Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thành lập 3 đặc khu, Hà Nội và TP.HCM vẫn là đầu tàu kinh tế'

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Hà Nội và TP.HCM vẫn luôn là hai đầu tàu động lực của kinh tế cả nước, cùng với 7 vùng kinh tế trọng điểm, dù có thành lập 3 đặc khu.

Trong phiên chất vấn Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chiều 6/6, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) yêu cầu Phó thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của 3 đặc khu với sự ổn định về an ninh quốc phòng, vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian 10, 100 năm và lâu hơn nữa? Và khi có đặc khu thì các vùng kinh tế khác ra sao?

Trả lời chất vấn này, Phó thủ tướng nói rằng trên thế giới, tạo ra đặc khu là thử nghiệm thể chế và cực tăng trưởng.

Dự luật này Quốc hội đang thảo luận, tính toán kinh tế, thu hút đầu tư, gắn kinh tế với quốc phòng, an ninh…

lien ket vung kinh te anh 1
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cơ chế điều phối vùng đang là lý do khiến liên kết vùng kinh tế chưa hiệu quả. 

Về các vùng kinh tế khác sau khi có đặc khu, Phó thủ tướng nói: "Hà Nội và TP.HCM bao giờ vẫn đầu tàu, động lực của cả nước dù có đặc khu hay không. 7 vùng kinh tế trọng điểm của chúng ta vẫn tiếp tục tập trung cơ chế chính sách, phát huy thế mạnh của các vùng này, làm lan tỏa các địa phương và vùng khác.

Việc ra đời các đặc khu không ảnh hưởng quan điểm phát triển, nguồn lực trung ương vẫn dành để đầu tư tới 7 vùng trọng điểm này, để lan tỏa".

Một vấn đề khác được đại biểu Quốc hội quan tâm là cơ chế điều phối vùng đang khiến cho mục tiêu liên kết vùng kinh tế không đạt hiệu quả cao. Cụ thể, các đại biểu cho rằng cả nước có 7 vùng kinh tế trọng điểm, nhưng trên thực tế sự liên kết phát triển kinh tế vùng rất hạn chế và còn yếu kém, các địa phương chưa có sự liên kết.

Đặc biệt, trong đầu tư chỉ chú trọng các vùng lõi, như trung tâm các thành phố lớn mà bỏ qua các địa phương lân cận đóng vai trò là vệ tinh cung cấp tài nguyên và nguyên liệu cho vùng trung tâm.

Trước thực trạng trên, Chính phủ cần cho biết quan điểm về hiệu quả liên kết vùng kinh tế, đâu là giải pháp căn cơ để phát huy sức mạnh kinh tế của liên kết vùng?

lien ket vung kinh te anh 2
Khu kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là vùng Đông Nam Bộ, mong muốn Chủ tich TP.HCM làm trưởng ban điều phối vùng này.

Trả lời vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết liên kết vùng kinh tế đang được Chính phủ hết sức quan tâm, và cần thiết kế cơ chế điều phối vùng hợp lý trong thời gian tới.

Đối với liên kết vùng không phải là đi phát huy lợi thế của từng tỉnh, mà phát huy lợi thế so sánh của từng tỉnh đặt trong tương quan cả một vùng.

Theo ông Huệ, để liên kết vùng hiệu quả, cơ chế điều phối vùng đóng vai trò rất quan trọng. Trong khi đó, nội hàm của liên kết vùng quan trọng nhất là phải có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng. Sau khi làm quy hoạch xong, Nhà nước phải làm cùng các nguồn lực xã hội khác, để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội vùng.

Tiếp đó, Nhà nước phải tạo cơ chế để các doanh nghiệp họ tham gia vào chuỗi giá trị của các sản phẩm ở vùng mà việc này nhà nước không làm được, chỉ có doanh nghiệp làm được.

Vấn đề cơ chế điều phối thì hiện nay ở miền Trung đang tự nguyện, nghĩa là các tỉnh lập ra một hội đồng luân phiên nhau làm việc, và cũng tương đối hiệu quả. Trong khi đó, ĐBSCL thì Thủ tướng đang giao cho Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư phụ trách điều phối vùng này.

“Nhưng đúng như các đại biểu chia sẻ là vẫn chưa đủ hiệu lực, vì các liên kết vùng này thường liên quan đến rất nhiều bộ ngành và quản lý tổng hợp về mặt Nhà nước. Đó là lý do khu kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là vùng Đông Nam Bộ, mong muốn Chủ tich TP.HCM làm trưởng ban điều phối vùng, và đề xuất Thủ tướng hoặc một Phó thủ tướng chỉ đạo tại khu vực này.

Chính phủ thấy rằng đây là ý kiến rất đúng và sẽ tiếp thu. Tiếp đó, cần bàn bạc và điều phối hợp lý trong điều kiện mà chúng ta không có chính quyền cấp vùng như các nước khác”, Phó thủ tướng cho biết.

Trước đó, Thủ tướng vừa phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.  Phạm vi của đề án bao gồm TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Bình Phước; Tây Ninh; Long An; Đồng Nai; Tiền Giang. Tổng diện tích khoảng 30.404 km2.

Mục tiêu của đề án là phát triển vùng TP.HCM trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Phó thủ tướng: ‘Cán bộ đặc khu phải đặc biệt’

'Quy trình chọn chặt chẽ, theo hướng chủ tịch tỉnh đề xuất, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn. Cách làm này sẽ chọn được người xứng đáng' - PTT Vương Đình Huệ nói.



Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm