Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghệ thuật giao dịch của Triều Tiên: Kết bạn đổi phụ tùng, thuốc lá

Quan chức Bình Nhưỡng tạo quan hệ với các doanh nhân Nga để có được hàng hóa và nguồn tiền cần thiết nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế.

Trên kệ trong văn phòng chật chội ở ngoại ô Moscow, doanh nhân Igor Michurin đặt bức hình bắt tay với một trong những khách hàng quan trọng, một nhân viên Đại sứ quán Triều Tiên mà anh gọi là Lee.

Mối quan hệ này mang lại một cái nhìn sâu hơn về kỹ thuật đàm phán của các quan chức Bình Nhưỡng và cách Triều Tiên đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế quốc tế, từ trao đổi phụ tùng hoặc rượu và thuốc lá đến cho thuê lao động.

Sở hữu hai công ty với doanh thu gần 42 triệu RUB (671.000 USD) theo các hồ sơ năm 2016, Michurin từng bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách đen một năm trước do thường xuyên kinh doanh với một công ty Triều Tiên. Theo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, công ty này giúp phát triển chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Michurin không phủ nhận việc kinh doanh với Triều Tiên, nhưng tin rằng mình không vi phạm bất kỳ luật nào.

Trong nhiều năm, Moscow thường chống lại các biện pháp trừng phạt quốc tế áp lên Bình Nhưỡng do các vụ thử vũ khí hạt nhân. Hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Nga giúp Triều Tiên tránh các lệnh trừng phạt, còn Moscow khẳng định đang tích cực giải quyết các vi phạm tiềm ẩn.

Khoảng năm 2011, khi Michurin bắt đầu có quan hệ với Lee, Liên Hợp Quốc đã quan sát được Bình Nhưỡng sẽ cải tiến các bộ phận cũ nhưng còn dùng được của các thiết bị dân sự, cũng như các phụ tùng lỗi thời hoặc thừa ra để sử dụng trong sản xuất tên lửa. Những phụ tùng này tới Triều Tiên từ khắp nơi trên thế giới, kể cả từ các đồng minh của Liên Xô trong quá khứ.

Đó là loại vật phẩm mà Michurin bắt đầu bán cho người Triều Tiên.

Trieu Tien doi pho cam van anh 1
Đại sứ quán Triều Tiên tại Moscow. Ảnh: Reuters.

Một trong những công ty của Michurin, Ardis-Bearings, chuyên kinh doanh vòng bi, những quả bóng thép vừa khít giữa các bộ phận chuyển động của máy, giúp máy chạy trơn tru. Vòng bi có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự, do đó còn được gọi là công nghệ "ứng dụng kép". Các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc bị cấm xuất khẩu một số loại vòng bi nhất định sang Triều Tiên.

Đó không phải là loại Michurin bán cho Lee. Thay vào đó, anh cung cấp "vòng bi thuộc loại sản xuất hàng loạt và thường xuyên, thừa, cũ".

Michurin cho biết năm ngoái Bộ Ngoại giao Nga đã hỏi anh về doanh số bán hàng cho Triều Tiên và nói với anh rằng họ trả lời một yêu cầu từ Mỹ. Cả Bộ Ngoại giao Nga lẫn Bộ Tài chính Mỹ đều không trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

"Một tia lửa"

Michurin là người gốc Belarus, 39 tuổi, cao, tóc xám và thường mặc quần jean. Michurin thành lập doanh nghiệp của riêng mình cách đây 7 năm sau khi làm việc tại các công ty nhỏ ở Moscow trong lĩnh vực thương mại ổ bi công nghiệp. Anh nhanh chóng tìm thấy sự quan tâm từ các khách hàng châu Á.

"Ngay sau khi tôi đăng quảng cáo trên Internet về bán vòng bi, sẽ luôn có một số người châu Á liên lạc", anh nói trong văn phòng ở phía nam Moscow. "Họ luôn mua những vòng bi khác nhau và dường như có nhu cầu về mặt hàng này".

