Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Thành bại của thượng đỉnh Trump - Kim không ảnh hưởng gì chúng tôi'

Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều mang lại những niềm hy vọng lớn về hòa bình thế giới nhưng một số tổ chức hoạt động về người Triều Tiên không tin đó sẽ là một bước ngoặt.

"(Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều) thành hay bại cũng không ảnh hưởng nhiều đến công việc của chúng tôi với những người tị nạn Triều Tiên, dù nó sẽ tăng mức độ quan tâm (của dư luận) đối với các vấn đề của Triều Tiên", Sokeel Park, giám đốc quốc gia khu vực Hàn Quốc của tổ chức Liberty In North Korea (LiNK - Tự do tại Triều Tiên), nói với Zing.vn.

LiNK, đóng tại Mỹ và Hàn Quốc, là một tổ chức hoạt động trong việc giải cứu người tị nạn Triều Tiên và thay đổi nhận thức của thế giới bên ngoài về người Triều Tiên. Trong nhiều năm dài, những nhà hoạt động của LiNK luôn cảm thấy tất cả những gì thế giới biết về Triều Tiên chỉ là vấn đề hạt nhân, an ninh. Và cuộc gặp này cũng không ngoại lệ.

Cuộc gặp "mảng băng nổi"

Park không tin rằng Triều Tiên sẽ phi hạt nhân hóa (câu ông nói là "tôi không thấy nhà phân tích nào tin thế cả").

Nhưng đó gần như là mối quan tâm của toàn thế giới trước cuộc gặp này. Tuyên bố chung sau thượng đỉnh liên Triều cam kết sẽ tái lập hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, các cộng sự của tổng thống Mỹ tranh cãi nhau về việc nên buộc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa hoàn toàn rồi mới dỡ bỏ lệnh cấm vận hay không... 

Những người làm trong LiNK cũng không cho rằng hạt nhân là cốt lõi trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên, đó chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm". Họ chỉ trích cộng đồng quốc tế và các nước lớn đã quá quan tâm "phần nổi đó" mà quên mất những vấn đề khác mà người dân Triều Tiên gặp phải, tình trạng kinh tế và quyền lợi của họ trong nước.

Trump gap Kim Jong Un anh 1
Một số tổ chức hoạt động chỉ trích những động thái gần đây của Mỹ và Hàn Quốc chỉ nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên mà không quan tâm đến người dân Triều Tiên. Ảnh: AFP.

"Vấn đề là bản chất của chính quyền Triều Tiên. Nếu chúng ta chỉ xử lý triệu chứng, nó sẽ quay trở lại mãi. Cái chúng ta cần là Triều Tiên phải được thay đổi và mở cửa, được bình thường hóa trước cộng đồng quốc tế", Park nói.

Năm 2017, LiNK là tổ chức đã thực hiện bộ phim tài liệu Jangmadang Generation (tạm dịch: Thế hệ Jangmadang) nói về một "Thế hệ Y" đang hình thành bên trong Triều Tiên và sẽ thay đổi đất nước này. Đó là một thế hệ lớn lên từ "chợ đen" đã tạo nên nền kinh tế thị trường ở Triều Tiên và thúc đẩy việc trao đổi thông tin với bên ngoài. Tuy nhiên, trước sự kiện lần này, Park nói rằng người Triều Tiên có thể chẳng hay biết gì và không hứng thú với cuộc gặp Mỹ - Triều, vốn được xem là một cơ hội để Triều Tiên mở cửa và tương tác với thế giới.

"Bất chấp sự thật rằng họ là cộng đồng bị ảnh hưởng nhất, cảm giác của tôi từ những người tị nạn Triều Tiên rằng có nhiều người bên trong đất nước không biết gì hoặc không hứng thú với những diễn biến chính trị mới như chúng ta nghĩ", Park nói.

Ông lập luận rằng người Triều Tiên sống trong một môi trường thông tin hoàn toàn khác, và cho dù thế giới bên ngoài đang quan tâm đến mọi động thái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Singapore, người dân có thể vẫn không biết gì.

"Trừ một số hy vọng đến từ những người muốn kiếm tiền từ việc làm ăn với Trung Quốc, chúng ta hãy mong đợi một sự thờ ơ, xuất phát từ kinh nghiệm lâu năm cùng những động thái chính trị nhưng không mang lại thay đổi gì cho đời sống của họ", ông nói, ám chỉ những nỗ lực đàm phán trước đây nhưng thất bại với Bình Nhưỡng.

Trump gap Kim Jong Un anh 2
Người Triều Tiên sống trong một môi trường thông tin hoàn toàn khác, và cho dù thế giới bên ngoài đang quan tâm đến mọi động thái của nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở Singapore, người dân có thể vẫn không biết gì. Ảnh: Reuters.

Sokeel Park và các nhà hoạt động trong nhóm của Jeong Gwang Il chia sẻ quan điểm rằng cuộc gặp các diễn biến thúc đẩy quan hệ liên Triều và quan hệ Mỹ - Triều đã được xúc tiến mà bỏ qua vấn đề nhân quyền của người Triều Tiên.

