"Con sò này là từ Triều Tiên", một người bán hàng tại chợ ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, cho biết. "Dù lệnh cấm vận vẫn còn, gần đây mọi thứ đang dễ dàng hơn (để mua được con sò)".
Bất chấp các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc vẫn bị áp lên Triều Tiên, hàng hóa và nhân công Triều Tiên đã xuất hiện ồ ạt tại vùng biên giới với Trung Quốc, dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã "nới tay" không còn truy quét nạn buôn lậu qua biên giới như trước.
Nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên vào năm 2017 đã cấm Triều Tiên xuất khẩu hải sản. Từ đó, Trung Quốc, đối tác chiếm đến 90% giá trị thương mại của Triều Tiên, đã mạnh tay truy quét nạn buôn lậu ở biên giới và biến hải sản Triều Tiên trở thành món hàng khan hiếm ở Đan Đông.
Chợ hải sản ở thành phố Đan Đông, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Nikkei Asian Review dẫn lời một người bán sỉ cho biết những con sò Triều Tiên thường đến chợ Trung Quốc thông qua các "kênh độc lập" như thương lái hoặc được buôn lậu trên những con thuyền nhỏ, khó bị lực lượng tuần tra phát hiện.
Sự xuất hiện với quy mô lớn của hải sản Triều Tiên cho thấy các cuộc truy quét đã được giảm xuống từ cuối tháng trước, sau cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại Bắc Kinh hồi giữa tháng.
Những con sò còn là chỉ dấu cho vai trò của Trung Quốc như nước bảo trợ Triều Tiên và có khả năng làm phức tạp kế hoạch của Mỹ nhằm gây áp lực lên Bình Nhưỡng.
Hàng hóa và nhân công trở lại
Ít nhất 2 trong số các nhà hàng Triều Tiên bị đóng cửa từ tháng 1 đã mở cửa lại vào tháng 4. Các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cấm việc thuê nhân công từ Triều Tiên, đồng nghĩa với việc các nữ phục vụ, đảm nhiệm việc múa hát và thu hút khách đến nhà hàng, không còn được làm việc.
Một lao động vừa đến Trung Quốc thú nhận rằng đã đến đây bằng visa "trao đổi văn hóa".
Nhiều công nhân Triều Tiên được nhìn thấy ở một công xưởng may mặc bên ngoài Đan Đông. Một nguồn tin địa phương nói ngày càng nhiều người đến Trung Quốc thông qua visa chuyên dùng để đi những chuyến ngắn vượt sông Áp Lục, thay vì visa lao động. Chuyện này không quá mới mẻ, nhưng nó cho thấy rằng Bắc Kinh đã không còn siết chặt việc thi hành luật như trước, nguồn tin cho biết.
Hồi đầu tuần này, Tổng thống Trump, người dự kiến gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 6, cảnh báo Trung Quốc nên đối phó với việc vi phạm lệnh trừng phạt.
"Trung Quốc phải tiếp tục mạnh mẽ và chặt chẽ ở Biên giới Triều Tiên cho đến khi có một thỏa thuận", ông viết trên mạng xã hội Twitter.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả rằng Bắc Kinh "luôn luôn tuân thủ nghiêm ngặt và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế", nhưng họ cũng nói rằng mình là "một hàng xóm thân thiện của Triều Tiên" và "duy trì sự trao đổi bình thường với điều kiện không vi phạm nghĩa vụ quốc tế, bao gồm ở các khu vực kinh tế và thương mại".
Ca sĩ Triều Tiên biểu diễn trong một nhà hàng tại Đan Đông. Hồi cuối năm 2017, các lệnh trừng phạt đã buộc nhiều người phải về nước. Ảnh: AFP. |
Niềm tin thổi vào bất động sản
Việc thực thi các lệnh trừng phạt bị nới lỏng không phải vấn đề duy nhất. Nikkei Asian Review nói rằng sự phấn khởi cũng đang dâng lên sau khi ông Kim thông báo kế hoạch xây dựng nền kinh tế Triều Tiên. Một dòng tiền lớn đang được đổ vào các dự án bất động sản ở vùng biên.
