Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trump nhượng bộ trước TQ: Vì Triều Tiên hay vì bất động sản?

Chỉ trong vòng 10 ngày, Mỹ 2 lần liên tiếp nhượng bộ một công ty của Trung Quốc và "tạm hoãn" cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh sau nhiều tháng mạnh miệng chỉ trích.

Zhongxing Telecommunications Equipment (ZTE) không hẳn là cái tên quen thuộc nhưng lại là tập đoàn viễn thông có sức nặng lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Công ty này chủ yếu bán các sản phẩm điện thoại thông minh giá rẻ ở các nước đang phát triển và cùng với Huawei, ZTE bán phụ tùng cho các mạng thiết bị di động. Tập đoàn có 80.000 nhân viên và làm ăn ở 160 quốc gia.

New York Times cho biết khi chính phủ Trung Quốc muốn thắt chặt quan hệ với một nước đang phát triển nào đó, họ thường cung cấp những khoản vay để trang bị mạng di động ZTE tại đó. Về lâu dài, Trung Quốc hy vọng những công ty như ZTE sẽ trở thành tiên phong trong lĩnh vực công nghệ và giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty công nghệ Mỹ.

Trung Quoc giat day hoi nghi Trump Kim Jong Un anh 1
Công ty viễn thông Trung Quốc ZTE đột nhiên trở thành tâm điểm

Nhưng ZTE cũng là mục tiêu trừng phạt của chính phủ Mỹ từ lâu vì lén lút làm ăn với Triều Tiên và Iran. Các lệnh trừng phạt này bắt đầu từ 2012 và tới năm 2017, tập đoàn này bị án phạt kỷ lục 1,2 tỷ USD của Bộ Thương mại Mỹ vì những hành vi làm ăn lén lút. ZTE đã hứa khắc phục nhưng lệnh trừng phạt một lần nữa lại ập xuống. 

Bộ Thương mại Mỹ hôm 16/4 tái áp lệnh cấm mọi hoạt động bán linh kiện của các tập đoàn công nghệ nước này cho ZTE trong vòng 7 năm. Tác động nặng nhất với nhà sản xuất điện thoại này là việc không thể nhập chip từ Qualcomm. Giới phân tích đã nghĩ tới khả năng ZTE của 80.000 nhân viên sẽ phải phá sản sau lệnh cấm. 

Đòn trừng phạt nặng với ZTE nếu được duy trì có thể coi là khởi đầu chính thức của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Nhưng chưa đầy một tháng sau thì Donald Trump lại đột ngột thay đổi. Vị tổng thống tỷ phú hôm 13/4 viết trên Twitter về việc giúp đỡ "ZTE trở lại nhanh chóng" với lý do "cứu việc làm của người Trung Quốc" - điều hoàn toàn trái ngược với quan điểm "nước Mỹ trên hết" mà ông luôn cổ súy.

Báo chí phương Tây nhận định nhượng bộ bất ngờ của Trump có thể vì rất nhiều ràng buộc lợi ích giữa tổng thống Mỹ với chính phủ Trung Quốc.

Sân golf Trump và dự án của tập đoàn Trung Quốc

Theo AFP, các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc sẽ cung cấp khoản vay 500 triệu USD vào một tổ hợp bất động sản lớn ở Indonesia, mà trong đó có dự án khách sạn 6 sao, sân golf và nhà ở của Trump Organization.  

Bên cạnh dự án của Trump sẽ là công viên giải trí được xây lên bởi liên danh giữa MNC Group, tập đoàn Indonesia, với Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc (MCC), công ty xây dựng của chính phủ Trung Quốc.

Dự án công viên giải trí này nằm trong tham vọng "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, vốn là sáng kiến của Chủ tịch Tập xây dựng hệ thống hạ tầng để mở rộng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực.

Điểm chung giữa công viên giải trí do MCC xây và khách sạn, sân golf 18 lỗ của Trump Organization là chúng có cùng chủ thầu xây dựng: Tập đoàn MNC của tỷ phú Hary Tanoesoedibjo. Các công trình này sẽ nằm trong một tổ hợp trị giá 500 triệu USD gọi là Lido City và được quảng bá là "phong cách sống kết hợp nghỉ dưỡng và công viên giải trí".

Chưa có bằng chứng cụ thể rằng thỏa thuận với công ty xây dựng của chính phủ Trung Quốc là nhằm gây ảnh hưởng đến chính quyền của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, thỏa thuận của MNC và MCC được AFP thông báo hôm 11/5 thì tới hai ngày sau Trump tuyên bố cứu để "ZTE làm ăn trở lại". 

Trong thông báo về việc hợp tác, công ty xây dựng nhà nước của Trung Quốc, không nêu rõ chi tiết về thỏa thuận. Thông báo này sau đó đã bị gỡ khỏi website công ty. Đại diện MCC cũng từ chối trả lời New York Times.

Hatunggal Muda Siregar, người phát ngôn của MNC nói rằng công viên và các công trình mang tên Trump là những dự án riêng biệt cùng nằm trong Lido City. Thỏa thuận về việc MCC xây dựng công viên không bao gồm khoản đầu tư nào. MNC cũng sẽ dùng một nhà thầu khác cho khu nghỉ dưỡng mang tên Trump ở Lido và một sân golf, khu nghỉ dưỡng khác ở Bali.

Trung Quoc giat day hoi nghi Trump Kim Jong Un anh 2
Con đường đang được xây dựng để nối thủ đô Jakarta với Lido, nơi sẽ tọa lạc cả khách sạn, sân golf mang tên Trump và công trình nằm trên mạng lưới Vành đai, Con đường của Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Những người chỉ trích nói có tình trạng mâu thuẫn lợi ích khi Trump tiếp tục các hoạt động kinh doanh bất động sản trong khi giữ chức tổng thống. 

Ông Trump được cho đã bỏ túi từ 2-10 triệu USD tiền thương hiệu từ dự án ở Indonesia. Trong năm 2016, ông nhận được 380.952 USD chi phí vận hành các công trình, dựa theo báo cáo tài chính gần nhất của tổng thống.

Các nhà lập pháp của đảng Dân chủ cáo buộc tổng thống vi hiến, điều khoản về thù lao trong hiến pháp cấm một tổng thống nhận các quà tặng chính phủ, dù là từ trong hay ngoài nước. 

Trong khi đó, Bộ Tư pháp và luật sư của tổng thống nói rằng các đơn kiện này là vô căn cứ. Khi lên nhậm chức, Trump nói rằng ông sẽ để các con tiếp quản việc kinh doanh của Trump Organization.

BBC cho biết sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã cho cổ phần của ông vào quỹ tín thác do 2 con trai lớn quản lý. Việc này sẽ ngăn ông tham gia vào các quyết định kinh doanh hàng ngày nhưng vẫn duy trì lợi ích lâu dài để đảm bảo công ty làm ăn hiệu quả.

Eric Trump, con trai tổng thống, từng tiết lộ rằng ông vẫn chia sẻ báo cáo quý với cha mình, bất chấp tuyên bố trước đó rằng họ sẽ không bàn luận về việc kinh doanh và điều hành đất nước với nhau. ProPublica từng đưa tin Tổng thống Trump có thể rút tiền của mình khỏi quỹ tín thác bất kỳ lúc nào mà không cần thông báo công khai. 

Các thương vụ làm ăn của Trump tại Indonesia đã gây chú ý từ trước khi ông nhậm chức và tổng thống đã hứa sẽ không tham gia vào các thương vụ mới trong thời gian giữ chức. Dù vậy, Trump Organization vẫn tiếp tục các dự án ở Indonesia, họ nói rằng hợp đồng được ký từ năm 2015 với ông Hary và không thể bị phá bỏ.

Hary, 52 tuổi, từng là ứng viên tranh cử tổng thống Indonesia và được tạp chí Forbes xếp thứ 31 trong số những người giàu nhất nước này với giá trị tài sản ròng khoảng 1,1 tỷ USD. Ông kinh doanh từ truyền hình, báo chí, viễn thông, đất đai cho đến dịch vụ tài chính.

Hary đã dùng thương hiệu Trump để quảng bá cho Lido City, khu phức hợp nằm cách thủ đô Jakarta 80 km về phía nam. Các khách sạn và sân golf sang trọng sẽ mang tên Trump và do một công ty của Trump điều hành.

