Tại phía nam thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, trụ sở CDC mới của Liên minh châu Phi đang trong quá trình hoàn thiện. Dự án này trị giá 80 triệu USD, kinh phí do Trung Quốc tài trợ, nhà thầu tiến hành là Tổng công ty Xây dựng công trình dân dụng Trung Quốc (CCECC), theo South China Morning Post.
Dự án trọng điểm
Tháng trước, Trưởng phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Phi Hu Changchun đã tới thị sát công tác xây dựng. Toàn bộ các hạng mục dự kiến được hoàn thành vào cuối năm 2022.
Dự án Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) châu Phi rộng khoảng 90.000 m2, trong đó mặt bằng xây dựng rộng gần 40.000 m2.
"Dự án trọng điểm này giữa Trung Quốc và Liên minh châu Phi sẽ tăng cường đáng kể năng lực phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh ở châu Phi", ông Hu nói.
Khi hoàn thành, tòa nhà CDC châu Phi sẽ bao gồm trung tâm phẫu thuật cấp cứu, trung tâm dữ liệu, phòng thí nghiệm, các trung tâm đào tạo, phòng hội nghị, phòng họp, cũng như các văn phòng và nhà ở. Tất cả trang thiết bị, nội thất đều do chính phủ Trung Quốc trao tặng.
Dự án CDC châu Phi tại Ethiopia trong quá trình xây dựng. Ảnh: Liên minh châu Phi. |
Nhưng Bắc Kinh không dừng lại ở tòa nhà tại Ethiopia. Trong giai đoạn 2, Trung Quốc sẽ xây dựng thêm các trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở Ai Cập, Gabon, Kenya, Nigeria và Zambia.
Wu Peng, Vụ trưởng Vụ Châu Phi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết các trụ sở CDC ở châu Phi là "dự án lớn trong hợp tác giữa Trung Quốc và châu Phi", có thể nâng cao năng lực y tế cộng đồng của châu lục.
"Đây sẽ là biểu tượng mới của sự đoàn kết giữa Trung Quốc và châu Phi", ông Wu tuyên bố.
CDC châu Phi được xây dựng với mô hình và chức năng tương tự CDC của Mỹ. Ý tưởng dự án mà Trung Quốc tiến hành xuất phát từ những gì mà Mỹ đã thực hiện khi lãnh đạo chiến dịch ngăn ngừa đại dịch Ebola lan rộng ở Tây Phi năm 2015.
Tháng 4/2015, Mỹ và Liên minh châu Phi ký thỏa thuận thành lập CDC châu Phi. Washington đồng ý cung cấp chuyên gia kỹ thuật, biệt phái hàng chục nhân sự tham gia hỗ trợ dự án CDC châu Phi. Mỹ cũng cấp học bổng cho 10 chuyên gia dịch tễ học của CDC châu Phi.
Hai tháng sau đó, một quan chức y tế Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh và Washington có kế hoạch cùng phối hợp hỗ trợ Liên minh châu Phi xây dựng trụ sở CDC châu Phi.
Tới tháng 9/2015, khi Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Mỹ, hai nước nhất trí hợp tác hỗ trợ liên minh châu Phi triển khai dự án CDC châu Phi. Đến năm 2016, Bắc Kinh và Liên minh châu Phi ký thỏa thuận, theo đó Trung Quốc sẽ gửi chuyên gia y tế tới hỗ trợ.
Tuy nhiên, sau đó, thỏa thuận giữa Washington và Bắc Kinh gián đoạn bởi Mỹ cắt giảm viện trợ nước ngoài.
Khi đối đầu giữa hai nước gia tăng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, hợp tác song phương đổ vỡ. Điều này tạo điều kiện để Trung Quốc một tay hỗ trợ xây dựng các công trình ở châu Phi.
Tháng 6/2020, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố "Trung Quốc sẽ khởi động kế hoạch xây dựng các trung tâm CDC châu Phi ngay trong năm".
Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ mâu thuẫn quanh kế hoạch xây dựng các tòa nhà CDC châu Phi, tháng 2/2020, Washington cáo buộc Bắc Kinh tìm cách đánh cắp "dữ liệu bộ gene của châu Phi".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi cáo buộc của Mỹ là "nực cười". Người phát ngôn Hoa Xuân Oánh tuyên bố cáo buộc nói trên cho thấy "một số người ở Mỹ luôn có sẵn những giả định trong suy nghĩ của họ".
Thất bại của Mỹ
David Shinn, cựu Đại sứ Mỹ tại Ethiopia, cho biết hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc trong hỗ trợ CDC châu Phi diễn ra khi quan hệ song phương ở giai đoạn nồng ấm. Khi đó, CDC Mỹ cùng quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundation là nhà tài trợ chủ yếu.
Tới 2018, khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, Liên minh châu Phi và Trung Quốc ký thỏa thuận riêng cho phép Bắc Kinh đứng ra xây dựng trụ sở CDC châu Phi.
"Washington phản đối quyết liệt nhưng dường như họ đã bị Trung Quốc qua mặt", ông Shinn nói.
Tim Zajontz, chuyên gia chính trị quốc tế Đại học Stellenbosch Nam Phi, nói đại dịch Covid-19 đã biến sức khỏe cộng đồng trở thành một trong các trọng tâm của các dự án Trung Quốc triển khai ở châu Phi nhằm củng cố sức mạnh mềm.
Các trụ sở CDC là ví dụ cho sự đầu tư có trọng điểm của Bắc Kinh ở châu Phi. Dự án cho thấy không chỉ các chính phủ châu Phi riêng lẻ mà ngay cả tổ chức của khu vực như Liên minh châu Phi cũng đang hành xử rất thực dụng.
Quan chức Trung Quốc và Ethiopia tham gia lễ khởi công dự án CDC năm 2020. Ảnh: Xinhua. |
Trong khi đó, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Cameron Hudson cho rằng ngay cả nếu giành được dự án CDC, Washington cũng sẽ không có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc khi nói tới xây dựng cơ sở hạ tầng tại châu Phi.
Theo ông Hudson, CDC châu Phi là một trường hợp ngoại lệ bởi một cơ quan của Mỹ đã dày công đầu tư thời gian, tiền bạc và nhân lực. Dự án này cũng là một thách thức trên khía cạnh an ninh, bởi nhiều nhân viên của chính phủ Mỹ đang được biệt phái làm việc tại CDC châu Phi.
"Việc để các nhân viên này làm việc tại tòa nhà do Trung Quốc xây, nơi mà Trung Quốc lắp các thiết bị giám sát, như những gì họ làm với trụ sở Liên minh châu Phi, đặt ra câu hỏi liệu Washington có thể tiếp tục duy trì quan hệ mật thiết với CDC châu Phi hay không", ông Hudson nói.
Dù Washington từng trấn an các đối tác châu Phi rằng không bắt buộc họ chọn giữa Trung Quốc và Mỹ, dự án CDC chắc chắn là thử thách cho quan hệ giữa Mỹ và châu Phi, ông Hudson nhận định.
Trong khi đó, giáo sư Lawrence Gostin, chuyên gia y Đại học Georgetown, nhấn mạnh cách Trung Quốc viện trợ cho dự án cơ sở hạ tầng của châu Phi, nằm trong tổng thể sáng kiến Vành đai, Con đường, nhằm thúc đẩy các lợi ích địa chính trị chiến lược tại châu lục.
"Mỹ có một lịch sử lâu dài hợp tác sâu sắc về y tế với châu Phi. Mỹ cũng mang lại cảm hứng, ý tưởng cho CDC châu Phi. Vì thế, việc cho phép Trung Quốc xây dựng các tòa nhà trụ sở CDC và chiếm hết công lao hợp tác là một thất bại cay đắng, một bàn phản lưới nhà với Mỹ", ông Gostin nói.