Theo CNN, nhóm của Jeong Gwang Il là những người vẫn hàng tuần thả những chai nhựa (chứa gạo, tiền và USB) xuống biển tại Hàn Quốc để hy vọng dòng nước sẽ mang chúng đến tay người Triều Tiên. Đối với họ, những động thái nồng ấm gần đây trên bán đảo Triều Tiên đã khiến chính phủ Hàn Quốc và Mỹ quên đi cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Triều Tiên.

"Hoặc vấn đề nhân quyền chỉ được xướng lên tại Liên Hợp Quốc khi các mối quan hệ đang xấu đi, vô tình tạo nên một cảm nhận rằng vấn đề đó là một công cụ để khiến cộng đồng quốc tế cùng lên án Triều Tiên khi cần và bỏ rơi nó khi không tiện", Park nói.

Nhưng mang người Mỹ về Bình Nhưỡng?

Chosun Exchange, đăng ký hoạt động tại Singapore, là một tổ chức phi chính phủ chuyên tổ chức các khóa huấn luyện kỹ năng kinh doanh cho người Triều Tiên. Chosun Exchange, được sáng lập bởi Geoffrey See vào năm 2010, tìm kiếm những người sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và đưa họ đến Triều Tiên để giảng dạy cho người dân ở đây, với đối tượng chủ yếu là nhân viên các công ty Triều Tiên.

Họ có người đến từ các công ty công nghệ, Học viện Khoa học Nhà nước, Ngân hàng Trung ương, các siêu thị, nhà hàng và đại học ở Bình Nhưỡng...

"Chúng tôi có nhiều hy vọng hơn về tương lai của Triều Tiên sau cuộc gặp thượng đỉnh", Khánh Đỗ, người điều phối của Chosun Exchange, nói với Zing.vn.

"Chúng tôi hy vọng cuộc đối thoại tích cực giữa 2 lãnh đạo có thể mở đường cho việc chấm dứt một số lệnh trừng phạt nhằm vào các tổ chức quốc tế, mang theo cơ hội cho các tổ chức phi chính phủ như chúng tôi đóng góp cho Triều Tiên".

Đối với Chosun Exchange, việc tháo dỡ trừng phạt với Bình Nhưỡng có thể đồng nghĩa với việc mang những người hướng dẫn quốc tịch Mỹ trở về với các khóa huấn luyện tại Triều Tiên. Hồi tháng 8/2017, chính phủ Mỹ đã cấm công dân du lịch đến Triều Tiên. 

Ở phía ngược lại, nếu ông Kim rời Singapore với một kết quả tích cực sau cuộc gặp với Trump, điều đó sẽ mở ra cơ hội để đưa những học viên của Chosun Exchange trở lại Singapore. Chosun Exchange từng có một chương trình đưa người Triều Tiên sang Singapore để học hỏi trước khi phải tạm ngưng vì quan hệ của Bình Nhưỡng và cộng đồng quốc tế xấu đi.

Trump gap Kim Jong Un anh 3
Một khóa học của Chosun Exchange tại Triều Tiên. Ảnh: NVCC.

Những nhà hoạt động của Chosun Exchange mô tả người Triều Tiên là những người nhút nhát nhưng tò mò và luôn háo hức trước những người nước ngoài đến với họ. Khánh lưu ý rằng người Triều Tiên anh gặp đều nói tốt ít nhất một ngoại ngữ, tiếng Anh hoặc tiếng Hoa. Trong một đất nước với nền kinh tế kỳ lạ như Triều Tiên, họ tin rằng những khóa học mình tổ chức có thể tăng cường sự tương tác giữa người nước ngoài với người Triều Tiên, chuẩn bị cho công dân của nước này cả cuộc sống hiện tại lẫn trong viễn cảnh Triều Tiên mở cửa ra với thế giới. 

Các tổ chức hoạt động về Triều Tiên thường có chung niềm hy vọng lớn dành cho người dân Triều Tiên, về sự tò mò của họ với bên ngoài và mong ước thay đổi. 

Họ chỉ không đồng ý với nhau về vị trí của người dân Triều Tiên trên bàn đàm phán lần này.

Ông Kim Jong Un gặp ông Lý Hiển Long sau khi đến Singapore Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau tại Dinh Istana, Singapore. Ông Kim Jong Un cám ơn Singapore và cá nhân ông Lý Hiển Long vì đã hỗ trợ tổ chức cuộc gặp Mỹ - Triều.

Nghệ thuật giao dịch của Triều Tiên: Kết bạn đổi phụ tùng, thuốc lá

Quan chức Bình Nhưỡng tạo quan hệ với các doanh nhân Nga để có được hàng hóa và nguồn tiền cần thiết nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế.

Có một 'Thế hệ Y' đang thay đổi Triều Tiên từ bên trong

Trong khi những gì thế giới quan tâm nhất về Triều Tiên là chương trình hạt nhân, tên lửa, một "Thế hệ Y" đã hình thành và đang thay đổi đất nước khép kín này.

Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm