Từ 14h30 chiều 6/6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
Phần thời gian dành cho ông là 120 phút. Theo đó, Phó thủ tướng vừa báo cáo thêm các vấn đề thuộc về công tác điều hành, chỉ đạo của Chính phủ trên mọi mặt, vừa trực tiếp trả lời thêm các chất vấn của đại biểu.
Đây là lần đầu tiên Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn Quốc hội trên cương vị lãnh đạo Chính phủ. Ở Chính phủ nhiệm kỳ khoá XIII, ông từng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với tư cách Bộ trưởng Tài chính.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Ảnh: Quân Minh. |
Trước đó, Quốc hội đã lần lượt chất vấn 4 thành viên Chính phủ là Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Giáo dục - Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Các thành viên Chính phủ khác cũng giải trình thêm các vấn đề mà đại biểu quan tâm tại mỗi phiên chất vấn.
-
Phó thủ tướng giải trình thêm
Trước khi bắt đầu phiên chất vấn chiều 6/6, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình thêm một số vấn đề mà các đại biểu quan tâm.
Trước ông, đã có 4 bộ trưởng, 2 phó thủ tướng và một số thành viên Chính phủ khác tham gia trả lời chất vấn tại hội trường.
-
Kinh tế phát triển ổn định
Cập nhật tình hình tháng 5 và 5 tháng đầu năm, Phó thủ tướng cho biết tiếp tục xu hướng tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định
Xuất khẩu đạt trên 93 tỷ USD, tăng 15,8%; xuất siêu 3,4 tỷ USD. Thu ngân sách nhà nước đạt khá, tăng 13,6%, bằng 41,6% dự toán. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6,75 tỷ USD, tăng 9,8%.
Các ngành kinh tế tiếp tục phát triển ổn định. Nông nghiệp được mùa, giá bán tăng, nông dân có lãi, đời sống được cải thiện.
Tuy nhiên, ông thừa nhận tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thách thức. Sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng chậm lại. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng cao hơn cùng kỳ năm 2017 nhưng mới đạt 22,5% dự toán. Nhập siêu của khu vực trong nước cao.
Cắt giảm thủ tục hành chính nhiều nơi chưa đạt yêu cầu; chi phí logistics, vận tải, kho bãi... còn cao. Xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường sắt liên tiếp. Tình hình khiếu nại, khiếu kiện, trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn diễn biến phức tạp.
Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát và chủ động ứng phó với diễn biến tình hình; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2018.
-
Yêu cầu minh bạch việc thực hiện dự án BOT
Về vấn đề đầu tư BOT và xử lý tồn tại các dự án BOT, Phó thủ tướng dẫn Báo cáo của Chính phủ nêu rõ: Huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó có đầu tư theo hình thức BOT là chủ trương rất cần thiết và đúng đắn, được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 13-NQ/TW (khóa XI) và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là đối với kết cấu hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều vướng mắc, yếu kém và sai phạm.
Thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật liên quan (trong đó có Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư BOT); thực hiện nghiêm Nghị quyết số 437 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, sớm nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành công khai, minh bạch quá trình thực hiện dự án, nhất là việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu.
Về xử lý tồn tại của các dự án BOT, Chính phủ đã và đang chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm. Trên cơ sở kết quả kiểm toán, thanh tra, rà soát từng dự án BOT, khẩn trương quyết toán, điều chỉnh giảm phí BOT phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
-
Sau hơn 10 phút giải trình, ông Vương Đình Huệ bắt đầu nhận câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội. 71 người đăng ký chất vấn phó thủ tướng.
Trước đó, nhiều vấn đề đại biểu quan tâm cũng được ông giải trình bao gồm: quản lý đất đai, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng giáo dục, năng suất lao động, và việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
-
Tình trạng thuốc giả của Việt Nam khá thấp
ĐB Mùa A Vàng (Điện Biên): Thời gian gần đây cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Giải pháp của Chính phủ thế nào để ngăn chặn?
Trả lời câu hỏi, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn báo cáo của Bộ Y tế cho biết tình trạng thuốc giả, kém của thế giới trung bình là 10%, tỷ lệ này của Việt Nam là khá thấp (2,1%). Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc nghiệm trọng, như vụ thuốc chống ung thư giả Vinaca.
Một mặt, Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm. Riêng vụ này đã khởi tố, bắt giam. Đồng thời, phải tăng cường quản lý Nhà nước của Bộ Y tế.
Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo tăng cường khâu đấu thầu thuốc tập trung tại Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, cùng với các tỉnh.
Đấu thầu thuốc rất nhiều tác dụng, quản lý được chất lượng, giá minh bạch, giảm 15-20%. Một số loại thuốc biệt dược đã giảm giá.
