Kamishibai là văn hóa độc đáo của người Nhật Bản. "Kami" có nghĩa là "giấy", còn "shibai" là "diễn kịch hoặc kể chuyện".
Trong đó, nghệ sĩ sẽ đặt từng bức tranh ở phía sau một khung hình trống và thay đổi chúng dựa theo diễn biến câu chuyện mà mình đang kể.
Lấy cảm hứng từ loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian truyền thống ấy, bộ Sân khấu kịch trong sách Kamishibai ra đời, mang đến cách kể chuyện độc đáo và mới lạ dành cho trẻ em.
Hai tập đầu tiên của bộ sách là hai truyện cổ tích quen thuộc Cô bé quàng khăn đỏ và Ba chú Heo con.
Hai tập truyện trong bộ sách Sân khấu kịch trong sách Kamishibai. Ảnh: Đ.T. |
Mỗi tập truyện gồm 10 tấm thẻ rời. Trong đó, thẻ đầu giới thiệu truyện, thẻ cuối hướng dẫn cách sử dụng sách. Tám thẻ còn lại, một mặt là hình ảnh, mặt sau là lời kể chuyện và lời thoại của nhân vật để người biểu diễn có thể dễ dàng đọc lên.
Hình vẽ trong mỗi tấm thẻ đều được minh họa nhiều màu sắc rực rỡ, tạo sức hấp dẫn với không chỉ trẻ em mà cả người lớn.
Bộ sách cũng rất khéo léo đặt lời dẫn truyện của bức tranh tiếp theo ở mặt sau của thẻ phía trước, giúp cho người điều khiển ở đằng sau có thể dễ dàng kể câu chuyện theo đúng thứ tự.
Với sách Kamishibai, người kể chuyện không chỉ đơn thuần đọc nội dung, mà còn có thể kết hợp động tác chân tay, cũng như diễn kịch bằng giọng điệu để biến câu chuyện trở nên sống động hơn bao giờ hết.
Giáo sư Yamashita Toshio - tác giả của cuốn Kamishibai - Sáng tạo và tính giáo dục từng nói một thế giới lung linh màu sắc được thể hiện qua những bức tranh, thế giới ngọt ngào trong sáng được tạo ra bằng lời kể chuyện của người biểu diễn.
"Thế giới chỉ có thể hiển hiện và phát triển trong sự giao lưu giữa người dẫn truyện (bố mẹ, cô giáo) và các khán giả nhỏ tuổi. Đó chính là bản chất của Kamishibai", giáo sư Yamashita Toshio thông tin.
Sân khấu kịch trong sách Kamishibai là bộ sách tương tác tiếp theo được ra đời để rèn luyện trí tưởng tượng và phát triển các giác quan cho trẻ.
Sách có thiết kế giống như một sân khấu kịch Kamishibai thực thụ. Ảnh: Đ.T. |
Vượt ra những trang giấy thông thường, dòng sách tương tác ngày càng được biết đến rộng rãi và yêu thích hơn. Điều đó thôi thúc những nhà sáng tạo thể nghiệm nhiều loại sách khác, để giúp trẻ yêu thích đọc sách hơn, học mà chơi, chơi mà học.