Những cuốn sách được đề cử trao giải. Ảnh: Thành Đông. |
Lễ trao Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ năm (do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, Hội Xuất bản Việt Nam trực tiếp thực hiện) sẽ diễn ra vào tối 3/10 tại Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội).
Trước thềm lễ trao giải, trong các hội nhóm của người yêu sách trên mạng xã hội, nhiều bạn đọc bày tỏ sự hưởng ứng, quan tâm tới giải thưởng lớn nhất của ngành xuất bản bằng cách đưa ra những dự đoán về các cuốn sách sẽ giành giải cao.
Nếu một số độc giả cho rằng Cà Nóng chu du Trường Sa là tác phẩm ấn tượng vì mang tính thời sự, giáo dục nhẹ nhàng; thì một số khác nói giải thưởng chắc chắn sẽ gọi tên Nậm Ngặt mây trắng. Trong khi đó, 3 cuốn sách được nhiều “mọt sách” chú ý nhất là: Văn minh vật chất của người Việt, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí và Cô bé nhìn mưa.
Nhiều tác phẩm được gọi tên
Từ những hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng, mùa giải lần thứ năm này đang là sự kiện được quan tâm bởi những người yêu sách. Trước đó, hội đồng chung khảo đã tìm ra 26 tên sách, bộ sách xứng đáng để tôn vinh và tiết lộ rằng trong đó có một giải A, 9 giải B, 16 giải C.
Giải thưởng vinh danh 5 mảng sách: Chính trị - kinh tế, Khoa học tự nhiên và công nghệ, Khoa học xã hội và nhân văn, Văn hóa - văn học và nghệ thuật, Thiếu nhi. Trong mảng Văn hóa, văn học và nghệ thuật có Cô bé nhìn mưa, Nậm Ngặt mây trắng, Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam.
Trong mảng sách thiếu nhi có Cà Nóng chu du Trường Sa, Cá voi Eren đến Hòn Mun, bộ sách Thương vụ nước chanh, Phiên tòa khối bốn, Chiếc chuông mất tích, bộ sách Người sao chổi.
Cô bé nhìn mưa - thiên hồi ức về một gia đình đại trí thức. Ảnh: Thành Đông. |
Trên Hiên sách - một nhóm dành cho những người yêu dòng sách văn chương - độc giả có tài khoản mạng Binh Nguyen dự đoán Cà Nóng chu du Trường Sa sẽ đoạt giải cao vì cho rằng tương tự mùa giải trước, Chang hoang dã - một cuốn sách thiếu nhi - cũng đã được vinh danh tại giải A.
Đó cũng là một trong những dự đoán của anh Nam Đỗ - admin Hội văn học kinh điển. Anh lý giải trong cuốn này, tác giả xây dựng kiến thức về biển đảo, lịch sử thành câu chuyện thú vị cho trẻ em, góp phần bồi đắp ý thức, trách nhiệm của lớp trẻ với Tổ quốc.
“Cá voi Eren đến từ hòn Mun cũng là cuốn sách đáng chú ý với chủ đề phiêu lưu kèm thông điệp nhân văn. Văn học thiếu nhi trong nước còn ít và rất cần những tác phẩm như vậy. Mảng văn học thì mình chú ý đến Cô bé nhìn mưa - thiên hồi ức về tuổi thơ của tác giả, gia đình và những người thân gắn liền với thăng trầm của xã hội trong thế kỷ XX”, admin Nam Đỗ nói.
Đồng tình với ý kiến này, độc giả Trung Hieu Nguyen đánh giá Cô bé nhìn mưa là tác phẩm đẹp về bút pháp miêu tả, có cách mở đầu đầy thi vị với hình ảnh cô bé ngồi vắt vẻo trên chiếc đòn gánh từ trong nhà nhìn ra ngoài ngắm mưa rơi.
“Nếu tác phẩm này năm nay giành giải cao sẽ là thành công lớn, vừa đúng dịp Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam kỷ niệm 65 năm ngày thành lập, vừa khẳng định vị trí của dòng sách văn học”, Trung Hieu Nguyen lý giải thêm.
Chia sẻ với Zing, Ngô Minh - một bạn đọc trẻ yêu sách, thường xuyên có những bài review sách văn học trên mạng xã hội - cũng đặt niềm tin rằng Cô bé nhìn mưa sẽ giành giải cao.
“Cuốn sách giúp nhiều bạn trẻ tìm hiểu lịch sử theo một góc nhìn khác, có thể là cá nhân hơn, nhưng cũng sẽ mới mẻ hơn. Tác giả nhắc tới rất nhiều vĩ nhân thời đó, từ Bác Hồ cho đến các nhà văn như Tố Hữu, Chế Lan Viên với nhiều chi tiết thường không được sách, báo chính thống nhắc đến”, Ngô Minh chia sẻ.
Sách khoa học xã hội và nhân văn được chú ý
Mảng sách khoa học xã hội và nhân văn trong mùa giải lần thứ năm này gọi tên Hoàng Việt nhất thống dư địa chí; Tâm lý học xã hội trong cuộc sống hiện đại; Trống đồng Kính Hoa: Bảo vật quốc gia Việt Nam; Lịch sử Trung Quốc họa; Việt Nam 2020-2040 dưới góc nhìn dân số học và kinh tế học; Văn minh vật chất của người Việt và Huyền thoại về một vùng đất - Không gian văn hóa Tây Nguyên qua sử thi Ê-đê.
Sách Văn minh vật chất của người Việt. Ảnh: Thành Đông. |
Trong số những cuốn được đề cử trao giải năm nay, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - cho biết ông thấy ấn tượng với cuốn Văn minh vật chất của người Việt của Phan Cẩm Thượng vì độ nghiên cứu dày và kỹ lưỡng.
“Tác giả không phải người làm nghiên cứu hàn lâm, nhưng với tất cả tình yêu dành cho di sản văn hóa dân tộc, cùng tư duy đầy khoa học và cách tiếp cận có hệ thống với các chứng cứ, tư liệu lịch sử, ông đã cho ra đời một cuốn sách rất giá trị”, ông Thiều nhận xét.
Chia sẻ với Zing, độc giả Khán Thư - một người thích sưu tầm sách ở TP.HCM và cũng thường xuyên theo dõi Giải thưởng Sách quốc gia - cho hay trong số các cuốn được đề cử trao giải năm nay, anh đã đọc và dự đoán Văn minh vật chất của người Việt và Hoàng Việt nhất thống dư địa chí sẽ giành giải cao.
“Giải A năm nay có thể rơi vào mảng này vì so với mảng khác, các đầu sách khoa học xã hội và nhân văn có sự đồng đều, nổi bật hơn”, anh Khán Thư nói.
Bên cạnh đó, “mọt sách” Khán Thư nhận thấy mảng sách thiếu nhi khá ổn định về chất lượng, là một chỉ dấu rất tốt cho thấy sự phát triển của dòng sách này. Cà Nóng chu du Trường Sa là câu chuyện lồng ghép tình yêu chủ quyền biển đảo, quê hương đất nước, mang tính giáo dục nhẹ nhàng nhưng thấm thía rất sâu.
Theo Khán Thư, Văn minh vật chất của người Việt là cuốn sách có nội dung và hình thức ấn tượng. Bên cạnh nội dung mang tính lý thuyết, tác phẩm chứa nhiều tư liệu trực quan, hình ảnh thời xưa. Tác giả là họa sĩ nên cũng dễ dàng ký họa các vật dụng hàng ngày, làm cho tác phẩm vừa mang tính nghiên cứu, vừa có hình ảnh sinh động.
Chia sẻ về dự đoán tác phẩm sẽ giành giải A, anh Khán Thư cho rằng Hoàng Việt nhất thống dư địa chí có nhiều cơ hội. Anh lý giải đây là một tác phẩm của cá nhân (Lê Quang Định) nhưng lại rất đồ sộ về mặt dung lượng, được coi là bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn. Nội dung xoay quanh thủy trình, lịch sử, văn hóa… nhưng tác giả, bằng sự gia công, làm việc với nhiều tài liệu, cộng với thời gian bôn ba dựng nghiệp cùng chúa Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long, đã tạo nên một công trình mang tính chỉ dấu về mặt địa chí đầy giá trị cho đất nước vào đầu thế kỷ XIX.