Đối với các cửa hàng liên quan đến bán thuốc, tăng cường quản lý chất lượng, quy trình, bán thuốc, kê đơn.
Thủ tướng cũng có chỉ đạo và thí điểm kết nối CNTT cơ sở khám bệnh và nhà thuốc, kiểm soát chất lượng, xuất xứ của thuốc. Sau đó sẽ đánh giá sơ bộ và triển khai cả nước. Cần phải tăng cường chất lượng thuốc và giảm giá.
-
Quyết tâm của Chính phủ trong cuộc chiến chống tham nhũng ra sao?
ĐB Giàng A Chu (Yên Bái): Cuộc chiến chống tham nhũng đã có nhiều kết quả nhất định, làm tăng niềm tin của cử tri. Quyết tâm của Chính phủ trong cuộc chiến này trong thời gian tới như thế nào?
ĐB GiàngThị Bình (Lào Cai): Quy mô xuất khẩu đã cao, khi một số nước đã bảo hộ mậu dịch. Trách nhiệm của Chính phủ khi đứng trước thách thức trên?
ĐB Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh): Từ vụ việc cà phê pha pin, làm thế nào để bảo vệ thương hiệu hàng hóa Việt Nam, để tăng sức cạnh tranh?
-
Chính phủ chỉ đạo quyết liệt chống tham nhũng
Về cuộc chiến chống tham nhũng, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết thời gian qua và năm 2017 đạt được kết quả to lớn, căn bản được đồng bào cử tri cả nước đồng tình ủng hộ ngay cả dư luận quốc tế đánh giá cao.
Tại WEF Davos, có doanh nghiệp đặt câu hỏi chống tham nhũng gay gắt như vậy có ảnh hưởng tới môi trường đàu tư kinh doanh không? Câu trả lời là không, vì ta toàn diện cả kinh tế - phòng chống tham nhũng. Chúng ta thực hiện nhiệm vụ kép là tăng trưởng kinh tế thành quả cao hơn nhưng mặt khác phải nghiêm khắc với các tồn tại về ngân hàng, hải quan, tài chính, công tác cán bộ.
Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán, Công an đã vào cuộc và kết quả đã công khai rõ ràng với các số liệu rõ ràng.
Thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiêm túc chấp hành, thực hiện nghiêm chương trình chống tham nhũng, cùng với các cơ quan tư pháp, lập pháp làm tốt, đẩy mạnh hơn công việc này.
Về cà phê pin, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Bộ Công an đã ngăn chặn rất kịp thời. Trộn sang tiêu, sang cà phê cũng không được. Khi báo chí nêu, tác động đến thương hiệu, cả cà phê và hạt tiêu. Hai sản phẩm này thực tế không bị tác động gì từ vụ này.
Tuy nhiên, 2 sản phẩm này cũng như các sản phẩm nông sản chủ lực khác đóng góp lớn vào xuất khẩu, đóng góp 40 tỷ USD. Giải pháp là phải khuyến khích liên kết theo chuỗi giá trị, cung ứng sản phẩm an toàn, quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, đẩy mạnh chế biến, bảo quản; đẩy mạnh quảng bá...
-
Ưu tiên tín dụng để giải quyết vấn đề cấp bách tại ĐBSCL
ĐB Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ): Chính phủ có nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL, phát triển vùng đất tiềm năng của đất nước. Theo nghị quyết có 17 cơ quan, bộ ngành, nhưng tiến độ rất chậm. Trong thời gian tới, nguồn lực có hạn, Chính phủ ưu tiên điều gì trong phát triển ĐBSCL?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Để thực hiện nghị quyết 120, chúng ta phải có biện pháp quản lý tổng hợp, đầu tiên là tài nguyên nước. Nước ta mưa nhiều nhưng 60-70% lượng nước phụ thuộc vào nước ngoài. Lượng nước, phù sa, chất lượng, tài nguyên từ thượng nguồn kém. Sụt lún, địa chất đồng bằng sông Cửu Long lại là vấn đề.
Đối với vùng ĐBSCL sẽ là nơi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lớn nhất. Chúng ta cần các giải pháp công trình và phi công trinh. Ngay cả việc sói lở, cần phải dành không gian nào đó theo bờ sông, không thể ở sát bờ sông. Thủ tướng đã giao Bộ Xây dựng xây dựng chương trình tổng thể đô thị hóa ĐBSCL. Chúng ta cũng còn các đề án các tiểu vùng như Cà Mau, tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… Các đề án này lãnh đạo các tỉnh chủ trì.
Về nguồn lực, Chính phủ ưu tiên xuất cấp 1.500 tỷ từ nguồn dự phòng để giải quyết những vấn đề cấp bách nhất. Đề nghị Quốc hội thông qua 1.000 tỷ nữa từ nguồn đầu tư công trung hạn. Ngoài ra các nguồn ODA…
-
Chính phủ chia sẻ lo lắng của đại biểu về tình trạng đạo đức xuống cấp
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An): Cử tri cả nước, nhiều ĐBQH đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề xã hội xuống cấp, gây nhiều bức xúc. Quan điểm của Chính phủ như thế nào? Sắp tới có biện pháp gì mạnh mẽ?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Ngoài vấn đề kinh tế, vấn đề xã hội được Quốc hội rất quan tâm. Kỳ này đặc biệt nhiều, đại biểu lo lắng kinh tế phát triển nhưng đạo đức xã hội xuống cấp. Chính phủ cũng rất chia sẻ những lo lắng này.
Đảng và Nhà nước đã xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa - xã hội là nền tảng. Trung ương đã ban hành một chuyên đề về xây dựng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sức dân tộc. Hội nghị TW9 cũng ban hành nghị quyết về xây dựng con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước. Phát triển văn hóa vẫn chưa ngang bằng với phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng.
Quan điểm của Chính phủ, phát triển phải bền vững 3 trụ cột là kinh tế - xã hội - môi trường. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của Quốc hội, Chính phủ sẽ bàn bạc, soát xét lại toàn bộ nghị quyết TW9 khóa 11.
Hiện nay các vấn đề xã hội, nhưng đa phần vẫn là tích cực. có một số vụ việc xã hội bức xúc, thời kỳ công nghệ thông tin được lan truyền rất nhanh. Ảnh: Quân Minh.
-
15.600 máy đào Bitcoin đã nhập về Việt Nam
ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình): Quản lý tiền ảo tại nước ta là vấn đè cấp thiết, giúp ổn định nền kinh tế, chính sách tiền tệ. Chính phủ có định hướng chính sách như thế nào vấn đê này, có giải pháp gì quản lý?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Khi có thông tin bà con mua máy đào Bitcoin, có các vụ việc phức tạp: dùng thẻ cào qua đánh bạc, kinh doanh đa cấp trên mạng (15.000 tỷ đồng mà Bộ Công an đã khởi tố), Thủ tướng, PTT Trương Hòa Bình cũng chỉ đạo. Thủ tướng đã yêu cầu xây dựng khuôn khổ để quản lý tiền ảo. NHNN đã ra văn bản không công nhận Bitcoin, các đồng tiền ảo khác là đồng tiền sử dụng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, tình trạng nhập máy đào Bitcoin tương đối sôi động. Theo số liệu Bộ Tài chính báo cáo, đã nhập 15.600 máy đào Bitcoin. Về TP.HCM 9.000, Hà Nội 6.000, còn lại ở Đà Nẵng. Bộ Tài chính đang đề nghị cấm, không cho nhập, nhưng cần phải xem xét thêm về cơ sở pháp lý, dù chẳng có lợi ích gì.
-
'Sẽ chọn được cán bộ xứng đáng làm chủ tịch đặc khu'
Liên quan đến chất vấn cũng của ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) về tiêu chí để tuyển chọn chức danh chủ tịch đặc khu, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đã nói là mô hình đặc biệt nên cán bộ cũng phải đặc biệt. Quy trình chọn cán bộ chặt chẽ, theo hướng chủ tịch tỉnh đề xuất. Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu, Thủ tướng phê chuẩn. Với cách làm này thì tôi nghĩ sẽ chọn được cán bộ xứng đáng.
-
Chủ tịch TP.HCM là Trưởng ban điều phối khu kinh tế trọng điểm phía Nam?
ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) hỏi: Cả nước có 7 vùng kinh tế trọng điểm nhưng trên thực tế sự liên kết phát triển kinh tế vùng rất hạn chế và còn yếu kém, các địa phương chưa có sự liên kết. Trong đầu tư chỉ chú trọng các vùng lõi như trung tâm các thành phố lớn mà bỏ qua các địa phương lân cận đóng vai trò là vệ tinh cung cấp tài nguyên và nguyên liệu cho vùng trung tâm.
Trước thực trạng trên đề nghị chính phủ cho biết quan điểm về hiệu quả liên kết vùng kinh tế, đâu là giải pháp căn cơ để phát huy sức mạnh kinh tế của liên kết vùng?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết phát triển liên kết kinh tế vùng là vấn đề đang được quan tâm. Trong nghị quyết 12 nói rõ phải tăng cường liên kết vùng và thiết kế cơ chế điều phối vùng. Đối với liên kết vùng không phải là đi phát huy lợi thế của từng tỉnh mà phát phát huy lợi thế so sánh của từng tỉnh đặt trong tương qua cả một vùng.
