Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tình yêu biển đảo qua tác phẩm đoạt Giải Sách quốc gia

Giải thưởng Sách quốc gia năm nay, có một số tác phẩm thiếu nhi viết về đề tài biển đảo dành được sự quan tâm của hội đồng xét giải cũng như độc giả.

Trong số 16 tác phẩm đoạt giải C tại Giải thưởng Sách quốc gia năm nay, khá trùng hợp khi có hai tác phẩm viết về biển đảo dành cho thiếu nhi, đó là Cá voi Eren đến hòn Mun của tác giả Lê Đức Dương và Cà Nóng chu du Trường Sa của tác giả Bùi Tiểu Quyên. Giải thưởng đem tới sự động viên, khích lệ rất lớn với những cây bút viết cho bạn thiếu khi họ dám dấn thân vào mảng đề tài nhiều thử thách.

Món quà tinh thần cho người cầm bút

Cá voi Eren đến hòn Mun là một tác phẩm đồng thoại thú vị của Lê Đức Dương, một nhà văn đến từ Khánh Hòa. Cuốn sách tái hiện lại chuyến phiêu lưu đầy kịch tính của chú cá voi Eren từ vùng biển Nam Cực xa xôi đến hòn Mun. Trải qua nhiều thử thách, chú cá voi nhỏ đã trưởng thành trong tình yêu thương của những người bạn tốt ở vùng biển lạ.

Tác phẩm này được nhà văn Lê Đức Dương hoàn thành trong thời gian khá ngắn, chỉ khoảng một tháng. Sinh ra và lớn lên ở Khánh Hòa, cả cuộc đời tác giả đã gắn liền với mảnh đất quê hương. Anh cũng đã có cơ hội tới nhiều khu bảo tồn biển, để quan sát các loài động vật biển. Thế nên, anh viết về biển và thế giới động vật dưới lòng đại dương tự nhiên.

Giai thuong Sach quoc gia anh 1

Nhà văn Lê Đức Dương (thứ 2 từ trái sang) nhận giải C tại Giải thưởng Sách quốc gia 2022. Ảnh: K.Đ.

Trong suốt thời gian công tác tại báo Thiếu niên Tiền phong, nhà văn Lê Đức Dương đã thu thập tư liệu về biển và động vật biển viết bài. Kiến thức về các loài cá và các sinh vật biển xuất hiện trong tác phẩm đều được tác giả thu thập tỉ mỉ, có hệ thống trong suốt nhiều năm làm báo. Ngòi bút hóm hỉnh, gần gũi của anh cũng được rèn luyện sau thời gian dài viết báo cho thiếu niên.

Tác giả Lê Đức Dương nhận định biển cả là một thế giới rộng lớn, thú vị không kém gì đất liền, thế nhưng trong văn học thiếu nhi ở nước ta, ít tác phẩm viết về biển. "Là một người con của vùng biển Khánh Hòa, tôi muốn đem những hiểu biết của mình viết nên một câu chuyện thú vị cho các bạn nhỏ, để từ đó các em thêm yêu biển và muốn khám phá về đại dương rộng lớn nhiều hơn", nhà văn Lê Đức Dương nói.

Là một người cầm bút, Lê Đức Dương cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi tác phẩm của mình đoạt giải C tại Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Theo anh, đây là món quà tinh thần rất lớn đối với người cầm bút, nó sẽ khích lệ các nhà văn say mê sáng tạo.

Tình yêu thương được gửi gắm trong trang sách

Cà Nóng chu du Trường Sa là một tác phẩm viết về biển đảo khác của nhà văn, nhà báo Bùi Tiểu Quyên. Tác giả đã lên ý tưởng cho cuốn sách này sau một chuyến đi thực tế ở Trường Sa cùng nhiều đồng nghiệp. Thời gian lên ý tưởng cho tới khi hoàn thiện tác phẩm kéo dài 6 tháng.

Chuyến đi thực tế Trường Sa là hành trình đáng nhớ của nhà văn Bùi Tiểu Quyên. Chị muốn tái hiện những điều mình đã thấy, đã nghe, đã trải nghiệm ở Trường Sa, nhưng viết thế nào để những chi tiết ấy hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi mà không khô khan giống như một bài ký sự… đó là điều mà tác giả Bùi Tiểu Quyên luôn trăn trở.

Giai thuong Sach quoc gia anh 2

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên (thứ 2 từ trái sang) nhận giải C tại Giải thưởng Sách quốc gia 2022. Ảnh: K.Đ.

Cà Nóng chu du Trường Sa là một tác phẩm vừa hóm hỉnh, vừa chân thật về Trường Sa. Nhà văn đã để một chiếc máy ảnh kể lại hành trình của mình bằng giọng văn khá hồn nhiên và hài hước. Nhờ đó, câu chuyện vừa có sự sống động, hấp dẫn của một tác phẩm đồng thoại cho thiếu nhi, đồng thời nó cũng cung cấp cho các em nhiều kiến thức thú vị về Trường Sa, giống một cuốn nhật ký hành trình thú vị.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ: "Giây phút đặt chân xuống đảo, tôi đã rất xúc động, tôi đứng đó hồi lâu, lặng ngắm những cây phong ba, loài cây tượng trưng cho sự kiên cường của quân và dân trên đảo. Nếu độc giả có dịp đặt chân tới Trường Sa, các bạn sẽ thấy, có những thứ nếu gặp ở đất liền sẽ thấy rất bình thường, nhưng khi đặt chân lên đảo, chúng đều trở nên thân thương, khiến người ta xúc động".

Đó là những ngọn mồng tơi vẫn cố gắng vươn lên xanh tốt, mặc gió biển, cùng thời tiết khắc nghiệt. Còn có những luống rau cải xanh tươi mơn mởn, được chăm bón cẩn thận như cây cảnh. Đứng nghe một tiếng chuông chùa bình yên ở nơi đây cũng khiến người ta bồi hồi. Cuộc sống trên đảo còn nhiều khó khăn, nhưng người dân và các chiến sĩ nơi đây vẫn luôn giữ tinh thần lạc quan.

Qua tác phẩm này, nhà văn Bùi Tiểu Quyên không chỉ gửi gắm đến bạn nhỏ tình yêu biển đảo, cô muốn độc giả nhí hãy học cách yêu thương, trân trọng những điều đáng quý quanh mình. Bởi có những nơi, dù cuộc sống khắc nghiệt thế nào, con người ta vẫn không ngừng vươn lên.

Khi biết tác phẩm của mình đoạt giải C tại Giải thưởng Sách quốc gia, tác giả Bùi Tiểu Quyên cảm thấy rất xúc động. Cô cảm ơn tình cảm của độc giả và giới chuyên môn đã dành cho cuốn sách.

Sự khích lệ lớn cho người làm sách

Các tác giả, dịch giả và đại diện công ty sách bày tỏ niềm vui, sự xúc động khi được vinh danh tại lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm, tối 3/10.

Những khoảnh khắc ấn tượng tại lễ trao giải Sách quốc gia

Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng tác giả, người làm sách và bạn đọc.

Co giao 'cham sach' hinh anh

Cô giáo 'chạm sách'

0

“Chạm sách” là hoạt động khuyến khích học sinh trường THPT Hòa Ninh (Long Hồ, Vĩnh Long) đọc sách, yêu quý sách do thạc sĩ Văn học nước ngoài Trần Huỳnh Nhị chủ trương.

Thụy Oanh

Bạn có thể quan tâm