Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được cả thế giới trông đợi, với kỳ vọng về một thỏa thuận hòa bình chấm dứt cuộc chiến tranh, về mặt kỹ thuật, đã kéo dài gần 70 năm trên bán đảo Triều Tiên.
Thành công từ cuộc gặp Trump - Kim sẽ mang lại lợi ích lan tỏa toàn khu vực. Đe dọa một cuộc chiến tranh với hậu quả khôn lường sẽ được loại bỏ. Những lệnh cấm vận kinh tế được dỡ bỏ giúp doanh nghiệp các nước rộng đường khai thác thị trường 24 triệu dân của Triều Tiên. Nhưng, kịch bản thành công hội đàm Mỹ - Triều không phải chỉ toàn màu hồng, đặc biệt với Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng.
Mỹ rảnh tay với các toan tính chiến lược
"Ổn định trên bán đảo Triều Tiên đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ rảnh tay trong các toan tính chiến lược trong cuộc chạy đua cùng Trung Quốc", Corey Wallace, chuyên gia an ninh châu Á từ Đại học Freie, Đức, nhận định.
Đối đầu chiến lược giữa Bắc Kinh và Washington leo thang căng thẳng ngay trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, xung quanh việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự tại các thực thể nhân tạo mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis phát biểu tại Đối thoại Shangri-La. Ảnh: AFP. |
Tại diễn đàn an ninh Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cáo buộc Trung Quốc đang nói một đằng làm một nẻo, việc Bắc Kinh đưa các hệ thống vũ khí ra Biển Đông nhằm phục vụ mục đích "đe dọa và cưỡng ép" các nước láng giềng tại Đông Nam Á. Tranh chấp tại Biển Đông là thách thức an ninh mà, theo như Bộ trưởng Mattis tuyên bố, Mỹ sẵn sàng đương đầu trong hiện tại và cả tương lai.
"Chớ phạm sai lầm, Mỹ sẽ hiện diện tại Ấn Độ - Thái Bình Dương. Khu vực này là ưu tiên của chúng tôi", ông Mattis tuyên bố.
Các chuyên gia chính trị - an ninh khu vực nhìn nhận động thái giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên sẽ giải phóng gánh nặng an ninh của hàng chục nghìn binh sĩ Mỹ hiện triển khai tại phía Nam vĩ tuyến 38.
"Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc có nhiệm vụ bảo vệ miền Nam bán đảo. Nếu có xung đột với Trung Quốc ở các khu vực khác, rất khó để Mỹ triển khai lực lượng này", Timothy Heath, nhà phân tích quốc phòng từ RAND Corp, tổ chức tư vấn chính sách tại Mỹ, nhận định.
Khi đã nhẹ gánh nhiệm vụ bảo vệ Hàn Quốc, lực lượng này sẽ được triển khai để tăng cường sức mạnh của Mỹ tại các khu vực khác ở châu Á - Thái Bình Dương như Singapore, Australia, Philippines. Như thế, Mỹ có thêm một mũi nhọn đáp trả lại ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực.
"Sẽ không có chuyện lực lượng Mỹ đơn thuần là đóng gói đồ đạc và về nước", ông Wallace đánh giá.
Trung Quốc cũng có lý do để lo ngại, trong kịch bản cuộc hội đàm 12/6 thành công, đồng minh lâu năm tại Bình Nhưỡng sẽ rơi vào quỹ đạo ảnh hưởng của Washington. "Việc Mỹ và Triều Tiên thiết lập quan hệ sẽ gây tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc nếu Bình Nhưỡng quyết định ưu tiên Washington hơn Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại", chuyên gia Heath bình luận.
Cũng như nhiều nước châu Á, Triều Tiên có lý do để tìm kiếm quan hệ nồng ấm hơn với Mỹ nhằm cân bằng lại sức mạnh của người láng giềng khổng lồ. Thực tế nhất chính là khả năng Triều Tiên sẽ đàm phán những thỏa thuận thương mại với Mỹ và phương Tây, mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho nước này so với những gì Bình Nhưỡng hiện nhận được từ Bắc Kinh.
Mỹ củng cố hệ thống liên minh khu vực
Khi căng thẳng tại Đông Bắc Á đạt đỉnh năm 2017, Triều Tiên từng tuyên bố quân đội nước này có đủ năng lực để bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tới Chicago, hay thậm chí cả New York. Đe dọa này tạo ra hoang mang cho chính các đồng minh của Mỹ tại khu vực, khiến các nước này đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có dám "liều mình" bảo vệ Nhật Bản hay Hàn Quốc khi đứng trước nguy cơ bị tấn công chính tại quê nhà.
"Nhật Bản và Hàn Quốc cần tự đặt câu hỏi liệu Mỹ có dám liều mất một thành phố lớn để bảo vệ an ninh của mình? Câu trả lời là không", Sam Roggeveen, chuyên gia từ Viện nghiên cứu Lowy, Australia, đánh giá.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: CNN. |
Nghi ngờ ấy có thể được Trung Quốc dễ dàng "lái" sang những vấn đề sát sườn hơn, gieo lên nghi ngờ liệu Mỹ có sẵn sàng hỗ trợ Nhật Bản trong tranh chấp quần đảo Senkaku. Nghi ngờ thậm chí có thể được gieo vào nội bộ Đài Loan về khả năng Mỹ can dự khi Trung Quốc sử dụng biện pháp quân sự để giành lại quyền kiểm soát hòn đảo.
Nếu thỏa thuận hòa bình Mỹ - Triều đạt được, các đồng minh của Mỹ sẽ có thêm niềm tin khi được đảm bảo Washington sẽ không bỏ rơi họ trong những cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Khi Triều Tiên đã không còn là một mối đe dọa tới nền hòa bình và sự ổn định tại Đông Bắc Á, ảnh hưởng ngày càng gia tăng cùng cách hành xử quyết liệt của Trung Quốc trong các tranh chấp tại khu vực sẽ đẩy nhiều quốc gia rơi gần hơn vào quỹ đạo của Mỹ.
Các đối thủ của Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí hạt nhân
Các chuyên gia cho rằng một kịch bản có thể xảy ra sau hội nghị Mỹ - Triều, được đánh giá là ác mộng với cả Trung Quốc và các đồng minh của Mỹ, là một thỏa thuận giải giáp hạt nhân bán phần. Thỏa thuận này cho phép Triều Tiên giữ lại kho tên lửa tầm ngắn và tầm trung, trong khi các tên lửa đạn đạo có khả năng bắn tới Mỹ sẽ bị phá hủy.
Kịch bản này, khi xảy ra, sẽ khiến các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc buộc phải phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình, khởi động cuộc chạy đua hạt nhân giữa các cường quốc về kinh tế và khoa học tại Đông Bắc Á. Khi tất cả các bên đều chạy theo năng lực hạt nhân, Đông Bắc Á sẽ rơi vào bất ổn.
Thượng đỉnh Mỹ - Triều ít thành công sẽ giúp Trung Quốc rảnh tay triển khai các hoạt động phi pháp ở Biển Đông. Ảnh: SCMP. |
"Một hội nghị không mang lại kết quả thiết thực, nhưng hạ nhiệt căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên là kết quả mà Bắc Kinh chờ đợi", ông Roggeveen nhận định.
Khi Mỹ còn mắc kẹt trong cuộc đối đầu với Triều Tiên, Trung Quốc sẽ tiếp tục các hoạt động củng cố các tiền đồn và thế đứng quân sự của nước này tại Biển Đông. Bắc Kinh cũng rảnh tay gia tăng sức ép ngoại giao và các hoạt động quân sự quanh đảo Đài Loan, đồng thời tăng cường đối đầu với Nhật Bản tại quần đảo Senkaku.
Trong bối cảnh Mỹ tiêu tốn các nguồn lực cho bất ổn tại Đông Bắc Á, Trung Quốc đang hiện đại hóa lực lượng vũ trang của nước này, đồng thời dùng nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ xây dựng mạng lưới kết nối kinh tế khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
"Trung Quốc coi chương trình hạt nhân của Triều Tiên là công cụ hữu ích phục vụ mục tiêu lớn của họ, loại bỏ ảnh hưởng của Mỹ và biến họ thành cường quốc chiến lược tại châu Á", ông Roggeveen nhận định.