Chính phủ thấy rằng việc cơ chế điều phối vùng rất quan trọng. Nội hàm của liên kết vùng quan trọng là phải có quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng. Sau khi làm quy hoạch xong thì Nhà nước phải làm cùng các nguồn lực xã hội khác để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng.
Tiếp đó, Nhà nước phải tạo cơ chế để các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị của các sản phẩm ở vùng. Việc này Nhà nước không làm được, chỉ có doanh nghiệp làm được.
Vấn đề cơ chế điều phối, hiện nay ở Miền Trung đang tự nguyện, nghĩa là các tỉnh lập ra một hội đồng và luân phiên nhau làm việc tương đối hiệu quả.
Trong khi đó ĐBSCL thì Thủ tướng đang giao cho Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư phụ trách điều phối vùng này. Nhưng đúng như các đại biểu chia sẻ là vẫn chưa đủ hiệu lực vì các liên kết vùng này thường liên quan đến rất nhiều Bộ ngành và quản lý tổng hợp về mặt nhà nước.
Ngay cả khu kinh tế trọng điểm phía Nam thì trong vùng Đông Nam Bộ họ cũng mong muốn Chủ tich TP.HCM làm Trưởng ban điều phối vùng và đề xuất Thủ tướng hoặc một Phó thủ tướng chỉ đạo liên kết vùng tại khu vực này.
Chính phủ thấy rằng đây là ý kiến rất đúng và sẽ tiếp thu, tiếp đó cần bàn bạc và điều phối hợp lý trong điều kiện mà chúng ta không có chính quyền cấp vùng như các nước khác.
-
Phát triển kinh tế 3 đặc khu gắn với an ninh quốc phòng ra sao?
ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Xin phó thủ tướng cho biết khái quát, nếu triển khai thành công 3 đặc khu, tình hình kinh tế - xã hội của 3 nơi đó phát triển như thế nào, đóng góp vào kinh tế đất nước như thế nào? Phó thủ tướng phân tích mối quan hệ giữa sự phát triển kinh tế của 3 đặc khu với sự ổn định về an ninh quốc phòng, vẹn toàn lãnh thổ của đất nước theo thời gian 10, 100 năm và lâu hơn nữa?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Trên thế giới, tạo ra đặc khu là thử nghiệm thể chế và cực tăng trưởng. Dự luật này Quốc hội đang thảo luận, ta tính toán kinh tế, thu hút đầu tư, gắn kinh tế với quốc phòng, an ninh…
Chúng tôi xin báo cáo, Hà Nội và TP.HCM bao giờ vẫn đầu tàu, động lực của cả nước dù có đặc khu hay không. 7 vùng kinh tế tọng điểm của chúng ta vẫn tiếp tục tập trung cơ chế chính sách, phát huy thế mạnh của các vùng này, làm lan tỏa các địa phương và vùng khác. Việc ra đời các đặc khu không ảnh hưởng quan điểm phát triển, nguồn lực trung ương, địa phương tới 7 vùng trọng điểm này. -
Câu hỏi về đặc khu sẽ trả lời bằng văn bản
Chưa hài lòng với câu trả lời của ông Vương Đình Huệ về đặc khu kinh tế, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc lại câu hỏi: Xin phó thủ tướng cho một vài phác thảo về phát triển kinh tế - xã hội tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; mối quan hệ phát triển kinh tế 3 đặc khu này với an ninh quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ cả nước theo thời gian ra sao?
Trước câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói Quốc hội đang bàn Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, hiện chưa ban hành. Để có câu trả lời đầy đủ vấn đề đại biểu nêu thì cần nghiên cứu chặt chẽ hơn. "Xin đại biểu cho phép Phó thủ tướng trả lời bằng văn bản", bà Ngân nói.
-
Điều chỉnh tuổi hưu thận trọng để không tạo sốc cho thị trường lao động
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội): Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đang rất cao, trong khi đó lại đang có đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, liệu có làm giảm cơ hội việc làm của người trẻ hay không? Ý chí này có phải của đa số người dân hay không?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Chúng tôi cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là rất nhạy cảm, ảnh hưởng đến nhiều người. Cần có lộ trình chặt chẽ, không tạo sốc cho thị trường lao động, dựa vào tổng thể nhiều yếu tố, dựa vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu cho những người hiện tại, mà không tạo công ăn việc làm mới cho người mới bước vào thì không thể tăng tuổi nghỉ hưu. Phải tăng tuổi nghỉ hưu, tập trung phát triển sản xuất, tạo ra việc làm mới.
