Book Hotel Jimbocho, một mô hình hiệu sách mới tại Nhật Bản, được phát triển để thu hút độc giả. Ảnh: Yomiuri Shimbun. |
Theo tin từ tờ Yomiuri Shimbun, người dân nước này cho rằng mùa thu hàng năm là thời điểm thích hợp nhất để đọc sách. Đây là khoảng thời gian nước Nhật thường diễn ra nhiều hoạt động quảng bá ngành sách.
Tháng quảng bá đọc sách mùa thu năm nay, dự kiến diễn ra từ ngày 27/10 đến ngày 23/11, sẽ được tổ chức cùng các hoạt động thường niên với mục tiêu là thúc đẩy trẻ em tiếp tục đọc sách sau khi hết kỳ nghỉ hè.
Đánh giá về định hướng này, tờ Yomiuri Shimbun đã dẫn chia sẻ của một giáo viên trung học 43 tuổi ở Tokyo nói: “Giáo dục tiếng Nhật trong các trường trung học ngày nay tập trung vào việc để học sinh tự tổ chức và trình bày ý kiến của mình. Do vậy, việc phát triển khả năng đọc của các em thường có xu hướng bị bỏ qua”. Ông cũng tin rằng khả năng viết và nói được phát triển dựa trên khả năng đọc nên ông thường khuyến khích học sinh của mình đọc tiểu thuyết và các bài luận trong kỳ nghỉ hè của họ.
Tháng sách mùa thu Nhật Bản hướng tới quảng bá sách và văn hóa đọc. Ảnh minh họa: Istock. |
Tháng sách mùa thu Nhật Bản năm nay có sự tham gia rộng rãi của các nhà xuất bản, nhà sách, đơn vị phân phối sách và những “đại sứ sách” - người nổi tiếng và thích đọc sách. Để tăng tính trải nghiệm cho người tham gia, các nhà văn tham dự Tháng sách có thể thử làm quản lý hiệu sách trong một ngày trong khi công chúng có thể tham dự các cuộc thi thiết kế bìa sách và nhiều sự kiện khác do các hiệu sách tư nhân tổ chức.
Sự kiện này cũng được tổ chức trong bối cảnh ngành xuất bản Nhật Bản đang sụt giảm doanh thu và số lượng các hiệu sách độc lập cũng đang giảm đi.
Theo Viện Nghiên cứu về Xuất bản Nhật Bản, tổng doanh thu các ấn phẩm giấy và điện tử nước này vào năm 2021 đạt khoảng 1,7 nghìn tỷ yên. Con số này chưa bằng 2/3 doanh số bán ấn phẩm giấy trong năm cao điểm 1996.
Doanh số bán ấn phẩm giấy trong nửa đầu năm 2022, được công bố vào ngày 25/7, cũng chỉ đạt tổng cộng 596,1 tỷ yên, giảm 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này phần lớn là do Nhật Bản không có thêm bộ truyện tranh nổi tiếng nào như Demon Slayer: Kimetsu no Yaiba - tác phẩm đã bán rất chạy trong vài năm qua.
Đồng thời các hiệu sách độc lập tại Nhật cũng đang bị Amazon và các cửa hàng trực tuyến khác đe dọa khi doanh thu bán ấn phẩm điện tử đạt 237,3 tỷ yên, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Meishodo, chuỗi hiệu sách tư nhân khởi đầu từ khu vực Ueno của Tokyo năm 1912 và sau đó đã có nhiều cửa hiệu hơn ở Tokyo, đã phải đóng cửa chi nhánh cuối cùng vào tháng 5 vừa qua.
Giám đốc điều hành cấp cao của Mieshodo cho biết: “Không gian phát triển ngành sách đã trở nên rất khắc nghiệt và đại dịch cũng mang tới thêm nhiều khó khăn”.