Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trump và Kim có thể đặt dấu chấm hết cho Chiến tranh Triều Tiên?

Ông Trump và ông Kim Jong Un phải đối mặt nhiều trở ngại lớn để biến giấc mơ từ lâu của người dân hai miền bán đảo Triều Tiên về thỏa thuận hòa bình thành hiện thực.

Hy vọng của người dân ở cả hai phía vùng biên giới được vũ trang nghiêm ngặt nhất thế giới về một thỏa thuận hòa bình, chấm dứt cuộc chiến từ cách đây 68 năm đang được thắp sáng trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên có thể không đạt được chỉ sau một hội nghị thượng đỉnh nhưng ông Trump có thể coi thỏa thuận hòa bình như con đường ngắn và thuận lợi nhất đến giải Nobel Hòa bình.

Còn ông Kim Jong Un lại đang theo đuổi một hiệp ước đưa quân đội Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên rồi mở đường cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất với đầu não nằm tại Bình Nhưỡng.

Trump gap Kim Jong Un anh 1
Tướng Mỹ K. Harrison, Jr., bên trái, và Nam Il, người ngồi bên phải, ký các văn bản đình chiến tại Bàn Môn Điếm (Panmunjom) ngày 26/7/1953. Ảnh: AP.

Chiến tranh chưa kết thúc

Bán đảo Triều Tiên do Nhật Bản kiểm soát được chia tách vào năm 1945, cuối Thế chiến II, với miền Bắc do Liên Xô hậu thuẫn và miền Nam nhận sự trợ giúp của Mỹ.

Ba năm sau, Triều Tiên và Hàn Quốc đều trở thành quốc gia có chủ quyền, và hai năm sau đó, ngày 25/6/1950, Bình Nhưỡng tấn công Seoul, tìm cách thống nhất bán đảo bằng vũ lực.

Ba năm đổ máu kết thúc vào ngày 27/7/1953, nhưng về mặt kỹ thuật, cuộc chiến vẫn tiếp diễn đến ngày hôm nay bởi thay vì một hiệp ước hòa bình khó đàm phán, các sĩ quan quân đội Liên Hợp Quốc, Triều Tiên và Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận đình chiến. Dù cho sau đó, Tổng thống Hàn Quốc Syngman Rhee muốn chiến đấu cho đến khi Triều Tiên đầu hàng và từ chối ký vào thỏa thuận đình chiến, nó vẫn có hiệu lực.

Sự căng thẳng đã sôi sục từ năm 1953 thậm chí vẫn còn được cảm nhận vào lúc này ở Khu phi quân sự liên Triều (DMZ), gần nơi thỏa thuận đình chiến được ký kết. Các binh sĩ Triều Tiên và Hàn Quốc trao nhau những ánh hình lạnh lùng trên ranh giới mà ông Kim Jong Un bước qua trong hội nghị thượng đỉnh lịch sử hồi cuối tháng 4 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Đường phân chia này cũng là nơi một người lính Triều Tiên tuyệt vọng bị bắn năm lần vào năm ngoái bởi các đồng đội cũ của mình khi đào thoát sang phía nam.

Họ có muốn chấm dứt chiến tranh không?

 Trump dường như muốn làm điều đó.

"Chúng tôi đã nói về kết thúc chiến tranh", Trump nói tại Nhà Trắng sau cuộc họp của ông hồi đầu tháng này với phái viên cao cấp của Triều Tiên Kim Yong Chol. "Nó hẳn là cuộc chiến dài nhất - gần 70 năm, phải không? Và có khả năng như thế. Bạn có thể tin rằng chúng ta đang nói về sự kết thúc của Chiến tranh Triều Tiên không?".

Trump gap Kim Jong Un anh 2
Học sinh tham quan phòng triển lãm Chiến tranh Triều Tiên tại khu tưởng niệm tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AP.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người đóng vai trò quan trọng trong những diễn biến tích cực gần đây trên bán đảo Triều Tiên, từng nói hồi tháng 5 rằng Trump "có thể nhận giải Nobel" miễn là người Triều Tiên và Hàn Quốc có được hòa bình.

Động lực của Kim Jong Un cho hiệp ước hòa bình có thể liên quan một phần đến việc Mỹ rút 28.500 binh sĩ ra khỏi phần phía nam của bán đảo. Nhiều người tin rằng ông Kim thấy đây là bước đầu tiên trong việc mở đường cho một bán đảo Triều Tiên thống nhất với quyền lực tập trung ở Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên trước mắt, Triều Tiên cũng có thể nhìn thấy lợi ích ở những bảo đảm an toàn do Washington hứa hẹn. Việc được công nhận là một "quốc gia bình thường" sau đó có thể cho phép Triều Tiên thoát khỏi các biện pháp trừng phạt, rồi nhận viện trợ và đầu tư quốc tế.

Điều gì ngăn cản họ?

Một cách ngắn gọn, hội nghị thượng đỉnh ở Singapore có thể không có mặt đủ các nhà lãnh đạo.

