Bằng giọng nhiều cảm xúc, Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama khẳng định với Zing.vn rằng nhân dân Palestine không thể chấp nhận việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. "Đây là chuyện hoàn toàn không có cơ sở pháp lý quốc tế”.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Dấu kết thúc cho cuộc chơi giải pháp hoà bình
- Tổng thống Trump chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô Israel liệu có phải dấu chấm hết cho tiến trình hòa bình Trung Đông?
- Khi tranh cử, ông đã hứa sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Đến giờ, gần một năm ở trong Nhà Trắng, ông muốn thực hiện lời hứa này.
Chúng tôi coi việc ông công nhận Jerusalem (là thủ đô Israel) hoàn toàn đi ngược lại những thỏa thuận mà các bên đã ký kết, trong đó Mỹ là trung gian, trái ngược với pháp luật quốc tế, trái ngược nguyện vọng của cộng đồng quốc tế.
Đây chính là sự kết thúc cho việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình theo cơ chế mà chúng tôi đã đi theo hơn 20 năm. Cuộc chơi này đã kết thúc!
Và người Palestine sẽ tìm những con đường mới để đòi quyền dân tộc bất khả xâm phạm của mình. Còn để tiếp tục con đường hòa bình theo cơ chế này, khả năng lớn là chúng tôi không đi.
Tôi từng gặp Tổng thống Obama khi là đại sứ ở Ghana. Khi ấy, ông nói: “Chúng tôi sẽ làm hết sức để có một nhà nước Palestine”.
Tôi rất mừng đáp lại: “Cảm ơn ngài. Ngài đã tạo ra một niềm tin rất lớn cho tâm hồn và tâm trí mỗi người Palestine chúng tôi. Tôi tin nguồn cảm hứng, niềm tin đó sẽ không bay đi”.
Nhưng giờ thì niềm tin ấy đã bay đi rồi!
Người dân mang quốc kỳ Palestine tụ tập trước toà tổng lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối quyết định của Tổng thống Trump. Ảnh: AFP. |
"Giải pháp Một nhà nước" là không thể chấp nhận
Chúng tôi luôn luôn nói như thế này: Nếu Israel không chấp nhận giải pháp hai nhà nước, thì Palestine chấp nhận giải pháp một nhà nước cho tất cả những người đang sinh sống trên vùng Palestine lịch sử, tức là cả Palestine từ trước năm 1967 - một vùng lãnh thổ nằm giữa Jordan và biển Địa Trung Hải, Lebanon ở phía bắc và Ai Cập ở phía nam.
Vậy thì chúng tôi sẽ được sống công bằng như những người Israel khác. Và chúng tôi sẽ là công dân bình thường của một quốc gia, tất cả mọi người được hưởng pháp luật công bằng. Người Israel có quyền xây nhà ở Jerusalem, ở Bờ Tây, thì chúng tôi cũng có quyền xây nhà ở Tel Aviv. Chúng tôi chấp nhận phương án đó.
Nhưng Israel không muốn như vậy!
Israel chỉ muốn có một nhà nước dành riêng cho người Do Thái, đó là điều không thể chấp nhận. Vì không phải người Do Thái nào cũng là người Israel, và không phải người Israel nào cũng là người Do Thái.
Trên thế giới có hơn 14 triệu người Do Thái, ở Israel chỉ có khoảng 6 triệu. Có người Do Thái ở Mỹ, Ấn Độ, có người Do Thái ở Nga, ở Ba Lan. Họ không phải công dân Israel mà là công dân bình thường của các nước khác, nhưng theo tôn giáo Do Thái. Cho nên chúng tôi không chấp nhận phương án đó của Israel, nó hoàn toàn trái với tiêu chuẩn.
Đại sứ Saadi Salama cảnh báo các nhóm phiến quân Hồi giáo sẽ lợi dụng quyết định sai trái của Tổng thống Trump để gia tăng ảnh hưởng. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Israel không muốn khôi phục hoà bình
- Tiến trình hòa bình Palestine - Israel thời gian qua tiến triển thế nào?
- Tình hình hiện nay chính là những gì cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry đề cập hôm 20/11. Dưới thời Tổng thống Obama, ông John Kerry là người đến thăm Palestine rất nhiều lần, rất nỗ lực để giúp đỡ hai bên Palestine và Israel thiết lập một nền hòa bình lâu dài, bền vững và công bằng trên vùng Palestine lịch sử.
Nhưng ông Kerry ngày 20/11 đã khẳng định thủ tướng Israel không muốn khôi phục hòa bình, chỉ muốn giữ tình hình xung đột Palestine như bây giờ.
Israel chỉ muốn thôn tính nhiều lãnh thổ của Palestine để xây dựng các khu định cư tại đó và không công nhận quyền dân tộc bất khả xâm phạm của người Palestine bao gồm cả quyền tự quyết, quyền thành lập một nhà nước Palestine trên các vùng lãnh thổ của Palestine bị chiếm đóng sau ngày 6/6/1967.
Tổng thống Trump muốn có một sự giải quyết cuối cùng cho vấn đề Palestine nhưng để giải quyết vấn đề này thì chúng ta phải thực hiện những mục tiêu sau: Một là, phải tôn trọng quyền tự quyết của người Palestine. Thứ hai, phải giải quyết vấn đề biên giới, tức là Israel phải chấp nhận việc thành lập nhà nước Palestine trên những lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trái phép năm 1967 bao gồm Bờ Tây sông Jordan, dải Gaza và Đông Jerusalem.
Bức tường phân chia Đông và Tây Jerusalem, năm 1967. Chiến thắng của đảng cánh hữu Likud năm 1977 đã củng cố niềm tin cho người Israel rằng Jerusalem là một phần không thể tách rời của bản sắc Do Thái. Ảnh: Magnum Photos. |
Thứ ba là Israel phải thừa nhận việc xây khu định cư trên lãnh thổ của Palestine trong hơn 50 năm chiếm đóng là không thể chấp nhận được.
Thứ tư, Israel cần phải hiểu rằng bất cứ nhà nước nào của Palestine được thành lập trên vùng lãnh thổ Palestine phải bao gồm cả Đông Jerusalem. Nếu không có Đông Jerusalem là thủ đô thì cũng không có một nhà nước Palestine.
Và nhà nước Palestine phải là một nhà nước khả thi, giữa Bờ Tây sông Jordan và và dải Gaza phải có đường đi để người giữa hai vùng có thể đi lại một cách an toàn. Nhà nước Palestine phải có chủ quyền đối với cửa khẩu, bầu trời và lòng đất, không phải chỉ có quyền trên mặt đất mà không có quyền đối với lòng đất như nhiều chính trị gia Israel từng đề xuất.
Trên cương vị đại sứ Palestine, tôi chưa thấy những dấu hiệu tích cực của chính quyền Tel Aviv hiện nay để đóng góp tích cực vào nỗ lực của thế giới nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình, dựa trên quan điểm hai nhà nước.
Nhà thờ Vòm Đá thiêng và khu vực Thành Cổ ở Jerusalem. Ảnh: Reuters. |
Nguy cơ bạo lực và bất ổn
- Tuyên bố của ông Trump sẽ tạo ra tác động đến tình hình khu vực như thế nào?
- Nếu theo dõi thông tin liên tục những ngày qua, chúng ta thấy nhiều lãnh đạo thế giới cho biết họ đã trao đổi với chính quyền của Mỹ. Từ tổng thống Pháp, quốc vương Saudi Arabia, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu… đã đề nghị Washington thận trọng trong việc công nhận Jerusalem.
Bởi lẽ hành động này không chỉ đi ngược lại luật pháp quốc tế, mà còn tạo ra môi trường mở đường cho những cuộc nổi dậy; tạo cơ hội cho những phần tử khủng bố ở Trung Đông tận dụng sự kiện này nhằm chiêu mộ thêm chiến binh hay tranh thủ sự ủng hộ.
Nói cách khác, tôi nghĩ rằng quyết định sai lầm này của Mỹ tạo thêm sức mạnh cho những phần tử khủng bố trong khu vực. Nó đi ngược với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế về chống khủng bố. Điều này có nghĩa tình hình khu vực thời gian tới sẽ không còn như trước nữa.
Người Palestine không nản lòng
- Người dân Palestine sẽ tiếp tục hành động và phản ứng trước hành động này của Washington như thế nào?
- Đối với người Palestine, chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận quyết định này. Nhân dân Palestine sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh, bằng những hình thức phi bạo lực, để thể hiện quyền dân tộc bất khả xâm phạm của chúng tôi.
Dù đã 50 năm sống dưới ách chiếm đóng, người Palestine luôn là một dân tộc không ngại đối đầu với thử thách, bằng một quyết tâm rất lớn hướng tới khát vọng hoà bình, khát vọng độc lập dân tộc, khát vọng sống công bằng, khát vọng đóng góp tích cực vào hoà bình thế giới và khu vực.
Không ai có thể ngăn chặn những nỗ lực và quyết tâm này của người Palestine.
Một khu định cư Do Thái trong khu vực Đông Jerusalem. Hận thù Arab - Do Thái dai dẳng đã leo thang thành xung đột dân tộc, với Jerusalem ở vị trí trung tâm. Ảnh: NYT. |
Nhưng chúng tôi không đi theo con đường bạo lực. Chúng tôi thực hiện cuộc đấu tranh của chúng tôi bằng những cách thức phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhân dân Palestine tin tưởng luật pháp quốc tế là cơ sở vững chắc để giải quyết mọi vấn đề. Do vậy, chúng tôi tin chắc mình được sự ủng hộ của những quốc gia yêu chuộng hoà bình.
Và chúng tôi cũng chắc chắn rằng sẽ rất ít quốc gia noi theo hành động của Mỹ trong việc công nhận Jerusalem.
Có thể nói tuyên bố của Tổng thống Trump cho thấy Mỹ đang đánh mất uy tín trên cộng đồng quốc tế, đi ngược lại luật pháp quốc tế. Nó sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của các nước về cách xử lý của Mỹ trong những vấn đề toàn cầu.
Tôi khẳng định bất kỳ hành động nào không tính toán đến những quyền lợi dân tộc bất khả xâm phạm của Palestine thì chắc chắn sẽ không mang lại kết quả. Hơn 50 năm qua, Israel đã sử dụng nhiều biện pháp để làm giảm sự chú ý với vấn đề Palestine, nhưng họ không bao giờ thành công dù được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ.
Đối với nhân dân Palestine, chúng tôi không có những vũ khí sắc bén để đối phó với đối phương, có thể cuộc sống của chúng tôi chịu sự chi phối, lãnh thổ bị chiếm đóng hoàn toàn; nhưng họ không bao giờ chi phối được trí tuệ của người Palestine.
Cho nên không bất kỳ ai có thể thay thế người Palestine ký kết hoà bình với Israel. Không có Palestine ký kết với Israel thì cơ sở pháp lý của Nhà nước Do Thái Israel sẽ không bao giờ bền vững.
Chính nghĩa luôn mang lại thành công và thắng lợi. Sự phi nghĩa sẽ luôn thất bại. Sức mạnh không tạo ra chính nghĩa, mà chính nghĩa sẽ tạo ra sức mạnh.
Việt Nam sớm công nhận Palestine
Từ sau khi Việt Nam và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) thiết lập quan hệ chính trị vào thập niên 1960, PLO đã mở văn phòng đại diện tại Hà Nội vào năm 1976.
Sau khi Palestine tuyên bố thành lập Nhà nước Palestine thì Việt Nam là một trong những nước đầu tiên tuyên bố công nhận. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 19/11/1988. Cùng với đó, văn phòng PLO được nâng cấp thành Đại sứ quán Nhà nước Palestine tại Việt Nam.
Ngày 30/11/2012, Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền.