Thánh địa Jerusalem được người Do Thái ví như thành phố của ngọn lửa thiêng, tuy nhiên nơi này đang trở thành "mồi lửa" châm ngòi bạo lực ở "thùng thuốc nổ" Trung Đông.
Người Israel có 4 thành phố thiêng đại diện cho 4 nguyên tố tự nhiên: nước, gió, đất và lửa. Đó lần lượt là Tiberisas, Safed, Hebron (chịu sự kiểm soát của Palestine và Israel) và Jerusalem. Sở dĩ Jerusalem được ví như ngọn lửa thiêng vì đây là nguyên tố khởi nguồn sự sống, dựa trên vai trò trung tâm của lửa với cuộc sống con người.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, “ngọn lửa” Jerusalem cũng là nguồn cơn của những xung đột diễn ra cả nghìn năm nay, với mâu thuẫn sâu sắc như không cách nào xóa bỏ, giữa người Do Thái, Arab và Hồi giáo. Mới đây, xung đột bùng phát sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra ở thế giới Arab và các quốc gia Hồi giáo trên toàn thế giới, ít nhất 2 người thiệt mạng và khoảng 100 người bị thương.
Tình hình không có dấu hiệu hạ nhiệt khi nhiều phe phái Palestine kêu gọi “Ngày cuồng nộ” để đáp trả. Những diễn biến sôi sục vẫn tiếp diễn ở “chảo lửa” Trung Đông.
Những cuộc xung đột được xem là phức tạp và khó giải quyết nhất nếu bao gồm các yếu tố: sắc tộc, tôn giáo và lãnh thổ. Xung đột giữa Israel và Palestine bao gồm cả 3 điều này, mà trong đó vấn đề cốt lõi là chủ quyền đối với vùng thánh địa Jerusalem. Người dân từ các nước ngoài vùng xung đột, ngoài thế giới Arab và Trung Đông, cũng có thể cảm nhận sức nóng của cuộc xung đột này ngay từ khi họ có ý định tìm đến Israel.
El Al, hãng hàng không quốc gia và cũng là hãng bay lớn nhất của Israel, vào năm 2005 đã trang bị hệ thống chống tên lửa bảo vệ phi cơ dân sự đầu tiên trên thế giới nhằm bảo đảm an toàn cho các hành khách của mình.
Hệ thống do ngành quốc phòng Israel tự phát triển, tốn tới 1 triệu USD để lắp đặt vào từng máy bay. Israel quyết trang bị hệ thống cho các phi cơ dân sự kể từ sau vụ tấn công bất thành do nhóm phiến quân thân al-Qaeda tại Kenya thực hiện năm 2002 nhằm bắn rơi một máy bay thương mại Israel.
Các chuyến bay quốc tế đến Israel thường là một trong những chặng bay tốn nhiều thời gian nhất, chủ yếu do phải trung chuyển ở nhiều quốc gia; và phải bay vòng do phần lớn thế giới Hồi giáo không công nhận sự tồn tại của Israel! Đó là các nước như Kuwait, Qatar, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất… tại Trung Đông hoặc những như Malaysia, Indonesia ở Đông Nam Á.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, người Do Thái phải phân tán ra khắp thế giới, rời khỏi “miền đất hứa” mà họ tin rằng được Thượng đế ban tặng theo lời Kinh Cựu Ước cách đây 3.000 năm. Đến năm 1897, một nhà báo Do Thái người Áo - Hung là Theodor Herzl phát động phong trào Phục hưng Nhà nước Do Thái (Zionism). Hưởng ứng lời kêu gọi, người Do Thái từ khắp thế giới đổ về Vùng Palestine mua đất, mua nhà… Phong trào trở về đạt đỉnh điểm sau Thế chiến II. Lúc này, cộng đồng quốc tế cũng cảm thấy có trách nhiệm đền bù cho tộc người Do Thái vừa trải qua thảm hoạ diệt chủng kinh hoàng dưới thời Đức Quốc xã.
Cuối tháng 11/1947, các cường quốc thông qua Liên Hợp Quốc (LHQ) đề xuất chia Vùng Palestine thành 2 phần: một phần để người Do Thái thành lập nhà nước Israel, và một phần để người Hồi giáo Palestine thành lập nhà nước Arab. Riêng Jerusalem thì do LHQ quản lý do tính chất đặc biệt phức tạp của thành phố này.
Một trong những địa điểm nổi bật với cả người địa phương và du khách quốc tế đến Jerusalem chính là Bức tường Than khóc. Tiếng cầu kinh, tiếng khóc than của người Do Thái hoà quyện như vậy đã kéo dài liên tục hơn 2.000 năm, nỗi đau truyền từ đời này sang đời khác về số phận đất nước chia cắt, tôn giáo bị tấn công… Ảnh: Hải An. |
Tân Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar, một người con của Jerusalem, nói với Zing.vn rằng người Do Thái đã chấp nhận sự dàn xếp của LHQ một cách vui vẻ. Nhưng người Palestine và thế giới Arab thì không như vậy và họ tìm cách bác bỏ nó.
Thế giới Arab khi đó muốn cả Vùng Palestine phải là một nhà nước Arab thống nhất và duy nhất, do phần lớn dân số khi đó là người Hồi giáo nên nước mới lập cũng phải theo đạo Hồi. Do vậy, chỉ một ngày sau khi Israel tuyên bố độc lập thì liên minh Arab hùng mạnh gồm 5 nước láng giềng gồm Ai Cập, Jordan, Syria, Lebanon và Iraq đã phát động tấn công Israel - nhà nước đầu tiên thành lập nhờ quyết định của LHQ chứ không phải quá trình đấu tranh dân tộc.
“Người Arab rất tự tin rằng có thể xoá sổ Israel nhưng may thay là họ đã thất bại. Năm 1949, khi chiến tranh kết thúc dẫn đến việc phân chia quản lý Jerusalem đã có sự thay đổi”, Đại sứ Eshcar nói.
Sự kiện định hình rõ nhất xung đột quanh Jerusalem là cuộc chiến Arab - Israel năm 1967, thay đổi cả cục diện Trung Đông. Tổng quân số của Israel khi đó là 264.000 người, 800 xe tăng và 300 máy bay chiến đấu. Trong khi binh sĩ của liên quân Arab đến 340.000 người, 1.800 xe tăng và 660 chiến đấu cơ. Do vậy, sự thất bại trước Israel trở thành cơn ác mộng và nỗi nhục nhã với các cường quốc Arab khi đó.
Sau chiến tranh, Quốc vương Jordan Hussein bác bỏ lời kêu gọi tiếp tục tham chiến cùng Ai Cập và Syria trong một cuộc chiến khác chống Israel vào năm 1973. Trải qua nhiều năm đàm phán bí mật, Israel và Jordan cuối cùng đã ký hiệp ước hoà bình Oslo vào năm 1994.
Hình ảnh một mình Israel chống chọi cả thế giới Arab được ví như chàng tí hon đối đầu với người khổng lồ. Đại sứ Eshcar khi trò chuyện với phóng viên Zing.vn cuối tuần qua không giấu giếm niềm tự hào khi kể về người bố của ông. “Bố tôi từng tham gia 4 cuộc chiến, bao gồm cuộc chiến năm 1967 chống lại quân đội Ai Cập, quân đội Syria, quân đội Jordan. Dân tộc Israel đã ngày càng hùng mạnh hơn để có thể tự bảo vệ chính mình”, ông Eshcar nói.
Cuộc sống đa tôn giáo ở Jerusalem. Ảnh: Hải An. |
Tuy nhiên, cuộc chiến năm 1967 khiến Israel trở thành bên chiếm đóng. Sau chiến thắng, Israel nắm quyền kiểm soát Dải Gaza và Bán đảo Sinai của Ai Cập, khu Bờ Tây và Đông Jerusalem từ Jordan, cũng như Cao nguyên Golan từ Syria. Người Israel bắt đầu xây những khu định cư cho người Do Thái, bất chấp luật pháp quốc tế quy định phe chiếm đóng không được xây khu nhà ở trên vùng đất họ chiếm được. Căng thẳng và bạo lực nảy sinh, quân đội đàn áp những người phản đối trong quá trình thực thi việc chiếm đóng.
