Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Công nhận Jerusalem không phải 'nụ hôn tử thần' cho đàm phán hòa bình

Trả lời Zing.vn, Đại sứ Israel tại VN Nadav Eshcar nói việc Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô không khiến tiến trình hoà bình chấm dứt, Israel vẫn cam kết với giải pháp 2 nhà nước.

Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar khẳng định sự công nhận của Tổng thống Trump không đi ngược lại luật pháp quốc tế, không ảnh hưởng đến quá trình đàm phán hoà bình, và sẽ được cộng đồng thế giới dần chấp nhận.

- Đại sứ đánh giá như thế nào về việc Tổng thống Trump đã thực hiện lời hứa tranh cử và trở thành lãnh đạo Mỹ đầu tiên công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel?

- Chúng tôi đánh giá rất cao hành động của Tổng thống Trump khi tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, điều vốn là thực tế đã tồn tại 70 năm qua. Jerusalem là vùng thánh địa cho 3 tôn giáo: Do Thái, Hồi giáo, Thiên chúa giáo. Nhưng với chúng tôi, kể từ 3.000 năm trước, nơi đây đã là thủ đô của dân tộc Do Thái. Và trong 70 năm qua thì Jerusalem đã trở thành thủ đô của Israel trên thực tế, là nơi đặt tất cả các cơ quan chính phủ.

dai su Israel noi ve viec cong nhan Jerusalem anh 1
Đại sứ Eshcar khẳng định nếu tất cả các bên đều công nhận Jerusalem là thủ đô Israel thì việc đạt được hòa bình sẽ dễ dàng hơn. Ảnh: Tiến Tuấn.

Với chúng tôi thì thực tế đó không có gì là mới cả. Nên tuyên bố của Tổng thống Trump không làm thay đổi thực tế mà chỉ là sự công nhận quốc tế đối với một điều đang tồn tại: Jerusalem là thủ đô của Israel.

Đối với chúng tôi, một điều rất quan trọng cần nói tới: Jerusalem vẫn tiếp tục là nơi tự do về tôn giáo dành cho tất cả mọi người: những người theo Hồi giáo, Thiên chúa giáo, Do Thái giáo... Họ hoàn toàn có thể tới Jerusalem để cầu nguyện. Chúng tôi không bao giờ thay đổi điều đó.

Với Israel thì tuyên bố của Tổng thống Trump không thay đổi quy chế của Jerusalem mà là sự công nhận từ nước Mỹ. Hy vọng các quốc gia khác cũng sẽ làm như Mỹ. Tôi đánh giá đó là động thái tích cực.

Chỉ đàm phán nếu công nhận Jerusalem là thủ đô

- Mặc dù vậy, trong tuyên bố, Tổng thống Trump không nói Jerusalem là thủ đô không chia cắt, nhấn mạnh quy chế cuối cùng của thành phố là vấn đề cần giải quyết giữa những bên liên quan. Xin đại sứ cho biết ý kiến về điều này?

- Jerusalem là thủ đô của Israel, đó là một thực tế cần phải được ghi nhận bởi tất cả các bên trong mọi tiến trình hòa bình, trong đó có phía Palestine. Khi điều kiện đó được đảm bảo, chúng tôi hoàn toàn cởi mở với việc đàm phán cùng người Palestine, vì những điều tốt đẹp. Và chúng tôi cũng rất vui nếu phía Palestine sẵn sàng công nhận các quyền của Israel đối với vùng đất này.

Tuy nhiên đáng tiếc là cho đến bây giờ, người Palestine vẫn không công nhận Israel là vùng đất sinh sống của người Do Thái. Trong trường hợp này, cần phải xem phía Palestine có sẵn sàng đàm phán với chúng tôi hay không, để đảm bảo quyền lợi của cả hai bên một cách công bằng.

dai su Israel noi ve viec cong nhan Jerusalem anh 2
Nhà thờ Vòm Đá thiêng và khu vực Thành Cổ ở Jerusalem. Ảnh: Reuters.

- Nhiều lãnh đạo trên thế giới và khu vực phản đối quyết định của ông Trump, cho rằng nó vi phạm luật pháp quốc tế và sẽ hủy hoại tiến trình hòa bình. Quan điểm của ông?

- Tôi không nghĩ hành động đó vi phạm luật pháp quốc tế. Trái lại, nó sẽ tạo điều kiện cho việc xây dựng hòa bình, bởi đó là thực tế mà tất cả các bên cần công nhận. Nếu tất cả các bên đều công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, thì việc đạt được hòa bình sẽ dễ dàng hơn nhiều.

Về những bình luận quốc tế, chúng ta có thể thấy có rất nhiều bình luận khác nhau. Nhưng thực tế là tổng thống Mỹ đang cố gắng để công nhận điều đó. Mỹ, một chủ thể quốc tế quan trọng, sau 70 năm cuối cùng đã thực hiện công lý khi công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Israel.

Đâu phải khi Mỹ tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel, Jerusalem mới trở thành thủ đô của Israel. Đó vốn luôn là thủ đô của chúng tôi. 43 năm trước, khi tôi được sinh ra tại thành phố, Jerusalem đã là thủ đô của Israel từ rất lâu trước đó.

Sự công nhận của Mỹ không hề làm thay đổi nguyên trạng (ở Jerusalem) hay điều gì của thế giới. Tuyên bố của Tổng thống Trump cũng không làm thay đổi lập trường rằng chúng tôi muốn có một giải pháp hòa bình với người Palestine. Nếu có gì thay đổi thì chỉ là mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Tôi không hiểu vì sao một số người lại nói tiến trình hòa bình bị phá hoại. Chúng tôi vẫn đang ủng hộ nó.

Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với người Palestine để đạt được một thỏa thuận. Tất cả các lãnh đạo của Israel từ mọi cánh chính trị, cánh tả cũng như cánh hữu, đều tuyên bố sẵn sàng thương lượng để có một giải pháp hòa bình với người Palestine, để họ có thể đạt được những quyền lợi mà họ mong muốn và chúng tôi cũng tìm được cách để sống hòa bình trong khu vực. 

dai su Israel noi ve viec cong nhan Jerusalem anh 3
Bố của Đại sứ đã tham gia vào 4 cuộc chiến tranh bảo vệ Israel. Ông khẳng định Israel chỉ hành động để tự vệ và là đất nước yêu chuộng hoà bình. Ảnh: Tiến Tuấn.

- Vấn đề biên giới Jerusalem đã được thống nhất phải có sự bàn bạc và thống nhất trực tiếp giữa các bên. Việc tuyên bố Jerusalem là thủ đô Israel ảnh hưởng đến cam kết trên như thế nào?

- Người Do Thái đã chấp nhận sự dàn xếp của Liên Hợp Quốc năm 1947 về phân định vai trò quản lý Jerusalem một cách vui vẻ. Nhưng người Palestine và thế giới Arab thì không như vậy và họ tìm cách bác bỏ nó. Đó là chuyện xảy ra năm 1947.

Năm 1948 chúng tôi tuyên bố độc lập. Chỉ một ngày sau đó, khi nhân dân Israel còn đang hân hoan, thì các nước Arab phát động chiến tranh. Người Arab rất tự tin rằng có thể xoá sổ Israel nhưng may thay là họ đã thất bại. 

Năm 1949, chiến tranh đã kết thúc. Khi đó việc phân chia quản lý Jerusalem đã có sự thay đổi. Nhưng đó là do hệ quả chiến tranh chứ chẳng hề có thoả thuận nào như vậy. 

Người Palestine dường như không chấp nhận người Israel được sống ở Jerusalem, ở Tel Aviv hay ở bất kỳ đâu. 19 năm sau, Israel lại bị tấn công. Điều đó cho thấy Palestine và thế giới Arab không từ bỏ ý định của họ. Nhưng chúng tôi lại chiến thắng một lần nữa trong trận chiến năm 1967.

Bố tôi đã tham gia vào cuộc chiến này, chúng tôi đã phải chống lại quân đội Ai Cập, quân đội Syria, quân đội Jordan. Dân tộc Israel đã ngày càng hùng mạnh hơn để có thể tự bảo vệ chúng tôi. 

Ngày nay chúng tôi đã có thoả thuận hoà bình với Ai Cập và Jordan, vì họ hiểu rằng Israel là đất nước yêu chuộng hoà bình, nên cách tốt nhất là xây dựng hoà bình cùng Israel.

Chúng tôi cũng đã tiếp cận Palestine để đàm phán hoà bình. Họ có một chính quyền đầy đủ, từ tổng thống, chính phủ đến quốc hội và lực lượng an ninh. Không phải tất cả mọi việc đều có thể giải quyết dễ dàng nhưng chúng tôi vẫn sẵn lòng đàm phán. Chúng tôi cũng mong muốn người Palestine có cuộc sống yên bình, để người Israel cũng được như vậy.

Tuy nhiên, tôi khẳng định đã và sẽ không có bất kỳ thoả thuận quốc tế nào về việc Jerusalem nên bị phân chia ra sao. Chúng tôi sẽ không thảo luận về chuyện này. Jerusalem là thủ đô của Israel, sự thật là như vậy dù có bên nào không thích hay không công nhận.

Tiến trình hoà bình không phải trò chơi

- Sau tuyên bố của Tổng thống Trump, một đại diện chính quyền Palestine cho rằng đây là “nụ hôn thần chết” đối với đàm phán hoà bình, còn đại sứ Palestine tại Việt Nam nói rằng “cuộc chơi đã kết thúc” (“the game is over"). Vậy quan điểm của chính quyền Israel là như thế nào, cũng như với giải pháp hai nhà nước?

- Tôi nghĩ mình không thể trả lời về quan điểm của Palestine, về cái mà họ gọi là sự kết thúc này. Đây có thể là một khẩu hiệu khác từ những người muốn đạt lợi ích nào đó, hoặc thậm chí là họ không thực sự quan tâm về tiến trình hoà bình.

dai su Israel noi ve viec cong nhan Jerusalem anh 4
Hình ảnh quốc kỳ Israel và Mỹ cạnh nhau được chiếu lên bức tường ở Thành Cổ ở Jerusalem. Thị trưởng Jerusalem nói sự công nhận của Tổng thống Trump khẳng định sự trân trọng quan hệ Mỹ - Israel. Ảnh: AFP.

Còn đối với chính quyền Israel thì chúng tôi không có sự thay đổi nào. Chúng tôi vô cùng quan tâm đến tiến trình hòa bình và luôn nói rõ rằng sẵn sàng ngồi lại đàm phán, nhưng dường như có bên không hào hứng nói chuyện cùng chúng tôi. 

Tôi thực sự không hiểu vì sao họ lại so sánh với “nụ hôn tử thần” trong khi sự việc không thay đổi đáng kể. Tiến trình hoà bình cũng không phải là cuộc chơi (“game"). Thủ tướng của chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh giải pháp hai nhà nước là điều khả thi. 

Thoả thuận 2 nhà nước đối với Israel có rất nhiều vấn đề để bàn bạc, từ kinh tế đến chính trị, quân sự. Vậy hãy cùng chúng tôi thảo luận, tại sao không? Tại sao họ lại nói đây là sự kết thúc? Vì Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel ư? 

Tôi phỏng đoán, nhưng tôi hy vọng đây không phải là sự thật, rằng có một số người Palestine không muốn nhìn thấy người Israel ở Jerusalem, hoặc thậm chí là tiến trình hoà bình có nghĩa là không có Israel. Tôi hy vọng đây là phỏng đoán sai.

Nếu Palestine muốn có hoà bình, vậy hãy cùng chúng tôi xây dựng hoà bình. 

- Một số quan chức Israel nói chính quyền đã sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống bạo lực phát sinh nào. Xin ông nói rõ thêm về điều này?

- Phải thừa nhận rằng Trung Đông không phải là khu vực yên bình trên thế giới. Tôi luôn mong muốn rằng chúng tôi có thể sống trong một môi trường hiền hoà, yên bình hơn, như Việt Nam chẳng hạn. 

Như bạn cũng biết, Trung Đông có rất nhiều vấn đề, như mâu thuẫn giữa người Sunni và người Shiite, nhiều nhóm phiến quân hoạt động ở đây mà khét tiếng là IS; hoặc Iran muốn gia tăng ảnh hưởng gây ra sự hỗn loạn. Rất nhiều hỗn loạn xảy ra ở khu vực này. 

Chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều mối đe doạ. Chẳng hạn như như Hezbollah, nhóm cực đoan người Shiite hoạt động ở Lebanon mà trên thực tế là gây ra tổn hại với người dân ở Lebanon hơn là với chúng tôi. Hoặc đe doạ từ Dải Gaza do phong trào Hamas, một tổ chức khủng bố, cầm đầu. Hamas có rocket và họ đã tấn công chúng tôi vài lần. 

Do đó, Israel luôn trong tình trạng chuẩn bị đối phó với các mối đe doạ, mọi thời điểm chứ không riêng gì giai đoạn này. 

Bố của tôi đã từng tham gia 4 cuộc chiến. Tất cả những trận chiến ấy đều có một điểm chung: Israel là phía bị tấn công, chứ chúng tôi không phải là phía gây hấn với bên nào. Và chúng tôi luôn phải bảo vệ chính mình, vượt qua tất cả và tiếp tục xây dựng cuộc sống thành công. 

dai su Israel noi ve viec cong nhan Jerusalem anh 5
Đại sứ Eshcar nói Israel muốn xây dựng Jerusalem là thành phố hoà bình cho mọi tôn giáo. Ảnh: Tiến Tuấn.

Không mong muốn xung đột đẫm máu xảy ra

- Bạo lực đã xảy ra ở Trung Đông trong hai ngày qua từ sau tuyên bố của Tổng thống Trump. Theo ông, liệu một xung đột lớn có xảy ra?

- Thành thật mà nói, tôi cho rằng, mà tôi cũng hy vọng là, sẽ không xảy ra hậu quả như bạn vừa nói. Vì đó sẽ là những kết cục đau thương, đẫm máu cho tất cả các bên và tôi mong điều này sẽ không xảy ra. Đó sẽ không phải là điều có lợi đối với cả người Palestine lẫn người Israel. Tôi mong chuyện này không xảy ra vì các lý do không đáng để như vậy. 

Nhưng dĩ nhiên vẫn có một số người lợi dụng tình hình để kích động, họ muốn phát động chiến tranh để đạt được các mục đích, lợi ích cá nhân. Tôi hy vọng rằng những người yêu chuộng hoà bình ở Palestine, ở Israel, sẽ lớn mạnh hơn, để không xảy ra những xung đột hay vụ đẫm máu nào.

- Người Israel đã sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Jerusalem như thế nào?

- Đối với chúng tôi, việc Jerusalem là thủ đô luôn khắc sâu trong tim những người Do Thái hơn 3.000 năm qua. Vì nhiều lý do, người Do Thái từng phải di tản đến các nơi khác sinh sống. Dù chúng tôi sống ở châu Âu, ở Mỹ, ở châu Á, châu Phi... hay bất kỳ nơi nào thì hàng bao thế kỷ nay vẫn luôn cầu nguyện mỗi ngày: “năm tới chúng ta sẽ gặp nhau ở Jerusalem”. Và cuối cùng, chúng tôi đã thực hiện được lời nguyện cầu này 70 năm, chính xác hơn là 69 năm trước.

Cách đây hơn 70 năm, trải qua nhiều cuộc đàn áp khủng khiếp trong lịch sử, người Do Thái cuối cùng đã tề tựu lại ở Jerusalem. Ước nguyện của chúng tôi đã thành sự thật. Bây giờ chúng tôi đã có một nhà nước với Jerusalem là một thủ đô.

Tôi không muốn nói đến việc “sẽ hy sinh để bảo vệ” như thế nào. Jerusalem nghĩa là ngắm nhìn hòa bình và tôi mong muốn Jerusalem là nơi mọi người tìm đến trong hoà bình, tìm đến để tự do thực hiện tín ngưỡng tôn giáo. Chúng tôi bảo đảm đây là thành phố an toàn để chào đón tín đồ của mọi tôn giáo. Jerusalem là thành phố của hoà bình.

Nên câu hỏi không phải là sẽ bảo vệ Jerusalem hay “phân chia” nơi này như thế nào. Ở Jerusalem có một bộ phận lớn dân là người Palestine gốc Ả Rập, người theo đạo Thiên chúa, người Armenia và người Do Thái. Đây là điều tuyệt vời và chúng tôi hoan nghênh chuyện này. Cả người Do Thái cũng sống ở đây. Jerusalem chào đón tất cả mọi tôn giáo đến chung sống hòa bình và đó chính là mục đích, tôn chỉ của thành phố này. 

Vì sao dời ĐSQ Mỹ tới Jerusalem khiến hòa bình bị đe dọa? Palestine cho rằng Jerusalem là trọng tâm trong giải pháp hòa giải xung đột Palestine - Israel và việc Mỹ di dời đại sứ quán nước này ở Israel về Jerusalem sẽ phá hỏng mọi thứ.

Đại sứ Palestine: Không ai ủng hộ quyết định sai lầm của Trump

Đại sứ Palestine tại VN nói quyết định của TT Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đặt dấu kết thúc cho tiến trình hoà bình hơn 20 năm, trái với luật pháp quốc tế.

Việt Nam quan ngại về lập trường mới của Mỹ về vấn đề Jerusalem

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho hay quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình, ổn định ở khu vực Trung Đông.


 

 

Cảnh Toàn - Nguỵ An

Ảnh: Tiến Tuấn

Bạn có thể quan tâm