Bắc Macedonia là thành viên mới nhất của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Quốc gia này gia nhập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương tháng 3/2020, gần 30 năm từ khi tách khỏi Nam Tư và tuyên bố độc lập năm 1991.
Dù vậy, trong hầu hết chiều dài lịch sử non trẻ của mình, quốc gia này có tên chính thức là Cộng hòa Macedonia. Cái tên này đã gây ra cuộc tranh cãi kéo dài gần ba thập kỷ với nước láng giềng Hy Lạp.
Với tư cách thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU), Hy Lạp liên tục phủ quyết yêu cầu gia nhập của “người hàng xóm”. Phải đến sau khi thỏa thuận đổi tên chính thức có hiệu lực tháng 2/2019, Bắc Macedonia mới được chấp thuận gia nhập NATO và khởi động quá trình đàm phán gia nhập EU.
Tranh chấp lịch sử
Nước cộng hòa Bắc Macedonia hiện đại nằm ở phía bắc của vùng đất Macedonia cổ. Đây là một khu vực nằm ở phía nam bán đảo Balkan, bao gồm Bắc Macedonia, miền Bắc Hy Lạp, cũng như một phần lãnh thổ của các nước láng giềng như Bulgaria hay Albania.
Cái tên “Macedonia” cũng được Hy Lạp sử dụng để đặt cho ba tỉnh miền Bắc đất nước: Tây Macedonia, Trung Macedonia, cũng như Đông Macedonia và Thrace.
Thời cổ đại, đây là khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp, cũng là nơi phát tích Đế chế Macedonia hùng mạnh của Alexander Đại đế. Đến khoảng thế kỷ thứ 5 sau công nguyên, các dân tộc Slav bắt đầu tràn vào khu vực và định cư nơi đây. Người Bắc Macedonia hiện đại cũng nói một ngôn ngữ Slav.
Biên giới hiện đại giữa Bắc Macedonia và Hy Lạp. Ảnh: AP. |
Dù nền văn hóa Hy Lạp bị đẩy lùi, tên gọi Macedonia vẫn được giữ lại trong suốt chiều dài lịch sử sau đó. Sau Thế chiến II, nước Cộng hòa Nhân dân Macedonia được thành lập như là một phần của Liên bang Nam Tư. Khi Nam Tư tan rã năm 1991, quốc gia này tuyên bố độc lập và lấy tên gọi “Cộng hòa Macedonia”.
Người Hy Lạp không lấy làm vui vẻ trước quốc gia mới này. Năm 1992, một cuộc biểu tình với sự tham gia của khoảng một triệu người nổ ra ở thành phố Thessaloniki, miền Bắc Hy Lạp, để phản đối việc quốc gia mới có tên gọi “Macedonia”.
Các chính đảng lớn tại Hy Lạp tháng 4/1992 đạt đồng thuận về việc không chấp nhận tên gọi “Macedonia” của nước láng giềng. Đây là nền tảng cho chính sách của nước này trong gần 30 năm.
Do phản ứng từ Hy Lạp, Macedonia phải lấy tên gọi “Cựu Cộng hòa Nam Tư Macedonia” (FYROM) khi gia nhập Liên Hợp Quốc năm 1993, như phương án an toàn trước khi tranh chấp với Hy Lạp được giải quyết.
Các biểu tượng quốc gia cũng là chủ đề tranh chấp giữa hai nước. Hy Lạp cáo buộc nước láng giềng “ăn cắp” các biểu trưng của nền văn hóa Hy Lạp như Alexander Đại đế hay biểu tượng “Mặt trời Vergina”.
Macedonia đã gỡ bỏ “Mặt trời Vergina” khỏi quốc kỳ từ năm 1995, nhưng Alexander Đại đế vẫn được người Macedonia coi là một anh hùng của đất nước. Một bức tượng của ông đã được dựng lên ở thủ đô Skopje năm 2011.
“Trên thực tế, Alexander Đại đế không có hộ chiếu hay giấy khai sinh. Dự án này chỉ nhằm khẳng định bản sắc của Macedonia khi bản sắc này bị đe dọa bởi tranh cãi về tên gọi”, cựu Ngoại trưởng Antonio Milososki nói với Guardian hồi năm 2010.
Nỗ lực giải quyết
Vì các vấn đề lịch sử, Athens kiên quyết phản đối tư cách thành viên NATO của Macedonia, kể cả khi các nước đồng minh khác đã chấp thuận về nguyên tắc. Trong hội nghị thượng đỉnh NATO tại thủ đô Bucharest (Romania) năm 2008, Hy Lạp đã dùng quyền phủ quyết để ngăn NATO mời Macedonia gia nhập khối.
“Vấn đề Macedonia là sự kết hợp của ‘cảm giác nạn nhân’ và bằng chứng về mối đe dọa thực sự”, nhà báo Hy Lạp Nikos Konstandaras giải thích trên New York Times. “Ở khu vực Balkan, quá khứ không chỉ là quá khứ. Nó còn tác động đến cả hiện tại”.
Sự phản đối của Hy Lạp khiến Bắc Macedonia chỉ có thể gia nhập NATO năm 2020. Ảnh: NATO. |
Sau gần 30 năm bế tắc, tháng 6/2018, Athens và Skopje chính thức đạt được thỏa thuận để giải quyết tận gốc tranh chấp về tên gọi. Theo đó, Macedonia chấp thuận đổi tên nước thành “Cộng hòa Bắc Macedonia”.
Thỏa thuận này nhận được phản ứng trái chiều của người dân hai nước. Các cuộc biểu tình với hàng nghìn người tham dự nổ ra ở cả Hy Lạp và Bắc Macedonia để phản đối thỏa thuận này.
“Chúng ta sẽ không từ bỏ cái tên của mình”, những người biểu tình tại thủ đô Skopje của Bắc Macedonia hô vang, theo Anadolu Agency.
Quốc hội Hy Lạp chỉ thông qua hiệp định với đa số 3 phiếu, trong khi Quốc hội Macedonia thông qua hiệp định với 80 phiếu đồng thuận trên tổng số 120 nghị sĩ, đạt vừa đủ tỷ lệ hai phần ba ủng hộ cần thiết để thỏa thuận có hiệu lực.
Dù vậy, rào cản cuối cùng trên con đường vào NATO của Bắc Macedonia đã được dẹp bỏ. Ngày 9/2/2019, Hy Lạp là quốc gia đầu tiên phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Bắc Macedonia. Ngày 27/3/2020, Bắc Macedonia chính thức gia nhập khối.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, đây sẽ là mối quan hệ có lợi cho cả hai bên. “Tư cách thành viên NATO là tốt cho Bắc Macedonia và cho cả NATO. Lực lượng vũ trang của các bạn đang đóng góp tích cực vào hòa bình và an ninh thế giới”, ông Stoltenberg tuyên bố.