Những cuộc đàm phán hoà bình bị những người Israel cánh hữu, cực đoan, phản đối do họ cho rằng điều này ngăn cản việc hiện thực hoá giấc mơ kiểm soát toàn bộ vùng đất mà Thượng đế hứa ban tặng người Do Thái. Việc Thủ tướng Yitzhak Rabin, người có công giúp Israel chiến thắng trong Chiến tranh 6 ngày, năm 1993 bắt tay cùng cựu đối thủ là nhà lãnh đạo Palestine Yasser Arafat trở thành cái gai trong mắt của một nhóm người.
Năm 1995, ông Rabin bị ám sát tại Tel Aviv. Thủ phạm tự hào rằng y đã hạ sát một kẻ “phản bội”.
Tiến trình hoà bình có thể đã đứt đoạn cùng với cái chết của ông Rabin. Khi người đã dẫn dắt quân đội đến chiến thắng năm 1967 không còn, và khi phong trào phản đối của người Palestine với Israel vẫn tiếp diễn liên miên đến tận ngày nay, thì cơ hội cho hoà bình vô cùng mong manh.
Ngày nay, việc so sánh Israel như "chàng tí hon" chỉ còn mang ý nghĩa biểu tượng khi so về quy mô dân số và diện tích với các nước Arab. Còn thực lực của nước này, đặc biệt về quân sự, đã tăng cường vượt bậc. Bên cạnh đó là sự hậu thuẫn đặc biệt từ Mỹ mà không quốc gia nào khác sánh bằng.
Tính đến cuối năm 2016, một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội cho thấy Israel là nước tiếp nhận viện trợ từ Mỹ nhiều nhất, đến nay đạt giá trị 127,4 tỷ USD; phần lớn là các viện trợ quân sự. Hồi tháng 9/2016, Washington thông qua kế hoạch cung cấp hỗ trợ quân sự cho Israel đến 38 tỷ USD trong 10 năm. Đây là gói hỗ trợ có giá trị lớn nhất trong lịch sử Mỹ.
50 năm kể từ cuộc chiến năm 1967, Tổng thống Mỹ Donald Trump, cũng như nhiều đời tổng thống tiền nhiệm, tuyên bố hỗ trợ đạt được hiệp ước hoà bình Israel - Palestine là một trong những mục tiêu chính của ông. Tuy nhiên, tuyên bố quan trọng đầu tiên từ ông Trump về vấn đề này lại là sự công nhận Jerusalem là thủ đô Israel. Sự việc khiến người Palestine phẫn nộ, cộng đồng thế giới lên án vì cho rằng nó ảnh hưởng tiêu cực và không đóng góp cho tiến trình hoà bình.
Anh Tom Haser, 35 tuổi, sống ở khu Beit Hanina dành cho người Hồi giáo ở Đông Jerusalem nói trên New York Times ngày 10/12 rằng không khí ở đây đang rất căng thẳng từ sau tuyên bố của Tổng thống Trump. “Nơi đây giống như trong nhà tù”, anh này nói. Trên thực tế, căng thẳng, sợ hãi và dồn nén là những cảm giác túc trực của người Palestine trong hơn 50 năm qua.
Sau chiến tranh 1967, Israel sáp nhập khoảng 70 km2 phần đất của Đông Jerusalem. Ngày nay, khoảng 330.000 người Palestine sống trong vùng Jerusalem, chiếm 37% dân số thành phố này, chịu sự quản lý của chính quyền Israel. Họ được cấp giấy tờ cho phép thường trú để sinh sống và làm việc, vẫn phải đóng thuế, nhưng họ không phải công dân của bất kỳ quốc gia nào! Khi cần phải đi nước ngoài, họ sử dụng giấy tờ tạm thời do Israel hoặc Jordan cấp.
Trong khi đó, chính quyền Israel đẩy mạnh xây dựng các khu tái định cư, nhằm làm tăng dần dân số Do Thái và giảm dần dân số Arab tại khu thánh địa. Ngày nay, khoảng 200.000 người Do Thái sống tại Đông Jerusalem, củng cố sự hiện diện của chính quyền Israel. Nếu như khu ở của người Do Thái giàu có và tiện nghi bao nhiêu, thì hoàn cảnh của người Palestine trái ngược bấy nhiêu. Bên cạnh đó, người Palestine còn bị hạn chế hàng loạt phúc lợi xã hội khác dù họ vẫn phải đóng thuế cho thành phố và cho nhà nước Israel.
