Dịch giả Phan Đăng (giữa) và đại diện đơn vị xuất bản, phát hành nhận giải A. Ảnh: Việt Linh. |
Tối 3/10, tại Nhà hát Đài tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội), Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm đã trao một giải A, 9 giải B, 16 giải C cho các tác phẩm, công trình giá trị.
Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm (do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện) thu hút sự tham gia của 48 nhà xuất bản trên cả nước với 386 cuốn sách, 298 tên sách. Giải thưởng được trao cho 5 mảng sách: Chính trị, kinh tế; Khoa học xã hội và Nhân văn; Khoa học tự nhiên và Công nghệ; Văn hóa, văn học và nghệ thuật; Thiếu nhi.
Nỗ lực được ghi nhận
Ngay sau lễ trao giải, đại diện các đơn vị xuất bản, công ty phát hành sách bày tỏ niềm vui mừng, vinh dự khi “những đứa con tinh thần” do mình làm “bà đỡ” đã được vinh danh tại giải thưởng.
Giải A năm nay gọi tên công trình Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của dịch giả Phan Đăng, biên soạn Lê Quang Định (Nhà xuất bản Thế giới liên kết Thái Hà Books xuất bản). Thái Hà Books cũng là đơn vị có giải C với cuốn Bác sĩ tốt nhất của nhà mình (tác giả - bác sĩ Trần Quốc Khánh).
Bà Nguyễn Hương - Phó tổng giám đốc điều hành Thái Hà Books - cho biết nhận được Giải thưởng Sách quốc gia là một trong những vinh dự lớn nhất của các đơn vị xuất bản và phát hành sách.
"Khi một cuốn sách nào đó được giải thưởng, tức là đã trải qua một quy trình đánh giá, chấm giải nghiêm ngặt bởi hội đồng chuyên môn. Điều này tạo sự vững tin hơn cho độc giả trong quá trình lựa chọn sách để đọc", bà Hương nói.
Là đơn vị có 2 tác phẩm đoạt giải năm nay, đại diện Thái Hà Books bày tỏ niềm hạnh phúc khi những nỗ lực, cố gắng của đơn vị mình cùng nhóm tác giả, dịch giả đã được ghi nhận; đồng thời thể hiện niềm biết ơn tới ban tổ chức cũng như các độc giả đã luôn tin tưởng và dành tình yêu cho sách.
“Hòa chung không khí náo nhiệt của đêm trao giải, tôi thấy được niềm hân hoan của tất cả đơn vị xuất bản, dịch giả, tác giả. Các tác phẩm đoạt giải đều được đánh giá công tâm qua nhiều vòng sơ khảo và chung khảo nên khi được vinh danh ở giải thưởng sẽ là niềm động viên rất lớn đối với người làm sách”, bà Hương chia sẻ.
Đại diện tác giả, đơn vị xuất bản lên nhận giải B. Ảnh: Việt Linh. |
Giải thu hút sự quan tâm của công chúng
Mùa giải năm nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật có cuốn Hồ Chí Minh - Những bài viết và những cuộc tranh đấu (tác giả Alain Ruscio) đoạt giải C.
Đều đặn tham dự giải thưởng hàng năm, bà Phạm Thị Thinh - Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - nói kết quả này càng có ý nghĩa và trở nên ấn tượng hơn vì giải thưởng đã tôn vinh một tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh của học giả người Pháp.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - chia sẻ không chỉ những tác giả, dịch giả, đơn vị xuất bản được trao giải đến tham dự; mà rất nhiều bạn đọc, thầy cô giáo, sinh viên đều rất quan tâm đến giải. Điều đó được thể hiện qua số lượng người đến tham dự giải trực tiếp và sự bàn tán sôi nổi về kết quả giải trên cộng đồng mạng xã hội.
“Tôi theo dõi trên mạng xã hội, cụ thể là ở các hội nhóm dành cho người yêu sách, và nhận thấy Giải thưởng Sách quốc gia được các 'mọt sách' quan tâm, hưởng ứng và đưa ra dự đoán trước đêm trao giải. Điều này cho thấy giải thưởng có sức hấp dẫn lớn đối với dư luận”, bà Phượng nói.
Năm nay, tác phẩm Cô bé nhìn mưa (tác giả Đặng Thị Hạnh) của Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam được vinh danh tại giải B. Bà Phượng cho hay hồi ký ít khi lọt vào chung khảo Giải thưởng Sách quốc gia, song điểm mấu chốt để trao giải nằm ở chất lượng nội dung, giá trị sách chứ không nằm ở thể loại bởi Giải thưởng Sách quốc gia dành cho tất cả thể loại sách được xuất bản ở Việt Nam.
“Cô bé nhìn mưa là một hồi ký nhưng tác giả đã chủ đích viết nó ở dạng hồi ức, vừa gắn với lịch sử đất nước trong thế kỷ XX, vừa lồng ghép rất nhiều cảm nhận cá nhân. Tác giả sử dụng nhiều thủ pháp văn học nên khi đọc, ta sẽ không quá kỳ vọng vào việc đi tìm sự kiện lịch sử theo đúng ngày, tháng, năm nhưng vẫn có thể hình dung ra những mảng lớn trong lịch sử của dân tộc, của gia đình có nhiều đóng góp như gia đình cố GS Đặng Thai Mai. Đây chính là con mắt xanh của hội đồng chấm giải khi bình xét cho cuốn sách này”, bà Phượng nói thêm.