, mà đó chỉ là một phương tiện giúp ta nhận rõ đâu mới là điều quan trọng thực sự trong cuộc sống của mình.

Sasaki Fumio/ NXB Lao động và Thái Hà Books

SÁCH HAY