Israel còn xây dựng bức tường ngăn cách Bờ Tây với lý do là ngăn chặn những vụ đánh bom của các nhóm quân sự Palestine mà điển hình là phong trào Hamas. Tuy nhiên, ở một số khu vực, bức tường như “vẽ lại” biên giới Đông Jerusalem, đẩy người dân Palestine ra khỏi thành phố. Bên ngoài tường ngăn cách, nhưng vẫn trong Jerusalem, là các khu trại tị nạn của người Palestine.
Sau Chiến tranh Sáu ngày, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) nổi lên trở thành phong trào lãnh đạo người Palestine. PLO dưới sự dẫn dắt của ông Yasser Arafat đã được quốc tế, bao gồm Việt Nam, công nhận là đại diện hợp pháp của nhân dân Palestine. PLO ký hiệp ước hoà Oslo bình với Israel vào năm 1993, quy định thành lập một Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) có quyền quản lý một phần Gaza và Bờ Tây (nhưng không gồm Đông Jerusalem). Hiệp ước này cũng công nhận sự phân chia quản lý của năm 1967.
Tháng 11/2012, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua việc nâng cấp quy chế cho Palestine trở thành “nhà nước quan sát viên phi thành viên”, được xem là sự công nhận chủ quyền của PLO. Động thái này tạo cơ hội cho Palestine tham gia vào các cuộc tranh luận của Đại hội đồng, mở rộng cơ hội tham gia những cơ quan khác của LHQ.
Vấn đề trọng tâm nhất và dai dẳng nhất trong tranh chấp Israel - Palestine, chính là quy chế vùng Jerusalem. “Bất cứ nhà nước nào của Palestine được thành lập trên vùng lãnh thổ Palestine phải bao gồm cả Đông Jerusalem. Nếu không có Đông Jerusalem là thủ đô thì cũng không có một nhà nước Palestine”, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama tuyên bố với Zing.vn.
Một thoả thuận hoà bình Israel - Palestine, qua đó dẫn đến thành lập nhà nước Palestine, chính là cơ hội kết thúc hàng chục năm sống trong thấp thỏm của người Palestine tại Jerusalem, với nỗi lo sợ bị trục xuất khỏi chính vùng đất nơi mình sinh ra. Trong 50 năm, Israel đã tước bỏ quyền cư trú ở Jerusalem của khoảng 14.500 người Palestine, thường vì lý do họ vắng mặt ở thành phố trên 7 năm, ngay cả khi họ chuyển đến sống ở các khu ngoại ô Bờ Tây để thuê nhà rẻ hơn.
Tuy nhiên, trong khi viễn cảnh về một nhà nước Arab Palestine vẫn còn xa vời, ngày càng nhiều người Palestine ở Jerusalem đăng ký xin được công nhận quốc tịch trở thành công dân Israel để được hưởng nhiều quyền lợi hơn. AP dẫn số liệu Bộ Nội vụ Israel cho biết họ nhận được 15.000 đơn từ người Palestine trong 10 năm qua, nhưng chỉ phê duyệt cho chưa tới 6.000 trường hợp.
“Tôi sinh ra ở đây, tôi là người Palestine. Nhưng tôi không muốn tên mình xuất hiện trong visa nói rằng tôi chỉ là khách du lịch”, cô Ruba Muelller, 37 tuổi, nói. Việc Mueller quyết định xin nhập tịch Israel vì lo ngại bị tước bỏ tư cách thường trú ở Jerusalem nếu cô sống ở Đức cùng chồng quá lâu.
Đại sứ Salama thể hiện rõ một sự không hài lòng. “Quyết định của LHQ năm 1947 đã chia đất để thành lập nhà nước cho người Do Thái và nhà nước Palestine. Nhà nước Do Thái đã thành lập cách đây 70 năm nhưng nhà nước Arab Palestine đến nay vẫn chưa được thành lập. Palestine trở thành nạn nhân của sự không công bằng của quốc tế, bao gồm những nước lớn, sau Thế chiến II”.
