Thủ tướng vừa phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi của đề án bao gồm TP.HCM và 7 tỉnh lân cận là Bà Rịa - Vũng Tàu; Bình Dương; Bình Phước; Tây Ninh; Long An; Đồng Nai; Tiền Giang. Tổng diện tích khoảng 30.404 km2.
Đến 2030, bình quân mỗi người vùng TP.HCM có 100-150 m2 đất
Mục tiêu của đề án là phát triển vùng TP.HCM trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, có vai trò, vị thế quan trọng trong khu vực Đông Nam Á và hướng tới quốc tế. Ngoài ra, mục tiêu còn phát triển vùng TP.HCM trở thành một vùng kinh tế hiện đại, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.
Vùng TP.HCM sẽ được hình thành các trung tâm thương mại - tài chính, trung tâm nghiên cứu khoa học - dịch vụ; trung tâm công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp chuyên sâu với trình độ chuyên môn hóa cao; trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ và y tế chất lượng cao trong khu vực Đông Nam Á.
Vùng TP.HCM sẽ là vùng đô thị mang tầm khu vực Đông Nam Á trong tương lai. Ảnh: Lê Quân. |
Dự báo dân số đến năm 2030 là 24-25 triệu người, trong đó dân số đô thị là 18-19 triệu người, số dân nông thôn khoảng 6-7 triệu người. TP.HCM sẽ có khoảng 18-19 lao động. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 70-75%.
Đất xây dựng đô thị đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 270.000-290.000 ha. Bình quân, mỗi người dân sẽ có 100-150 m2 đất. Đất xây dựng điểm cư dân nông thôn đến năm 2030 đạt khoảng 150.000-170.000 ha, bình quân 180-210 m2/người.
Theo đề án, vùng TP.HCM sẽ lựa chọn mô hình phát triển tập trung - đa cực, đảm bảo sự thống nhất, cân bằng trong phát triển vùng và thích ứng với những sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Vùng TP.HCM cũng sẽ phát triển đô thị nén, hạn chế mở rộng phát triển đô thị trên diện rộng, đặc biệt tại các khu vực chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Vùng sẽ xây dựng và phát triển cực tăng trưởng tại các vùng có nền địa hình cao trên các trục hành lang kinh tế trọng điểm và ở khu vực ngoại vi.
Ngoài ra, đề án nêu rõ vùng TP.HCM tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ, mạng lưới đường sắt đô thị nội vùng nhằm tăng cường kết nối vùng đô thị trung tâm và các cực tăng trưởng.
TP.HCM sẽ là hạt nhân của vùng
Theo đề án, vùng TP.HCM sẽ được phân ra thành nhiều tiểu vùng khác nhau.
Tiểu vùng đô thị trung tâm gồm TP.HCM, vùng phụ cận tại các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai. Tiểu vùng phía Đông gồm Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tiểu vùng phía Bắc - Tây Bắc gồm Bình Phước, Tây Ninh và Bắc tỉnh Bình Dương. Tiểu vùng phía Tây Nam gồm Tiền Giang và Long An.
TP.HCM sẽ là hạt nhân trong liên kết vùng TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Trong phát triển, TP.HCM với vị thế trung tâm kinh tế lớn nhất của nước sẽ là đô thị hạt nhân của vùng, có vai trò liên kết và hỗ trợ các đô thị trong vùng cùng phát triển.
TP.HCM sẽ là trung tâm giao thương quốc tế của vùng và quốc gia, trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp sáng tạo cao tầm khu vực. TP cũng sẽ là trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế. Tỷ lệ đô thị hóa của TP.HCM năm 2030 dự kiến đạt 80-90%.
Về định hướng phát triển đô thị, vùng TP.HCM sẽ tập trung phát triển các đô thị tỉnh lỵ và đô thị chuyên ngành có vai trò tạo động lực trong vùng trên cơ sở tăng cường liên kết và khai thác hiệu quả hệ thống đường vành đai (3 và 4); các trục, hành lang kinh tế với các tỉnh thành khác.
Về định hướng phát triển công nghiệp, vùng TP.HCM dự kiến có diện tích đất xây dựng các khu công nghiệp đến năm 2020 là khoảng 69.000 ha. Trong đó TP.HCM là 7.080 ha; Đồng Nai là 13.400 ha; Bà Rịa - Vũng Tàu là 9.210; Bình Dương là 14.790 ha; Tây Ninh là 5.185 ha; Bình Phước là 8.220 ha; Long An là 13.500 ha và Tiền Giang là 3.200 ha.
Vùng TP.HCM sẽ phát triển theo hướng hình thành vùng công nghiệp - đô thị hiện đại, gắn kết giữa phát triển khu đô thị, khu công nghiệp, khu thương mại - dịch vụ, đảm bảo cho khu công nghiệp phát triển bền vững. Phát triển liên kết các khu công nghiệp hình thành vùng công nghiệp, vùng công nghiệp chuyên sâu và công nghiệp địa phương.
Ưu tiên dự án chống ngập và đầu tư sân bay
Về định hướng phát triển du lịch, vùng TP.HCM sẽ là vùng du lịch trung tâm quan trọng của miền Nam với các sản phẩm du lịch đa dạng, đặc thù, kết nối với du lịch sinh thái sông nước, biển đảo của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Về định hướng phát triển nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo, vùng TP.HCM sẽ là một trong các trung tâm đào tạo, dạy nghề lớn nhất cả nước. Đến năm 2030 sẽ có khoảng 1,2-1,5 triệu sinh viên.
Vùng TP.HCM sẽ ưu tiên đất mở rộng cho các trường chuẩn quốc gia, quốc tế và ngành học trọng điểm. Riêng TP.HCM sẽ ưu tiên đào tạo đại học và sau đại học các ngành khoa học cơ bản, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.
Các dự án chống ngập và sân bay sẽ được ưu tiên đầu tư tại vùng TP.HCM. Ảnh: Lê Quân. |
Về y tế, vùng TP.HCM sẽ là trung tâm y tế chuyên sâu, chất lượng cao, lớn nhất cả nước, được phân phối phù hợp giữa TP.HCM và các địa phương. Tổng nhu cầu giường bệnh đến năm 2030 đạt khoảng 90-100 nghìn giường.
Về định hướng phát triển hạ tầng giao thông sẽ được từng bước đầu tư, nâng cấp và phát triển hoàn thiện. Vùng TP.HCM sẽ chú trọng phát triển giao thông công cộng trong các đô thị và kết nối giữa các đô thị trong vùng bằng các phương tiện giao thông hiện đại, thân thiện với môi trường.
Đề án cũng thông qua khung cơ chế chính sách phát triển vùng trong đó tập trung vào 5 nhóm chính.
Về đầu tư, các địa phương trong vùng sẽ được liên kết chia sẻ, khai thác các cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tài chính sẽ hỗ trợ phát triển vùng, phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp....
Đề án cũng cho biết sẽ ưu tiên phát triển các dự án trọng điểm cấp quốc tế, quốc gia và vùng đô thị trung tâm, hạ tầng kỹ thuật như các tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; Bến Lức - Long Thành; Trung Lương - Mỹ Thuận; Biên Hòa - Vũng Tàu; TP.HCM - Mộc Bài….
Ngoài ra, đề án cũng nhắc đến nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng mới sân bay Long Thành, ưu tiên các dự án chống ngập khu vực TP.HCM, các dự án thủy lợi, chống lũ, nhà máy nước….