Đây là năm thứ 3 liên tiếp Hong Kong đứng đầu danh sách thành phố có mức sống cao nhất thế giới, theo chỉ số của ECA. CNN cho rằng có thể gọi châu Á là lục địa đắt đỏ nhất thế giới, khi bên cạnh Hong Kong còn có 4 thành phố khác lọt vào top 10, gồm Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải và Quảng Châu (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc).
Tuy nhiên, châu Á cũng là nơi có những thành phố có tốc độ phát triển nhanh nhất. Colombo - đô thị chính của Sri Lanka - tăng 23 bậc từ 162 lên 149.
Thành phố đắt đỏ nhất châu Âu là Geneva (Thụy Sĩ) - đứng ở vị trí thứ ba sau Hong Kong và New York (Mỹ). Paris (Pháp) - nơi từng đứng đầu danh sách ECA trong quá khứ - đã rớt khỏi top 30. Madrid (Tây Ban Nha), Rome (Italy) và Brussels (Bỉ) đều rớt hạng.
“Gần như mọi thành phố lớn trong khu vực đồng Euro đều giảm thứ hạng trong năm nay do đồng euro kém giá trị hơn trong 12 tháng qua so với USD và bảng”, Lee Quane - Giám đốc khu vực châu Á của ECA - giải thích.
Hong Kong là thành phố có mức sống đắt nhất thế giới theo xếp hạng của ECA. Ảnh: Flickr. |
Các yếu tố bên ngoài như chính trị và xung đột quốc tế cũng đóng vai trò nhất định. Chiến sự ở Ukraine cùng các lệnh trừng phải đã đẩy Moscow (Nga) xuống vị trí thứ 62, trong khi St Petersburg dừng ở vị trí thứ 147.
ECA đánh giá dựa vào các chỉ số như giá trung bình các mặt hàng thiết yếu trong gia đình như sữa và dầu ăn, tiền thuê nhà, tiện ích, phương tiện công cộng và giá đồng nội tệ. Chỉ số đặc biệt tập trung vào trải nghiệm của lao động nước ngoài.
Ngoài ECA International, một tổ chức khác là Economist Intelligence Unit (EIU) cũng công bố chỉ số Chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới vào tháng 12 hàng năm. Vào năm 2021, Tel Aviv (Israel) lấy vị trí đầu bảng, theo sau là Paris và Singapore đứng ở vị trí thứ 2.
Vào năm 2020, Hong Kong, Zurich (Thụy Sĩ) và Paris đều chia sẻ vị trí số một.
Nhìn những xếp hạng trên, CNN nhận định mức sống tại các thành phố ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đắt đỏ hơn nhiều so với khu vực châu Phi và Nam Mỹ.