Trong chuyến công du Trung Đông hồi tháng 5/2017, Tổng thống Trump lần lượt gặp gỡ Thủ tướng Israel Netanyahu và Tổng thống Palestine Abbas. Tại những cuộc gặp, ông Trump đều nói sẽ nỗ lực để giải quyết vấn đề Palestine.
"Nhưng nỗ lực của ông có nằm trong mục tiêu chung của người Palestine và Israel hay không? Nếu muốn giải quyết vấn đề thì Mỹ phải thực sự đóng vai trò của một người trung gian, đừng bênh bên này để chống lại bên kia, đừng bao giờ quyết định việc có thể ảnh hưởng đến kết quả đàm phán giữa Israel và Palestine", Đại sứ Salama nói.
"Một nhà nước Palestine với Đông Jerusalem là thủ đô" trở thành sợi chỉ mạnh mẽ kết nối cả thế giới Arab. Các lãnh đạo và quốc vương luôn nhắc về vấn đề này, các linh mục và thầy tế cầu nguyện cho giấc mơ này, còn những nhóm phiến quân và người biểu tình sẵn sàng chết vì lý tưởng đó.
Vụ bạo lực trầm trọng nhất xảy ra năm 2000, khi lãnh đạo phe đối lập Ariel Sharon, sau này là thủ tướng Israel, đến thăm Núi Đền là nơi đặt Nhà thờ Mái vòm và Nhà thờ al-Aqsa ở thành cổ Jerusalem năm 2000. Đây là hai địa điểm thiêng liêng nhất với người Do Thái và người Hồi giáo. Tại đây, ông khẳng định Núi Đền sẽ vĩnh viễn do Israel quản lý. Tuyên bố này khiến người Palestine phẫn nộ, gây ra cuộc xung đột bạo lực kéo dài 5 năm, lấy đi mạng sống của khoảng 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel.
Tuyên bố của Trump ngày 6/12 về công nhận Jerusalem được xem như đòn giáng mạnh với thế giới Arab, trao chiến thắng lớn cho "chàng tí hon" Israel. Nước Mỹ bị chỉ trích là đã tự tước đoạt tư cách người trung gian cho hòa bình khi thể hiện sự thiên vị Israel thấy rõ.
14/15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ chỉ trích hành động của Tổng thống Trump. Hàng loạt lãnh đạo các nước Hồi giáo, các nước phương Tây, Giáo hoàng Francis đại diện cho cộng đồng tín đồ Thiên chúa giáo cũng lên tiếng. Thế giới lo ngại tuyên bố của Trump có thể gây bùng phát làn sóng bạo lực ở khu vực Trung Đông, khi không chỉ các nhà nước Hồi giáo mà cả những nhóm phiến quân có thể lợi dụng tình hình để gây bạo loạn.
Sau sự công nhận của Tổng thống Trump, biểu tình nhanh chóng diễn ra khắp nơi. Ít nhất hai người Palestine chết trong "ngày cuồng nộ" đầu tiên do phong trào Hamas phát động, khi hàng nghìn người Palestine đụng độ với binh sĩ Israel hôm 8/12. Ngoài ra, báo Haaretz cho biết ít nhất 80 người khác bị thương ở Bờ Tây và Dải Gaza.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại hoài nghi về khả năng các nước Trung Đông sẽ hành động tới cùng, do tình hình khu vực đã biến động và thay đổi đáng kể trong nhiều năm qua.
Dù những lãnh đạo Arab vẫn xem vấn đề Palestine là ưu tiên, mức độ ưu tiên đã giảm dần sau hàng loạt biến động khu vực như phong trào nổi dậy Mùa Xuân Arab, nội chiến liên miên ở Syria và Yemen, mối đe dọa phiến quân IS, và sự cạnh tranh để giành quyền thống trị khu vực giữa Saudi Ararbia và Iran. Các quốc gia Vùng Vịnh như Saudi Arabia ngày càng lo ngại về đối thủ Iran, điều này vô tình khiến họ có lợi ích chồng chéo với Israel.
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng các lãnh đạo Arab "nói nhiều hơn làm" kể từ khi Israel không ngừng mở rộng quyền kiểm soát với Đông Jerusalem sau Chiến tranh 6 ngày, dù động thái này chưa bao giờ được thế giới công nhận. Các huynh đệ Arab của Palestine đang bận rộn hơn với những mối quan ngại chính của họ.
Chẳng hạn Ai Cập từng là một trong những thành trì bảo vệ Palestine vững vàng, biểu tình chống Israel thường nổ ra vào thập niên 1990-2000. Tuy nhiên, dưới sự cai trị khắc nghiệt của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi cùng mối lo ngại về bất ổn khu vực nên những cuộc biểu tình như vậy đã giảm dần.
Tháng 9 vừa qua, Tổng thống Sisi lần đầu xuất hiện công khai cùng Thủ tướng Israel Netanyahu. Hai ông tươi cười như dấu hiệu cho thấy mối quan hệ từng một thời là cựu thù đang dần nở hoa, chủ yếu vì những vấn đề an ninh. Trong khi đó, Saudi Arabia được cho là bí mật hợp tác tình báo với Israel.
Hồi đầu tháng 12, một số nguồn tin chính quyền Palestine tiết lộ với Reuters rằng Saudi Arabia đang gây sức ép ngầm để Palestine chấp thuận kế hoạch hòa bình của Mỹ với chiều hướng thiên vị Israel. Cụ thể, 4 quan chức Palestine cho biết Thái tử Salman và Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas khi gặp nhau vào tháng 11 đã thảo luận về kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Trump và người con rể Kushner dự kiến công bố nửa đầu năm 2018.
Theo những vị này, kế hoạch này cho biết Palestine sẽ có một nhà nước riêng nhưng chỉ là những vùng không tiếp giáp ở Bờ Tây, và chỉ được hưởng một số quyền chủ quyền hạn chế trên lãnh thổ của họ. Phần lớn khu định cư của Israel sẽ vẫn ở Bờ Tây, người Palestine sẽ không được trao Đông Jerusalem.
Dĩ nhiên, Tổng thống Abbas thẳng thừng bác bỏ kế hoạch này. Nhà Trắng cũng phủ nhận họ đã đưa ra kế hoạch như vậy. Chính quyền Saudi Arabia nói họ không ủng hộ các quan điểm như trên.
Mỗi chính quyền Israel từ khi lập quốc đến nay đều ráo riết vận động Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô. Các đời tổng thống Mỹ, từ ông Bill Clinton đến Barack Obama đều từ chối vì cho rằng sự công nhận chỉ diễn ra sau khi thỏa thuận cuối cùng đạt được giữa Israel và Palestine. Tuy nhiên, sự việc thay đổi hoàn toàn vào thời của Tổng thống Trump.
"Israel không thể có người bạn nào tuyệt vời hơn Tổng thống Trump", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã nói như vậy sau cuộc gặp nhà lãnh đạo Mỹ tại Nhà Trắng hồi tháng 2.
Cuối tháng 5/2017, khi chuyên cơ chở Tổng thống Trump hạ cánh tại Israel, Tổng thống Israel Reuven Rivlin và Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng hai vị phu nhân đã đứng chờ nhà lãnh đạo Mỹ ngay ở sân bay từ rất lâu dưới trời nắng gắt. Ảnh: NYT. |
Ông Trump tung "mồi lửa Jerusalem" trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ ngày càng tụt dốc không phanh. Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew công bố ngày 9/12 cho thấy con số này dành cho đương kim tổng thống tiếp tục lập kỷ lục thấp nhất: chỉ còn 32%.
Do vậy, đối với Trump, dù hàng loạt quốc gia và chuyên gia cảnh báo tuyên bố công nhận Jerusalem có thể gây kích động và bạo lực khắp Trung Đông, ông vẫn quyết định đứng về phía những người đã quyên tiền và bầu cho ông, đó là các cử tri dòng Phúc âm, các tổ chức ủng hộ Israel và những tỷ phú gốc Do Thái.
Và tuyên bố ngày 6/12 được nhiều chuyên gia tin rằng đây là một quyết định chính trị, hơn là về ngoại giao.
10 ngày trước khi ông Trump chính thức nhậm chức, tỷ phú sòng bạc Sheldon G. Adelson và cũng là một trong những nhà tài trợ hào phóng của đảng Cộng hòa, đến Tháp Trump để gặp riêng tổng thống đắc cử. Sau cuộc gặp, ông Adelson cho biết đã được ông Trump khẳng định việc di chuyển đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem sẽ là ưu tiên lớn.
Tuy nhiên, Adelson và những cử tri Do Thái phải chờ đến gần một năm. Vị tỷ phú được cho là rất sốt ruột nên đã thúc ép tổng thống về chuyện này trong một buổi tiệc tối hồi tháng 10.
Tỷ phú Adelson là người ủng hộ phong trào phục quốc Do Thái (Zionism) mạnh mẽ và có quan hệ thân thiết với Thủ tướng Netanyahu. Ông đã đóng góp ít nhất 20 triệu USD cho một chiến dịch nhằm hạ bệ bà Hillary Clinton năm 2016, và 5 triệu USD cho ủy ban phụ trách lễ nhậm chức của Trump. Một nhân vật hào phóng khác là Bernard Marcus, thành viên ban giám đốc Liên minh người Do Thái đảng Cộng hòa, đã đóng góp 5 triệu USD cho chiến dịch ủng hộ Trump tranh cử.
Tỷ phú sòng bạc Sheldon G. Adelson trong buổi theo dõi đối thoại giữa các ứng viên tổng thống hồi năm 2016. Ảnh: NYT. |
Trong khi đó, một khảo sát của Trung tâm thăm dò Đại học Maryland thực hiện đầu tháng 11 cho thấy 63% tất cả người Mỹ phản đối việc di chuyển đại sứ quán đến Jerusalem. Tuy nhiên, đến 53% tín đồ phái Phúc âm ủng hộ Trump.
Từ cách Tổng thống Trump rút nước Mỹ khỏi TPP, cho đến rút khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, hoặc muốn phá bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran... đến vụ công nhận Jerusalem đều cho thấy phong cách đặc trưng của ông khi làm chủ Nhà Trắng: Hoàn thành những điều hứa lớn và những việc người tiền nhiệm không làm; một nhân vật "nổi loạn"; sẵn sàng phá vỡ các chính sách truyền thống để làm hài lòng những người đã bầu cho ông.
Quyết định của Tổng thống Trump được sự ủng hộ của người con rể Do Thái Jared Kushner và Đặc phái viên đàm phán quốc tế Jason Greenblatt, cho rằng việc thay đổi tình trạng hiện tại có thể sẽ giúp ích nhiều hơn là gây tổn hại đến tiến trình hòa bình.
Khi công du Israel, ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên thăm Bức tường Than khóc và Nhà thờ Mộ thánh ở Jerusalem. Ảnh: NYT. |
Các quan chức Nhà Trắng thừa nhận một đợt sóng trào có thể xảy ra, người Palestine thậm chí có thể sẽ rút khỏi hòa đàm, nhưng tiến trình hòa bình vẫn sẽ đủ sức trụ vững qua đợt sóng này. Theo họ, việc công nhận Jerusalem cũng sẽ giúp ổn định tình hình chính trị ở Israel, làm an lòng phe cánh hữu ở nước này.
Qua tuyên bố công nhận Jerusalem, cây bút Thomas L. Friedman của New York Times tỏ ra kinh ngạc vì ông Trump "cho đi" quá dễ dàng mà không kèm điều kiện nào. Theo nhà báo này đề xuất, tổng thống Mỹ lẽ ra đã có thể ra điều kiện với phía Israel rằng nếu Mỹ công nhận Jerusalem thì Israel phải ngưng ngay việc xây các khu định cư ở Bờ Tây. Hoặc ông Trump có thể quyết định bắt đầu việc di dời sứ quán Mỹ đến Tây Jerusalem, nhưng đồng thời tuyên bố sẽ lập sứ quán ở Nhà nước Palestine tại khu vực Đông Jerusalem.
"Trong gần 30 năm theo dõi chính sách đối ngoại Mỹ, tôi chưa bao giờ thấy một tổng thống lại cho đi quá nhiều mà nhận lại chẳng bao nhiêu như vậy. Giáng sinh sắp đến, và người Do Thái đang nói với các con của họ rằng: Thực sự có ông già Noel trên đời, ông ấy tên là Donald Trump", ông Friedman viết.