Trump và Kim có thể công bố thỏa thuận về một hiệp ước hòa bình, điều từng được đề cập trong một thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt năm 2005 mà sau đó đã đổ vỡ. Tuy nhiên, vấn đề sẽ không được giải quyết hoàn toàn cho đến khi Hàn Quốc và Trung Quốc, hai quốc gia từng gửi hàng trăm nghìn quân đến Triều Tiên để ngăn chặn một chiến thắng nhanh chóng của Mỹ vào năm 1950, cũng ngồi vào bàn ký kết.

William Overholt, chuyên gia cấp cao về châu Á tại Đại học Harvard, nhận định Hàn Quốc dường như đã sẵn sàng, và có tin đồn từ Seoul rằng Tổng thống Moon có thể tới Singapore, cùng Kim và Trump tuyên bố chấm dứt chiến tranh.

Bắc Kinh, đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, cũng đã sẵn sàng cho một thỏa thuận hòa bình, và có thể "trừng phạt Triều Tiên rất nặng nề" nếu Bình Nhưỡng từ chối từ bỏ vũ khí hạt nhân bất chấp những đề xuất của Mỹ về một hiệp ước hòa bình, đảm bảo an ninh, công nhận ngoại giao và hỗ trợ kinh tế. 

Nhưng hội nghị thượng đỉnh này cũng có thể chỉ xoay quanh Trump và Kim.

Đạt được hiệp định hòa bình ràng buộc về mặt pháp lý ở Singapore không có khả năng xảy ra bởi "bạn phải giải quyết rất nhiều vấn đề an ninh của Liên Hợp Quốc, các vấn đề của Hội đồng Bảo an", Christopher Hill, cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân hàng đầu của Mỹ với Triều Tiên, cho biết. Ông cũng lưu ý về vai trò của Trung Quốc trong vấn đề này.

"Đó là một quá trình khá phức tạp. Chúng tôi từng tuyên bố đồng ý về hiệp ước hòa bình này vào năm 2005. Tôi chắc chắn rằng Triều Tiên cũng đồng ý điều đó. Nhưng tôi không thể tưởng tượng họ sẽ đạt được một hiệp ước hòa bình ở Singapore", Hill nói.

Trump có thể đề cập "một tuyên bố về ý định, chứ không phải về việc ký một hiệp ước hòa bình thực sự, đòi hỏi một thời gian và đàm phán để đạt được", cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Ferial Saeed cho hay trong một bài viết gần đây.

Trump gap Kim Jong Un anh 3
Ba binh sĩ Triều Tiên nói chuyện với nhau trước một binh sĩ Hàn Quốc ở làng biên giới Panmunjom trong Khu phi quân sự liên Triều. Ảnh: AP.

Đó có phải một ý tưởng hay?

Một số nhà quan sát tin rằng Trump không nên bắt đầu đàm phán bằng cách tập trung vào thỏa thuận hòa bình, thay vào đó ông nên lấy viễn cảnh về một hiệp ước làm đòn bẩy để khiến Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Dù đôi khi đổ máu vẫn xảy ra, chiến tranh đã ngủ yên trong 65 năm qua, vì vậy bất kỳ hiệp ước nào cũng chủ yếu mang tính biểu tượng, Bong Youngshik, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei của Seoul, cho biết. Đó cũng có thể là cơ hội cho Triều Tiên để yêu cầu Mỹ rút quân đội khỏi Hàn Quốc hoặc ngăn chặn những cuộc tập trận định kỳ Mỹ - Hàn.

Một hiệp ước hòa bình - thỏa thuận pháp lý giữa các quốc gia có chủ quyền, cũng có thể gây ra vấn đề cho Hàn Quốc. Hiến pháp Hàn Quốc không công nhận Triều Tiên là một chính phủ hợp pháp và vẫn hướng đến việc thống nhất bán đảo với quyền lực tập trung vào tay Seoul. Theo Bong Youngshik, điều này cho thấy việc thúc đẩy hiệp ước hòa bình có thể khiến người Hàn Quốc phải cân nhắc liệu họ có nên từ bỏ ước mơ thống nhất hằng ấp ủ và chấp nhận chia cắt vĩnh viễn.

Trump: 'Đến Singapore gặp Kim để thực hiện sứ mệnh hòa bình' Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cắt ngắn lịch trình làm việc tại Hội nghị G7 tại Canada để tới Singapore chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ lịch sử với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Cố vấn an ninh diều hâu 'tắt tiếng' trước cuộc chơi Mỹ - Triều

Bolton, người vừa được TT Trump sắp đặt vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia đã không còn tiếng nói trong các cuộc thảo luận về Triều Tiên sau phát ngôn tai hại về "mô hình Libya".

Nhật, Nga, Trung chạy đua để không bị 'bên lề' thượng đỉnh Mỹ - Triều

Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đều đang chạy đua để gây ảnh hưởng lên cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên, dù việc nó có diễn ra hay không vẫn chưa chắc chắn.


Hoa Hạ (theo AP)

Bạn có thể quan tâm