Michurin kể cuối năm 2011, Lee mời anh đến Đại sứ quán Triều Tiên. Anh đã trở lại Đại sứ quán nhiều lần, tham dự các buổi hòa nhạc với những ca khúc và điệu múa Triều Tiên, dùng bữa tại một nhà hàng Triều Tiên trong khu sứ quán và đàm phán trong các phòng họp của sứ quán.

“Chúng tôi đối xử với nhau như bạn bè,” Michurin nói. "Anh ấy đã ở Moscow với gia đình, vợ và con, chúng tôi thường gặp nhau, chúng tôi dành thời gian giao lưu gia đình với nhau".

Lee ít khi đích thân giao dịch. Quan chức Triều Tiên sẽ sắp xếp để một người thu mua được vài chục vòng bi một lúc. Số tiền lớn nhất mà người Triều Tiên từng trả cho những các vòng bi là 100.000 RUB (1.500 USD).

Michurin cho biết mình đã bán các vòng bi với tư cách "doanh nghiệp cá nhân", một danh từ mà luật thuế của Nga không yêu cầu nhà cung cấp phải có hợp đồng với khách hàng, hoặc đưa ra được bằng chứng về danh tính của họ. Mọi thứ người bán cần phải làm là đưa cho khách hàng một biên nhận.

"Khi bạn mua bánh mì từ một cửa hàng, bạn không bị yêu cầu trình hộ chiếu và giấy tờ tùy thân", Michurin nhún vai.

Một doanh nhân Nga khác cũng kể câu chuyện tương tự.

Trieu Tien doi pho cam van anh 2
Một phần trong dự án phát triển nhà ở Orlov ở gần Moscow. Ảnh: Reuters.

Ruben Kirakossian cung cấp kim loại chuyên biệt cho các công ty sản xuất quốc phòng Nga. Kirakossian cho biết lần đầu tiên mình gặp các nhà ngoại giao Triều Tiên là tại một hội chợ thương mại ở Moscow, sau đó đến thăm đại sứ quán, rồi các đại diện của Bình Nhưỡng tới văn phòng của ông.

Kirakossian kể họ quan tâm đến một loạt hàng hóa, từ thuốc lá và rượu vang Armenia cho tới nhôm và thép cuộn.

Bộ Tài chính Mỹ cũng từng cho Kirakossian vào danh sách đen hồi năm ngoái, cáo buộc ông cung cấp kim loại cho Tập đoàn thương mại Tangun (Korea Tangun Trading Corporation). Đây cũng là công ty mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho biết có đóng vai trò trong chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

Đa dạng hóa

Lee "luôn tìm cơ hội kiếm tiền ngoài khuôn khổ những vòng bi", Michurin nói về người bạn. Khoảng 3 năm trước, Lee đề xuất với các đối tác về việc tuyển dụng lao động giá rẻ Triều Tiên.

Theo chính phủ Mỹ, gần 100.000 người Triều Tiên ở nước ngoài, hầu hết tại Trung Quốc và Nga, đóng góp 500 triệu USD một năm để tài trợ cho Bình Nhưỡng.

Michurin đã thành lập một công ty xây dựng và ký hợp đồng với một công ty của Triều Tiên có tên là Ryungseng Trading Corporation. Ryungseng sẽ tuyển dụng công nhân ở Triều Tiên và tổ chức các chuyến bay đến Moscow, Michurin cung cấp chỗ ở và trả lương cho họ.

Lao động Triều Tiên được đưa vào làm việc trên các công trường xây dựng. Một trong những hợp đồng Michurin thực hiện là dự án phát triển nhà ở có tên Orlov trong khu vực Moscow, cách thủ đô khoảng 20 km về phía đông nam.

Yuri Ilyushkin, một đại diện của nhà phát triển dự án Pekhra-Pokrovskoe, cho biết công nhân Triều Tiên của Michurin "thậm chí còn làm tốt hơn một số công nhân Nga. Không xuất sắc, nhưng tốt".

Năm ngoái, Liên Hợp Quốc đã ra nghị quyết cấm sử dụng nhân công Triều Tiên. Michurin cho biết anh vẫn sử dụng 19 người, nhưng hy vọng họ sẽ rời đi khi giấy phép lao động hết hạn.

"Khách hàng đặc biệt"

Cuối năm 2015, Triều Tiên yêu cầu Michurin sắp xếp một cuộc gặp với các giám đốc điều hành tại công ty tên Augur RosAeroSystems có trụ sở tại Moscow.

Augur đã hoạt động trong các dự án liên quan đến quốc phòng Nga kể từ cuối những năm 1990 và hiện làm thủ tục phá sản. Theo trang web của công ty, Augur đã thực hiện thử nghiệm cho Bộ Quốc phòng Nga và một số sản phẩm của công ty được quân đội Nga sử dụng.

Triều Tiên muốn thảo luận về việc mua một khí cầu điều khiển với giá khoảng 1 triệu USD, Michurin nói. Anh cho biết đã hai lần đưa một phái đoàn Triều Tiên đến nhà máy của Augur tại Peresvet, phía đông bắc Moscow.

Giám đốc thương mại cũ của công ty, Mikhail Talesnikov, xác nhận Triều Tiên đã liên lạc với Augur khi ông còn làm ở công ty. "Họ muốn mua một loại khí cầu điều khiển nhỏ và yêu cầu mở rộng hợp tác", ông nói. Tuy nhiên, Talesnikov không biết về những chuyến thăm và nói rằng mình không tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán nào với người Triều Tiên.

Khí cầu điều khiển không phải thiết bị quân sự, Talesnikov nói. Nhưng "có thể  mang thiết bị giám sát, nghe lén, phát hiện khí, với mục đích quân sự hoặc bán quân sự".

Trieu Tien doi pho cam van anh 3
Tòa nhà đặt trụ sở của Augur RosAeroSystems. Ảnh: Reuters.

Cuối cùng, không thỏa thuận nào đạt được. Đối với Augur, khách hàng tiềm năng quá mang đến quá nhiều nguy cơ bởi "mâu thuẫn với các biện pháp trừng phạt quốc tế", Talesnikov giải thích. 

Michurin cho hay người Triều Tiên có những yêu cầu cụ thể. "Xu hướng sao chép công nghệ, mong muốn thành lập liên doanh trên đất Triều Tiên, yêu cầu thiết bị phi tiêu chuẩn". Michurin mô tả họ là "những khách hàng rất đặc biệt", "không đủ tiền nhưng đồng thời lại có mong muốn ".

Trở về Bình Nhưỡng

Hai năm rưỡi trước, Lee và gia đình trở về Triều Tiên, Michurin kể. Trước khi chia tay, gia đình họ gặp gỡ trong một quán cà phê Moscow để nâng cốc vì mối quan hệ.

Không lâu sau, Michurin cho biết được một người Triều Tiên khác liên lạc. Người này tự giới thiệu mình là đại diện thương mại tại đại sứ quán ở Moscow, và nói rằng mình muốn mua vòng bi cũng như các vật dụng khác. 

Michurin kể mình tiếp tục bán nhiều vòng bi hơn cho các khách hàng châu Á khác mà anh cho rằng cũng là người Triều Tiên. Đầu năm ngoái, các quan chức ngoại giao Nga tới thăm Michurin. Anh đưa cho họ một danh sách các thiết bị bán cho người Triều Tiên.

Sau đó, vào ngày 1/6/2017, Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC), thực thi các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đưa Michurin và công ty của anh vào danh sách trừng phạt.

Bộ đã phát hiện Ryungseng, công ty Michurin ký hợp đồng nhập khẩu lao động Triều Tiên, chính là bí danh cho các hoạt động đối ngoại của Tập đoàn thương mại Tangun. Không thể liên lạc được với Ryungseng.

Michurin nói anh không biết gì cả. "Tôi có thể chắc chắn 100% rằng mình không vi phạm", Michurin nói. "Bạn không thể theo kịp mọi điều luật, có quá nhiều luật. Tôi hy vọng tôi không vi phạm bất cứ điều gì".

Triều Tiên 'lách' lệnh cấm vận quốc tế như thế nào Thông qua các công ty bình phong, hợp tác quân sự và tàu hàng ngụy trang, Triều Tiên vẫn thu được ngoại tệ bất chấp cấm vận nghiêm ngặt từ Liên Hợp Quốc.

Hoa Hạ

Theo Reuters

Bạn có thể quan tâm