Phát biểu tại quốc hội một ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên bố không chắc chắn về hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên dự kiến tổ chức ngày 12/6 ở Singapore, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo "rất hy vọng" mọi thứ sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.
"Tôi có thể cho các vị biết Tổng thống Trump đã chỉ thị tôi làm gì trong việc đối phó với Triều Tiên", Guardian dẫn lời Pompeo nói trước Ủy ban đối ngoại Hạ viện. "Chúng tôi sẽ không giao dịch thương mại. Chúng tôi sẽ không cung cấp cứu trợ kinh tế cho đến khi một hành động chắc chắn - không phải lời nói, không phải cam kết - được thực hiện bởi chính quyền Bình Nhưỡng".
Ngoại trưởng Mỹ đã hai lần tiếp xúc với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Ngoại trưởng Pompeo cũng khẳng định ông thể hiện rất rõ ràng quan điểm của Mỹ trong hai cuộc gặp gần đây với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
"Yêu cầu của chúng tôi đã rõ ràng. Khi nói chuyện với ông ấy, tôi không thể rõ ràng hơn về mọi yếu tố cần thiết để Mỹ hiểu rằng phi hạt nhân hóa thực sự được thực hiện", ông Pompeo nói.
Pompeo cũng đề cập những yêu cầu từ phía ông Kim Jong Un.
"Ông ấy nói rõ rằng điều quan trọng là khi đạt được những mục tiêu đó, ông ấy sẽ nhận được sự giúp đỡ kinh tế dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, tri thức, đóng góp, viện trợ nước ngoài... và ông ấy muốn được thế giới bảo đảm an ninh, kết thúc tình trạng hiện có với Hàn Quốc với mục tiêu cuối cùng là một hiệp ước hòa bình. Đó là những mục tiêu chúng tôi đã thảo luận", ngoại trưởng Mỹ cho biết.
Bình Nhưỡng đã cho phép phóng viên Hàn Quốc đến chứng kiến quá trình hủy bãi thử Punggye-ri ở vùng núi phía đông bắc Triều Tiên và là nơi diễn ra cả 6 vụ thử hạt nhân của nước này. Đồ họa: 38 North. |
Hôm 23/5, ông Trump đã tỏ vẻ dịu giọng hơn về yêu cầu Bình Nhưỡng đơn phương giải trừ vũ khí hạt nhân trước khi nhận bất kỳ bước đối ứng nào từ Mỹ. Tuần trước, một quan chức cấp cao của Triều Tiên nói rằng Bình Nhưỡng không thể chấp nhận được quan điểm này, làm tăng sự nghi ngờ về khả năng diễn ra hội nghị thượng đỉnh.
Sự không thống nhất trong thái độ đàm phán của chính quyền Trump đã làm dấy lên nỗi lo lắng từ các đồng minh trong khu vực, họ lo ngại tổng thống Mỹ có thể "nhường nhịn" quá nhiều trong sự háo hức nếu cuộc họp thành công, hoặc sẽ nhờ đến biện pháp quân sự nếu các cuộc thảo luận thất bại.