Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản.
Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình.
Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn.
Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản. Những người sống tối giản luôn cảm thấy vui vẻ, mới lạ mỗi ngày. Cái cảm giác này, tôi nghĩ bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được, dù bạn có phải là một người sống tối giản hay không, bởi bất cứ ai cũng từng trải qua.
Ví dụ như một chuyến du lịch chẳng hạn. Hầu như ai cũng gói ghém đồ đạc đến sát giờ xuất phát. Nhưng dù bạn có kiểm tra hết danh sách vật dụng mang đi cũng vẫn cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Nhưng đã đến giờ xuất phát, bạn phải khóa cửa và kéo vali đi thôi.
Chính lúc này, bạn mới cảm thấy thoải mái. Đúng vậy, nếu có một chiếc vali này, mình có thể sống được một thời gian khá dài đấy. Có thể là mình đã quên một vài thứ ở nhà, nhưng không sao, những thứ cần thiết nhất đã ở đây rồi.
Sau thời gian di chuyển, bạn đến nhà nghỉ hay khách sạn, ngủ trên chiếc chiếu tatami và tận hưởng sự thoải mái. Phòng nghỉ rất sạch sẽ, gọn gàng và ít đồ đạc. Trong phòng nghỉ này cũng chẳng có những đồ vật dư thừa như ở nhà.
Bởi vậy nên nhà nghỉ luôn là nơi dễ chịu trong các chuyến đi. Bạn để lại đồ đạc trong phòng và đi dạo gần đấy hoặc thảnh thơi tới bất cứ đâu. Bạn có thời gian tận hưởng phong cảnh, con người, cuộc sống và chẳng có việc gì phải hoàn thành cả.
Chính là cảm giác như vậy đó, có lẽ bất cứ ai cũng đã trải qua cảm giác mà lối sống tối giản mang lại.
Căn phòng "tối giản" của người Nhật Bản. Ảnh: Havico. |
[...]
Giống như con người khi sinh ra không có một thứ gì trong tay, bản thân người Nhật trước đây cũng là những người sống theo lối tối giản.
Đã từng có một người nước ngoài đến Nhật trước khi bắt đầu công việc làm ăn của mình, và anh ta đã rất ngạc nhiên trước người Nhật lúc bấy giờ. Mỗi người chỉ có hai, ba bộ quần áo nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ.
Người Nhật trước đây cũng chẳng giữ đến 10 bộ quần áo làm gì. Khi di chuyển thì luôn đi bộ, nhà ở thì đơn giản, thỏai mái, và cũng không phải là nơi ở cố định.
Người Nhật luôn xây mới, làm lại nhà cửa. Phong cách đó, dáng vẻ đó chẳng phải là lối sống tối giản hay sao? Chính lối sống này cũng đã ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống của Nhật, nét văn hóa tối giản.
Ví dụ như trong phòng trà. Bên trong phòng không có một đồ vật dư thừa nào cả, cửa ra vào cũng chỉ có một ô cửa nhỏ hẹp. Nếu bạn thích kiểu ngồi dựa ghế như mấy người nổi tiếng thì đừng hòng bước được vào phòng trà.
Ngoài ra, dù là võ sĩ có muốn vào phòng trà thì cũng phải để kiếm ở ngoài. Đã vào trong phòng trà thì không phân biệt người giàu hay kẻ nghèo, dân thường hay người nổi tiếng, mà chỉ là cuộc gặp gỡ giữa người với người, cùng nhau thưởng thức một chén trà mà thôi.