Liên quan cơ cấu ngành nghề, có ngành nghề muốn nghỉ sớm, có ngành chuyên môn sâu lại có thể kéo dài ra.
Thứ ba là vấn đề già hóa dân số, sau 60 tuổi số người tăng lên, 60 năm nay cũng chưa điều chỉnh tuổi nghỉ hưu.
Ngoài ra còn vấn đề bình đẳng giới. Tình trạng tuổi nghỉ hưu nam nữ đang cách nhau quá xa (5 tuổi). Thế giới không phân biệt, hoặc rất hẹp. Ngoài ra còn việc đảm bảo cân đối dài hạn của quỹ BHXH.
Nghị quyết TƯ vừa rồi đã có quyết định từ 2021 sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu một cách rất thận trọng. với những ngành nghề đặc biệt có thể nhiều hơn, hoặc ít hơn 5 năm. Tuy nhiên không phải 2021 là tăng ngay lập tức.
-
Giải quyết không tận gốc, khiếu kiện đất đai dồn lên trung ương
ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang): Vấn nạn thực phẩm, đất đai, chính sách thu hồi đất, bồi thường, tái định cư, khiếu kiện đất đai? Đề nghị Phó thủ tướng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên? Khi nào hài hòa lợi ích, đảng, người dân?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: 70% khiếu nại liên quan đến đất đai. Khóa Quốc hội trước đã tồn đọng hơn 500 hồ sơ về đất đai. Thủ tướng cũng đã làm việc với 27 địa phương có nhiều khiếu kiện. Thủ tướng giao cho Bộ TN&MT tập hợp lại, thống kê lại báo cáo Thủ tướng để giải quyết dứt điểm.Việc tiếp dân giải quyết cũng phải được làm nghiêm túc hơn. Theo quy định, chủ tịch xã một năm tiếp dân 48 lần, huyện là 24 lần, tỉnh là 12 lần. Nhưng phần lớn các chủ tịch ủy thác cho phó chủ tịch, nay thì phó chủ tịch này, mai lại phó chủ tịch khác, nhiều vấn đề không giải quyết tận gốc, nên dồn lên trung ương.
Thủ tướng đã có chỉ đạo như vậy, tôi tin sẽ có kết báo cáo Quốc hội ở kỳ họp sau.
-
Đại biểu chất vất chuyện tài liệu mật xuất hiện trên mạng xã hội
ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng): Cả nước có 64 triệu người sử dụng mạng xã hội (MXH). Không thể phủ nhận mặt tích cực, nưng còn nhiều mặt tiêu cực, trong đó có nhiều người lợi dụng MXH làm việc không tốt, gây hại cho xã hội, ảnh hưởng lớn đến thuần phong mỹ tục. Liên tục thời gian gần đây, có tài liệu mật, tuyệt mật xuất hiện trên mạng xã hội. Chính phủ có biện pháp gì phát huy và hạn chế bất cập?
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: Đây là vấn đề không chỉ đại biểu quan tâm mà cử tri quan ngại lo lắng, trong tình hình nan toàn thông tin và an ninh mạng hiện nay.
Về thể chế, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật an toàn thông tin. Trong kỳ họp này đang xem xét thông qua Luật an ninh mạng.
Trên cơ sở 2 luật này, Bộ TT&TT đã tích cực làm việc với các nhà mạng Google, Facboook, gỡ nhiều clip trên Youtube mang nội dung độc hại, liên quan nói xấu lãnh đạo… Quá trình này sẽ rút kinh nghiệm để tổ chức tốt 2 điều luật để tăng cường hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu an toàn thông tin.
-
Kết luận 3 ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng các đại biểu đều lựa chọn đều là vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, bức xúc, cử tri và nhân dân cả nước quan tâm. Không khí chất vấn dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, hỏi ngắn, đáp gọn, có kết quả tích cực, được cử tri cả nước đánh giá cao.
Theo thống kê, đã có 250 đại biểu chất vấn và tranh luận. Các thành viên Chính phủ trả lời hầu hết câu hỏi đặt ra. Còn nhiều đại biểu đặt câu hỏi mà chưa đủ thời gian sẽ được trả lời bằng văn bản.
“Các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nắm chắc tình hình, trả lời thẳng thắn vấn đề đại biểu nêu, nêu cách khắc phục, hạn chế. Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị của các ngành trong trả lời chất vấn, khắc phục được bất cập được nêu, kịp thời tháo gỡ khó khăn”, bà kết luận.