“Tôi đã quyết định rằng đây chính là thời điểm để chính thức công nhận Jerusalem chính là thủ đô của Israel. Nhiều tổng thống trước đây đã khẳng định đây là lời hứa lớn trong chiến dịch tranh cử nhưng không thể thực hiện. Nay tôi đang thực hiện lời hứa của mình”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
Tổng thống Trump phát biểu việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel ngày 6/12. Ảnh: AFP. |
Tổng thống Trump cũng chỉ đạo Bộ Ngoại giao Mỹ bắt đầu quy trình di chuyển trụ sở đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv đến Jerusalem.
Thừa nhận sự lo ngại của 5 nhà lãnh đạo Arab về vấn đề này, Tổng thống Trump nhấn mạnh việc công nhận không đồng nghĩa chính sách của Mỹ thay đổi trong vấn đề biên giới cuối cùng của nhà nước Palestine và Israel tương lai.
“Chúng tôi không thể hiện quan điểm về quy chế cuối cùng, bao gồm biên giới cuối cùng về chủ quyền của Israel với Jerusalem. Đây là vấn đề giữa những bên liên quan. Mỹ vẫn duy trì cam kết sâu sắc trong việc hỗ trợ xây dựng một thoả thuận hoà bình mà cả hai bên đều đồng ý”, Tổng thống Trump nói.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhanh chóng hoan nghênh tuyên bố của ông Trump là “cột mốc lịch sử” và thúc giục các nước khác hành động tương tự.
Hình ảnh quốc kỳ Israel và Mỹ cạnh nhau được chiếu lên bức tường ở Thành Cổ ở Jerusalem đêm 6/12. Ảnh: AFP. |
Nụ hôn tử thần cho thoả thuận hoà bình
Trong khi đó, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đêm 6/12 khẳng định Jerusalem chính là “thủ đô vĩnh cửu của nhà nước Palestine”. Ông Abbas nói quyết định của Tổng thống Trump “thể hiện sự thoái lui của nước Mỹ trong vai trò trung gian hoà bình”.
Một số chuyên gia Palestine so sánh động thái của ông Trump như “nụ hôn tử thần” với giải pháp hai nhà nước. Vòng đàm phán hoà bình gần nhất do Washington làm trung gian đã sụp đổ năm 2014.
Thế giới Arab đồng loạt lên tiếng phản đối tuyên bố của Tổng thống Trump.
Chính quyền Ai Cập, nước đầu tiên ký vào thoả thuận hoà bình Arab với Israel năm 1979, bác bỏ sự công nhận của Washington, khẳng định vị thế của Jerusalem hiện tại sẽ không thay đổi.
Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani nói hành động của ông Trump là “đưa ra án tử hình với tất cả những ai tìm kiếm hoà bình”. Ông cho rằng đây là một “sự leo thang nguy hiểm”.
Vương quốc Jordan khẳng định việc công nhận Jerusalem là “vô giá trị pháp lý”. Jordan là nước Arab thứ hai ký thoả thuận hoà bình với Israel vào năm 1994.
Trong khi đó, hàng trăm người dân tụ tập trước toà tổng lãnh sự Mỹ tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, để phản đối. Bộ Ngoại giao nước này gọi hành động của ông Trump là “vô trách nhiệm”.
Người dân mang quốc kỳ Palestine phản đối quyết định của Tổng thống Trump trước Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đêm 6/12. Ảnh: AFP. |
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Mỹ xem xét lại quyết định sai lầm này, khi nó có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực; qua đó để tránh những bước đi gây tổn hại đến vị thế lịch sử và tính đa văn hoá của Jerusalem”, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói.
Cam kết giải pháp hai nhà nước
Một số đồng minh lớn của Mỹ, bao gồm Pháp, cũng phản đối tuyên bố của ông Trump.
“Tôi không ủng hộ hành động đơn phương này. Đây là điều đáng tiếc, vì Pháp không chấp thuận và cũng không đi ngược lại luật pháp quốc tế, hay tất cả các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói.
Tổng thống Macron khẳng định “vị thế của Jerusalem là vấn đề an ninh quốc tế ảnh hưởng đến toàn bộ cộng đồng quốc tế”, nhấn mạnh “Pháp và châu Âu cam kết với giải pháp hai nhà nước, trong đó Israel và Palestine sống cạnh nhau trong hoà bình”.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng nêu rõ “không có phương án thay thế cho giải pháp hai nhà nước giữa Palestine và Israel. Quy chế cuối cùng của Jerusalem là vấn đề phải được giải quyết trực tiếp giữa các bên liên quan”.