"Giá cả đã tăng lên 50% trong tháng qua. Giờ là cơ hội cuối cùng để mua!", một người tiếp thị nói khi đưa ra mô hình căn hộ, chỉ ra chiếc nhãn "đã bán" được đính kèm. Tiền bạc từ khắp Trung Quốc đã đổ về đây từ khi Bình Nhưỡng tuyên bố ngưng thử hạt nhân, tên lửa hồi tháng 4, ông nói.
Các nhà đầu tư kỳ vọng rằng vùng biên giới sẽ là nơi hưởng lợi nếu việc phát triển kinh tế có hiệu quả.
"Một đường tàu cao tốc nối Bắc Kinh với Đan Đông, Bình Nhưỡng và Seoul sẽ mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế", người tiếp thị hào hứng, ông nói về dự án được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đề xuất trong cuộc gặp hồi tháng trước với ông Kim.
Hiện vẫn chưa rõ liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên có thật lòng muốn phi hạt nhân hóa và phát triển kinh tế hay không. Chính quyền Đan Đông đã ra cảnh báo về việc giá đất tăng cao vượt điều kiện thị trường, cho ra một luật lệ cấm người mua bên ngoài thành phố bán lại tài sản trong 5 năm sau khi mua.
Một quan chức cấp cao của tỉnh Liêu Ninh đã đi thị sát buổi ra mắt căn hộ mẫu vào cuối tuần trước và hỏi han về giá cả.
Cây cầu hữu nghị nối thành phố Đan Đông của Trung Quốc với thành phố Sinuiju của Triều Tiên. Ảnh: AFP. |
Trong lúc đó, kinh tế Triều Tiên vẫn tỏ ra ổn định trước những lệnh trừng phạt "gần như chưa từng có tiền lệ". Giá gạo ở Bình Nhưỡng vào giữa tháng 5 vẫn tương đương cùng kỳ năm trước, trang tin Daily NK, trụ sở ở Seoul, cho biết.
Trước đó, vào tháng 9/2017, khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6, giá gạo đã tăng lên khoảng 20% nhưng thị trường ổn định lại sau khi ông Kim bỏ ngỏ việc đối thoại trong thông điệp thông minh.
Mức sống của người Triều Tiên có vẻ đã được cải thiện. Các chuyên gia tin rằng người Triều Tiên đủ ăn. Số lượng người dùng điện thoại đã tăng 3 lần trong 5 năm, tính đến năm 2016, nước này có 3,61 triệu người dùng điện thoại. Việc chính phủ "mắt nhắm mắt mở" trước việc giao dịch ở chợ đen cũng giúp cải thiện nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương Seoul ước tính tỷ trọng GDP thật của Triều Tiên dùng để đầu tư hạ tầng đã tăng 3,9% trong năm 2016, một sự tương phản đáng kể so với con số 1,1% của năm 2015.
Nikkei Asian Review cho biết mỗi vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tốn hàng triệu USD, việc đóng băng các vụ thử, như Triều Tiên làm từ đầu năm đến nay, có thể tiết kiệm một số tiền đáng kể để phát triển kinh tế.
Một bãi xã luận đăng tải hôm 21/5 trên website của báo đảng Lao động Triều Tiên Rodong Sinmun nhấn mạnh "một lịch sử mới", nơi nền kinh tế Triều Tiên sẽ được đặt trên "nền tảng hiện đại, công nghệ thông tin và khoa học". Tờ báo cũng kêu gọi đầu tư vào ngành thép của nước này.
Một mặt, đây có thể là lời hứa của Triều Tiên về quyết tâm phát triển kinh tế (và dừng chương trình hạt nhân), một mặt, đây có thể cũng là lời tuyên bố các biện pháp trừng phạt không gây khó dễ được cho Bình Nhưỡng.