Ông Hary đã đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống Trump và trú lại trong khách sạn Trump International ở Washington D.C.. Ông nổi tiếng là người can thiệp sâu vào cả thương trường lẫn chính trường. Ông thành lập đảng Indonesia Thống nhất vào năm 2015.

Nỗi lo Triều Tiên?

Ở góc độ khác, theo một nguồn tin trong Nhà Trắng, việc nhượng bộ của Trump về ZTE có thể liên quan đến một ưu tiên đối ngoại khác: Cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào ngày 12/6 tại Singapore.

Trung Quoc giat day hoi nghi Trump Kim Jong Un anh 3
Ông Trump ở thế khó khi vừa muốn cứng rắn với Triều Tiên để đạt một "thỏa thuận tốt", vừa lo ngại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore sụp đổ, việc sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng của ông. Ảnh: AFP.

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Moon hôm 19/5 đã kéo dài gần 30 phút, cho thấy mối quan ngại đáng kể đến từ Nhà Trắng. Theo Washington Post, dẫn lời một nguồn tin trong chính quyền, ông Trump đã hỏi người đồng cấp tại sao Bình Nhưỡng lại trở mặt như vậy trong khi không khí trên bán đảo Triều Tiên đang rất tốt đẹp sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Bình Nhưỡng đột ngột hủy bỏ cuộc gặp với các quan chức của Hàn Quốc và dọa rút khỏi cuộc gặp Mỹ - Triều.

Trump từng nói rằng ông nghi ngờ chính Trung Quốc đã tác động việc này. Sau cuộc gặp liên Triều, ông Kim đã gặp Chủ tịch Tập ở Đại Liên, Trung Quốc.

Trung Quốc chiếm đến 90% giá trị thương mại với Triều Tiên. Việc Trung Quốc hợp tác với các nước khác trong việc thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm trừng phạt Triều Tiên đã giáng một đòn nặng nề lên chính quyền Bình Nhưỡng.

"Sau chuyến thăm Trung Quốc, họ đã thay đổi chóng mặt, chuyển từ thái độ của vài tuần trước trở về Triều Tiên của trước đây", Washington Post dẫn lời quan chức Mỹ phía trên.

Bên trong Cánh Tây của Nhà Trắng, các cộng sự nói rằng ông Trump vốn rất khó chịu trước chuyến thăm đầu tiên của ông Kim đến Trung Quốc hồi tháng 3. Khi đó, Bắc Kinh cũng không hề thông báo với Washington. Chuyến đi đến Đại Liên là lần thứ 2 ông Kim Jong Un công du kể từ khi lên nắm quyền, và cả 2 chuyến đi đều là đến Trung Quốc.

Một quan chức nói rằng tổng thống Mỹ đã nổi giận trong một cuộc họp an ninh quốc gia. Sau đó, Chủ tịch Tập đã viết thư trấn an Tổng thống Trump.

Quan chức bên trên lại nói rằng tuyên bố của ông Trump về việc giúp ZTE là lời ngầm nhắc Trung Quốc tiếp tục gây áp lực lên Triều Tiên, về phía Washington, họ sẽ chìa "cành olive" ra cho ông lớn công nghệ của Bắc Kinh.

Trung Quoc giat day hoi nghi Trump Kim Jong Un anh 4
Ông Trump lo ngại rằng cuộc gặp của ông Tập và ông Kim ở Đại Liên đã làm thay đổi cục diện, khiến Triều Tiên "trở mặt". Ảnh: Reuters/KCNA .

Ông Trump đồng thời trấn an ông Kim rằng Mỹ sẽ không tìm cách lật đổ Bình Nhưỡng trong quá trình phi hạt nhân hóa, mặt khác dọa rằng nếu không có thỏa thuận nào đạt được giữa các bên, Triều Tiên có thể sẽ hứng chịu số phận tương tự Libya, nơi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi đã chịu một kết cục thê thảm, bị lật đổ và sát hại, sau khi đã chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân non trẻ của nước này.

Trong khi cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, một người thân cận với tổng thống gần đây, có vẻ không tin tưởng gì việc cuộc gặp ở Singapore sẽ diễn ra suôn sẻ, các đồng sự của Trump nhấn mạnh rằng tổng thống cam kết với cuộc gặp lãnh đạo Triều Tiên. Kế hoạch vẫn được xúc tiến dù họ lo ngại không đủ thời gian để hoàn thành chương trình nghị sự và thống nhất những điểm quan trọng.

Quan chức Mỹ nói rằng Bình Nhưỡng có vẻ muốn tìm kiếm nhượng bộ từ Mỹ trước cuộc gặp, họ tìm cách để đổ lỗi cho Trump nếu chẳng may cuộc gặp không diễn ra tốt đẹp.

"Người ta cần thực tế hơn sau cơn say về hội nghị hòa bình" giữa ông Moon và ông Kim, quan chức giấu tên cho biết.

Quan chức này nói rằng Triều Tiên đã vi phạm một vài điểm trong "tuyên bố Bàn Môn Điếm" với Hàn Quốc hồi tháng 4 và "họ không có vẻ gì là muốn phi hạt nhân hóa cả".

Nhiều chuyên gia về quan hệ quốc tế lẫn an ninh hạt nhân có cùng quan điểm trên. Họ không tin rằng Triều Tiên thật sự chịu từ bỏ chương trình hạt nhân, thay vào đó ông Kim muốn xác lập vị thế bản thân như một lãnh đạo quyền lực của một quốc gia sở hữu hạt nhân.

"Thái độ của miền Bắc có một khoảng cách xa so với những gì ông Moon mô tả", quan chức Mỹ nói. "Có vẻ khá khác biệt. Nó giống như bổn cũ soạn lại hơn".

Triều Tiên từng không ít lần vi phạm các thỏa thuận trước đây và rút khỏi đàm phán. Trong khi đó, Tổng thống Moon, người lên nắm quyền năm 2017 ở Hàn Quốc, đã tích cực đóng vai trò "trung gian" để kết nối Mỹ và Triều Tiên, 2 nước đã trải qua một năm đầy những cuộc đấu khẩu và đe dọa nhau cho đến khi bắt đầu hòa giải hồi đầu năm nay.

Trung Quoc giat day hoi nghi Trump Kim Jong Un anh 5
Không khí nồng ấm trên bán đảo Triều Tiên bất ngờ căng thẳng lại khi Triều Tiên hủy cuộc gặp với Hàn Quốc và dọa rút khỏi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Ảnh: AFP.

Trong lúc cuộc gặp Kim - Trump đang đến gần nhưng có thể bị hủy bỏ bất cứ lúc nào, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vừa có chuyến đi đến Washington D.C.. Sau chuyến thăm của ông Lưu, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 20/5 bất ngờ thông báo các cuộc đàm phán với Trung Quốc có kết quả tốt, nên nguy cơ chiến tranh thương mại được giải toả. Chỉ trong 10 ngày, người ta chứng kiến ZTE, đang trên bờ sụp đổ, có thể được cứu sống và cả cuộc chiến tranh thương mại luôn rình rập nổ ra được xoa dịu bớt.

Còn tại khu nghỉ dưỡng Hồ Lido, nơi sẽ mọc lên khu nghỉ dưỡng mang tên Trump và cả công viên giải trí do công ty Trung Quốc xây dựng, động thái duy nhất có thể thấy được là việc ủi đất.

90s: Mỹ lưỡng đầu thọ địch với hai cường quốc phương Đông Trong vài tuần qua, Mỹ cùng lúc lâm vào thế đối đầu với hai cường quốc phương Đông sau khi trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga và trừng phạt thương mại chống Trung Quốc.

Bộ trưởng Mỹ: Chiến tranh thương mại với Trung Quốc ‘tạm hoãn’

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin ngày 20/5 thông báo cho biết các cuộc đàm phán với Trung Quốc có kết quả tốt, nên nguy cơ chiến tranh thương mại được giải toả.

Trung Quốc 'giật dây' hội nghị Trump - Kim Jong Un?

Một nhà ngoại giao Trung Quốc giấu tên từng khẳng định: “Ông Tập Cận Bình mới chính là ‘thủ lĩnh’ ở hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, dù ông không đích thân xuất hiện”.

Phương Thảo

Theo New York Times, Washington Post

Bạn có thể quan tâm