Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cuộc sống tại Nga sau 3 tháng chịu ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine

Ba tháng chiến sự ở Ukraine, người Nga chứng kiến cảnh doanh nghiệp phương Tây rời đi, thực phẩm đắt đỏ hơn dù lương không tăng, nguồn hàng khan hiếm.

Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố phát động "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine, chiến sự dường như ở rất xa lãnh thổ Nga. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, người dân lại hứng chịu các lệnh trừng phạt mạnh chưa từng thấy từ phương Tây.

Ba tháng sau khi chiến sự nổ ra, nhiều người dân Nga chật vật đối phó với những khó khăn về kinh tế. Trong khi đó, những gian hàng bên trong các trung tâm mua sắm rộng lớn của Moscow trống trải khi giới bán lẻ phương Tây tuyên bố ngừng hoạt động ở nước này, theo AP.

Hàng loạt công ty phương Tây rút đi

Ngày 31/1/1990 đánh dấu sự thay đổi lớn trong văn hóa Nga. Tại Quảng trường Pushkin sầm uất của Moscow, hàng nghìn người Nga xếp hàng trước chi nhánh McDonald's đầu tiên của đất nước, theo CNN.

Bức màn Sắt, thứ đã chia cắt Đông và Tây Âu trong nhiều thập niên, vừa mới sụp đổ. Giờ đây, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh của người Mỹ đã có thể phục vụ suất Big Macs cho khách hàng Nga.

32 năm sau, McDonald's đã có gần 850 chi nhánh trên khắp cả nước. Tuy nhiên, ngày 7/3 vừa qua, công ty này thông báo họ sẽ đóng cửa mọi chi nhánh tại Nga.

Giống McDonald's, nhiều thương hiệu lớn khác của phương Tây, bao gồm tập đoàn bán lẻ đồ nội thất IKEA, quyết định tạm ngừng hoạt động tại Nga. Hàng chục nghìn người từng có công việc ổn định nay đột ngột bị mất việc trong thời gian rất ngắn.

Các công ty công nghiệp lớn - bao gồm tập đoàn dầu mỏ như BP, Shell và nhà sản xuất ôtô Renault - cũng “dứt áo ra đi”, bất chấp các khoản đầu tư khổng lồ vào Nga. Shell ước tính sẽ mất khoảng 5 tỷ USD nếu rời khỏi Nga.

cuoc song tai nga sau chien su ukraine anh 1

Bên trong trung tâm thương mại GUM ở Moscow hôm 4/3. Ảnh: AP.

Việc di chuyển cũng trở nên khó khăn hơn nhiều. 27 quốc gia Liên minh châu Âu, cùng với Mỹ và Canada, đã cấm các chuyến bay đến và đi từ Nga. Người Nga từng chỉ cần mất 90 phút để bay từ Moscow tới thủ đô Tallinn của Estonia. Hiện họ cần bỏ ra tận 12 tiếng khi di chuyển bằng đường hàng không từ tuyến đường qua Istanbul.

Ngay cả Internet và mạng xã hội cũng bị thu hẹp đối với người Nga. Hồi tháng 3, Nga cấm Facebook và Instagram, mặc dù người dân vẫn có thể truy cập bằng cách sử dụng VPN.

"Họ vẫn đang chờ"

Trong những ngày đầu chiến sự nổ ra, đồng ruble mất một nửa giá trị. Tuy nhiên, chính phủ Nga đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, đẩy giá đồng tiền này lên cao hơn cả mức trước đó.

Dù vậy, về hoạt động kinh tế, “đó là câu chuyện hoàn toàn khác”, Chris Weafer - nhà phân tích kinh tế Nga tại Macro-Advisory - cho biết.

Theo Wall Street Journal, các lệnh trừng phạt có khả năng đẩy nền kinh tế Nga vào suy thoái sâu, gây thêm sức ép cho doanh nghiệp trong nước. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng sản phẩm quốc nội Nga dự kiến giảm 8,5% trong năm nay, mức sâu nhất kể từ đầu những năm 1990.

Dữ liệu công bố giữa tháng 5 cho thấy doanh số bán ôtô - chỉ số quan trọng phản ánh tâm lý người tiêu dùng - giảm hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu có trụ sở tại Moscow.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang ảnh hướng các hộ gia đình Nga, khi giá thực phẩm leo thang nhưng tiền lương không tăng, theo NPR.

Giá đường tăng hơn 65% so với một năm trước, trong khi rau và trái cây đắt hơn 30%, theo dữ liệu của chính phủ Nga. Giá lương thực nói chung tăng 20%, gấp đôi mức tăng được ghi nhận ở Mỹ trong tháng 4. Dữ liệu thống kê cho thấy giá mì ống cùng đậu và ngũ cốc tăng hơn 30% so với một năm trước.

cuoc song tai nga sau chien su ukraine anh 2

Phần lớn ngân sách gia đình người Nga chi tiêu cho thực phẩm. Ảnh: Shutterstock.

Ông Weafer nói việc đồng ruble tăng mạnh gây ra các vấn đề cho ngân sách quốc gia.

“Họ nhận được doanh thu bằng ngoại tệ từ các nhà xuất khẩu và khoản thanh toán bằng đồng ruble. Vì vậy, đồng ruble càng mạnh đồng nghĩa với việc họ ít chi tiêu hơn", ông nói. "(Điều đó) cũng khiến các nhà xuất khẩu Nga kém cạnh tranh hơn khi hàng hóa của họ đắt đỏ trên thị trường thế giới”.

Nếu chiến sự kéo dài, thêm nhiều công ty có thể rút khỏi Nga. Ông Weafer cho rằng những công ty hiện đình chỉ hoạt động có thể tiếp tục mở lại nếu Nga và Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn.

“Nếu dạo quanh các trung tâm mua sắm ở Moscow, có thể thấy nhiều cửa hàng thời trang, các tập đoàn kinh doanh phương Tây chỉ kéo cửa chớp xuống. Kệ của họ vẫn đầy hàng, đèn vẫn sáng. Chỉ đơn giản là họ không mở cửa hàng, và họ chưa rút hoàn toàn. Họ đang chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông giải thích.

Ông Weafer cho biết những công ty này sẽ sớm phải giải quyết tình trạng lấp lửng.

“Bây giờ chúng ta đang đến giai đoạn mà các công ty bắt đầu cạn kiệt thời gian, hoặc hết kiên nhẫn", ông kết luận.

Bài liên quan

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm