Tuyên bố của tổng thống Mỹ nhận được những cái nhíu mày từ lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Liên minh châu Âu.
Một quan chức cấp cao trong chính phủ Palestine nhấn mạnh người dân nước này không chào đón Phó tổng thống Mỹ Mike Pence trong bối cảnh Nhà Trắng cảnh báo việc hủy bỏ cuộc gặp giữa ông Pence và nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas vào ngày 19/12 sẽ "phản tác dụng".
Trong khi đó, ở phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu không ngừng tán dương ông chủ Nhà Trắng và khẳng định tên ông sẽ gắn liền với lịch sử lâu đời của thánh địa Jerusalem.
Người phụ nữ Palestine tham gia biểu tình. Ảnh: Getty. |
Quân đội Israel đã triển khai hàng trăm binh lính tại khu Bờ Tây trong bối cảnh những cuộc đụng độ giữa người Palestine và Israel đang bùng nổ nhanh chóng. Chỉ trong vài giờ, hàng loạt viên đạn đã được bắn.
Lãnh đạo Hamas Ismail Haniya nói rằng quyết định của Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel đồng nghĩa với "lời tuyên chiến với người Palestine" và kêu gọi người dân nổi dậy.
Hôm 7/12, những cuộc biểu tình diễn ra ở các thành phố ở Bờ Tây, từ Ramallah đến Hebron, Bethlehem, Nablus và cả Dải Gaza.
Lực lượng Israel đã dùng hơi cay để giải tán hàng trăm người ở một trạm kiểm soát vào thành phố Ramallah, trong khi 22 người khác bị thương do lửa hoặc đạn cao su ở khu Bờ Tây.
Thời khắc tăm tối
Động thái cứng rắn và đầy thách thức từ tổng thống Mỹ được cho là đi theo cam kết ông từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Nó đã kết thúc 7 thập kỷ mơ hồ về quan điểm của nước Mỹ đối với Jerusalem.
Ông Trump cho rằng điều này đánh dấu bước khởi đầu cho cách tiếp cận mới nhằm giải quyết cuộc xung đột Palestine - Israel.
Quân đội Israel được triển khai. Ảnh: Getty. |
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhấn mạnh ông chủ Nhà Trắng "chỉ đơn thuần đưa ra mong muốn của người Mỹ". Tuy nhiên, điều đó vấp phải sự phản ứng và cảnh báo từ nhiều nước trên thế giới.
Bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu, cho rằng quyết định của ông Trump có thể đẩy lùi tiến trình hòa bình ở khu vực và đem lại thời khắc tăm tối hơn.
Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ quan ngại và nhấn mạnh người Palestine cùng người Israel nên kiềm chế và ngồi vào bàn đàm phán.
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận định ông Trump đang đẩy khu vực vào "vòng tròn lửa".
Không đón tiếp
Những nhà lãnh đạo Palestine tức giận và đã lên tiếng phản đối tổng thống Mỹ.
Ông Jibril Rajoub, một thành viên cao cấp trong phe Fatah của ông Mahmoud Abbas tuyên bố nhà lãnh đạo Palestine sẽ không gặp phó tổng thống Mỹ vào cuối tháng 12 theo kế hoạch ban đầu.
"Phó tổng thống Mỹ không được chào đón ở đây, ông Abbas sẽ không đón tiếp ông ấy", ông Rajoub nói.
Người Palestine giận dữ phản đối ông Trump. Ảnh: Getty. |
Văn phòng của ông Mahmoud Abbas chưa đưa ra bất cứ phản ứng nào ngoài việc nhận định Tổng thống Trump đã phá vỡ truyền thống của nước Mỹ, đó là giữ vai trò trung gian hòa giải trong mâu thuẫn giữa Palestine và Israel.
Ông Abbas đã thảo luận về tình hình Jerusalem với Vua Abdullah II của Jordan. Hai nhà lãnh đạo lên tiếng cảnh báo ông Trump đang gây ra "hệ quả nguy hiểm" khi "việc giả tạo tình trạng pháp lý và lịch sử của Jerusalem hoàn toàn không có giá trị".
Tại Lebanon, ông Hassan Nasrallah, người đứng đầu phong trào Hezbollah của người Shiite, đã kêu gọi tổ chức một cuộc biểu tình quy mô vào ngày 11/12 để phản đối và lên án hành động gây hấn của Mỹ.
Các cửa hàng và trường học của người Palestine ở Đông Jerusalem và khu Bờ Tây đều đóng cửa theo lời kêu gọi của người dân.
"Với quyết định này, Mỹ trở thành một nước quá nhỏ, như mọi nước nhỏ khác", ông Salah Zuhikeh, một công dân Palestine, khẳng định.
Tuyên bố của ông Trump cũng khiến các đồng minh của Mỹ loay hoay tìm phương án giải quyết. 8 quốc gia đã yêu cầu một cuộc họp khẩn cấp tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào ngày 8/12 để nhận định về tình hình Jerusalem.
Chính trị cánh hữu
Ông Trump đã kích hoạt quy trình rời đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv đến Jerusalem, một lời hứa ông đưa ra đối với các cử tri Cơ đốc giáo và Do Thái cánh hữu trong quá trình tranh cử tổng thống.
Nhiều người tiền nhiệm của ông cũng từng đưa ra các lời hứa tương tự, nhưng chưa ai thực sự triển khai quá trình này.
Người đàn ông Israel chơi đàn ở Jerusalem trong ngày 7/12. Ảnh: Getty. |
Israel từng chiếm Đông Jerusalem trong cuộc chiến vỏn vẹn 6 ngày vào năm 1967 và sáp nhập thành phố này, dù cộng đồng quốc tế chưa lên tiếng công nhận. Trong khi đó, người Palestine muốn đây là thủ đô tương lai của họ.
Không ít kế hoạch hòa bình được triển khai trong những thập kỷ qua nhằm bàn tới việc phân chia chủ quyền hoặc quyền giám sát đối với thánh địa Jerusalem.
Cộng đồng quốc tế không công nhận thành phố lâu đời nhất thế giới này là thủ đô của Israel và nhấn mạnh vấn đề chỉ có thể được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán.
Đó cũng là quan điểm của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres. Ông ngầm chỉ trích tổng thống Mỹ khi tuyên bố "bất cứ hành động đơn phương nào cũng có thể phá hủy triển vọng hòa bình".
Tuy nhiên, ông Trump không nghĩ vậy. Ông khăng khăng cho rằng động thái này không tác động tới các cuộc đàm phán và phản ánh thực tế rằng Tây Jerusalem luôn là một phần của lãnh thổ Israel.
"Mỹ ủng hộ giải pháp hai nhà nước nếu hai phía đều đồng ý", ông Trump nói trong khi thông báo phó tướng Mike Pence sẽ công du tới Israel từ ngày 17-19/12 và có kế hoạch gặp gỡ nhà lãnh đạo Palestine.
Người Palestine sẽ không chào đón ông Pence. Họ đang đau đớn và phẫn uất trên mảnh đất cha ông họ gọi là nhà.