Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Lâu nay, thư viện tại trường học được trang bị sách dồi dào nguồn cung nhưng phần lớn đều gặp khó khăn trong việc thiết lập danh mục sách phân chia theo chủ đề môn học, cấp lớp để phục vụ nhu cầu giảng dạy, học tập của thầy cô và học sinh. Hội Xuất bản Việt Nam, Văn phòng đại diện phía Nam đã thực hiện khảo sát để xác nhận thực trạng.
Từ đó, nhiều đơn vị giáo dục đã đề xuất Hội Xuất bản Việt Nam cùng các đơn vị xuất bản thiết lập danh mục sách để thuận tiện sử dụng nguồn tài liệu hỗ trợ dạy và học trong nhà trường.
Nhận thấy các giáo viên trong trường bận rộn, thiếu thời gian và lúng túng không biết nên lập danh mục dựa trên cơ sở nào, đầu năm 2020, Hội Xuất bản Việt Nam đã triển khai dự án thiết lập Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học trong nhà trường - gọi tắt là Danh mục sách.
Trao đổi với Zing, ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết Hội đã chủ động gửi khung chương trình giảng dạy tới các nhà xuất bản, yêu cầu các nhà xuất bản lập giúp danh mục sách phù hợp dựa trên khung chương trình ấy.
Danh mục sách được chọn ra đều là những cuốn sách về tri thức, khám phá khoa học, ngôn ngữ, văn học, truyện về đạo đức, nhân cách, lối sống, về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, về lịch sử địa phương... là những câu chuyện vui tươi, nhẹ nhàng, hấp dẫn liên quan đến từng bài học, từng môn học với những tranh ảnh, hình vẽ phong phú, kiến thức gợi mở, phù hợp với học sinh theo lứa tuổi của từng lớp.
"Sau khi nhận danh sách từ các nhà xuất bản xong, tôi gửi cho 51 thầy cô giáo, nhờ họ đọc và viết nhận xét từng cuốn một để đưa ra danh mục", ông Lê Hoàng chia sẻ.
Ông cho biết danh mục này sẽ giúp người làm giáo dục tổ chức tốt thư viện, đáp ứng nhu cầu của bộ giáo dục, hỗ trợ việc dạy và học, đồng thời, giúp các em nhỏ hình thành thói quen đọc từ sớm, phát triển được văn hóa đọc.
Ông Lê Hoàng cho rằng danh mục sách này sẽ giúp các em nhỏ hình thành thói quen đọc từ sớm, phát triển được văn hóa đọc. Ảnh: Điệp Chelsea. |
TS Nguyễn Thị Ngọc Minh - Giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, người sáng lập viên Dự án phát triển văn hóa đọc “Sách ơi mở ra” - nhận xét: “Tôi đã đọc kĩ từng cuốn sách được tuyển lựa cho danh mục, và cảm tưởng chung là khâm phục tâm huyết, sự tỉ mỉ và cẩn trọng của những người đã góp sức làm ra danh mục này... Việc bám sát vào chương trình phổ thông mới, sắp xếp sách theo từng chủ đề, lớp học như thế này sẽ rất hữu ích cho giáo viên, phụ huynh và học sinh".
Ông Huỳnh Thế Nhã, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Chính Nghĩa, quận 5, TP.HCM cho biết ông cũng muốn phát triển thư viện, nhưng vì ngân sách đầu tư có hạn, sách lại đa dạng nên quá trình chọn lọc khá vất vả. "Dù cố gắng nhưng không sao tránh khỏi việc 'đầy nhưng chưa đủ'. Nhà trường trang bị thật nhiều và làm đầy các kệ sách nhưng tìm được đúng các tựa sách phù hợp với chương trình giáo dục thì lại chưa đủ, thực sự khó khăn lắm", ông chia sẻ.
Ông bày tỏ lòng tâm đắc và nhận thấy Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học chính là một giải pháp đúng thời điểm và cần thiết đối với thư viện trường Tiểu học hiện nay. "Với Danh mục sách này tôi sẽ giải quyết được cả 2 bài toán về đầu tư kinh phí mua sách và thay đổi không gian hoạt động mới cho thư viện", ông Huỳnh Thế Nhã cho biết.
Ông Vũ Thái Phước Trí, Cán bộ thư viện, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, quận 3, TP.HCM - nghĩ rằng sự ra đời của Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học sẽ giúp cán bộ thư viện có thêm cơ sở để tham mưu với ban giám hiệu xây dựng kế hoạch bổ sung sách hàng năm.
Ông nhận xét: "Các tài liệu trong danh mục được sắp xếp theo từng chủ đề cụ thể của mỗi môn học, của từng khối lớp; đã được giáo viên các trường tiểu học thẩm định và chọn lọc. Chính vì vậy, tôi tin là danh mục này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho thư viện nhà trường cũng như đội ngũ giáo viên, phụ huynh, học sinh".