Tối 18/3, kết quả sơ bộ ban đầu cho thấy Tổng thống Putin đã giành được số phiếu áp đảo là 76% số phiếu.
Phát biểu trước người ủng hộ, ông Putin kêu gọi một nước Nga đoàn kết để tạo ra "đột phá" trong nhiệm kỳ tới. Ông tuyên bố rằng "thành công đang chờ đợi chúng ta".
“Kết quả này phản ánh niềm tin và hy vọng của nhân dân. Việc duy trì sự đoàn kết này là điều rất quan trọng. Chúng ta hãy cùng nghĩ về tương lai của tổ quốc vĩ đại”, Tổng thống Putin phát biểu trước rừng người ủng hộ khi họ hô vang “Nước Nga”.
Hơn 30.000 người đã tập trung ở gần Điện Kremlin trong thời tiết -10 độ C để cùng ăn mừng chiến thắng của ông Putin. Theo Reuters, Uỷ ban Bầu cử thừa nhận một số rắc rối đã phát sinh, nhưng bác bỏ các cáo buộc gian lận trong bầu cử và khẳng định kết quả các phiếu bầu là hợp pháp và có giá trị.
Cuộc bầu cử cởi mở và minh bạch
Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko cũng hoan nghênh chiến thắng của ông Putin. “Những cuộc bầu cử của chúng ta tiếp tục chứng tỏ họ (phương Tây) không thể thao túng nhân dân chúng ta. Người dân đã cùng đoàn kết đêm nay. Không nước nào trên thế giới có thể tổ chức những cuộc bầu cử cởi mở và minh bạch như chúng ta”, bà Matviyenko nói.
Ông Putin phát biểu trước người dân vào tối 18/3. Ảnh: Reuters. |
Một chiến thắng áp đảo cho ông Putin là điều được dự đoán trước. Báo chí phương Tây cho rằng nỗi lo duy nhất của Điện Kremlin là người ủng hộ ông Putin ít đi bầu vì tin chắc ông sẽ thắng.
Bà Valentina Ivanova, 76 tuổi, nói với CNN lý do bà đi bầu cử: "Đó là một ngày hội... một ngày hội quan trọng đối với tôi và đất nước".
"Đất nước tôi đang trở nên mạnh mẽ hơn, nó đã luôn mạnh mẽ, và chúng tôi ủng hộ con đường mà đất nước đang đi trên. Nhưng điều quan trọng nhất là hòa bình. Chúng tôi là một dân tộc yêu hòa bình. Chúng tôi muốn các cháu của mình có cuộc sống hòa bình và chất lượng sống tốt. Gia đình chúng tôi là những người mang đầu óc quốc tế", bà nói.
Yugene Yarmakov, 23 tuổi và lần đầu tiên đi bầu, nói rằng có quá nhiều "ứng viên trò đùa" và anh ta không tin "mình gây được ảnh hưởng gì" lên kết quả bỏ phiếu.
Người Nga đi bỏ phiếu ở Moscow hôm 18/3. Ảnh: AFP. |
Ủng hộ tăng cao giữa căng thẳng với phương Tây
Trong khi đó, lãnh đạo phe đối lập Alexei Navalny đã kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử này. Trước đó, ủy ban bầu cử đã tuyên bố ông Navalny không được phép tranh cử tổng thống do ông đang thi hành một án tù treo.
Một loạt các cuộc biểu tình phản đối chính phủ trong năm vừa qua cho thấy sự bất bình của người dân trước các nghi án tham nhũng. Dù vậy, tỷ lệ ủng hộ ông Putin trong người dân vẫn ở mức rất cao. Người Nga vẫn xem Putin là người đã vực dậy đất nước sau những năm hỗn loạn thời hậu Liên Xô.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ trong người Nga đối với Tổng thống Putin tăng lên trong những thời điểm Moscow căng thẳng với phương Tây.
Dù vấp phải sự phản đối của phương Tây, tỷ lệ ủng hộ ông Putin trong nước luôn ở mức cao. Ảnh: Reuters. |
Quan hệ Nga - Anh đang ngày càng xấu đi sau vụ một cựu điệp viên lưu vong của Nga bị đầu độc tại Anh. Thủ tướng Theresay May của Anh nói rằng "có khả năng cao" Điện Kremlin đứng sau vụ tấn công và đã trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga. Moscow lập tức trả đũa bằng việc trục xuất đúng 23 nhà ngoại giao Anh.
Trong bài phát biểu vào đêm chiến thắng, ông Putin cũng nói rằng việc chính phủ Anh nghĩ rằng Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên là điều "vớ vẩn". Theo ông Putin, nếu Moscow thật sự sử dụng chất độc thần kinh như cáo buộc của London, số nạn nhân đã nhiều hơn.
Quan hệ với Mỹ cũng không tốt đẹp gì khi Nga vừa tuyên bố sẽ trả đũa những biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ vừa áp đặt tuần này sau các cáo buộc tấn công mạng và can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Nga bác bỏ tất cả các cáo buộc trên.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra đúng dịp kỷ niệm 4 năm ngày bán đảo Crimea của Ukraine sáp nhập vào Nga. Nhiều nước phương Tây đến nay vẫn không công nhận vụ sáp nhập này.
RIA-Novosti đưa tin cử tri ở Sevastopol, Crimea được tặng một huân chương có khắc chữ "Mãi mãi ở cùng nước Nga".
Tổng thống Putin sẽ lần thứ 4 tuyên thệ nhậm chức tổng thống Nga. Ảnh: AFP. |
Ông Putin lần đầu tiên nắm quyền tổng thống Nga vào ngày 31/12/1999, sau khi tổng thống đầu tiên của Nga, ông Boris Yeltsin bất ngờ tuyên bố thoái vị và trao quyền lại cho thủ tướng Vladimir Putin, khi đó vẫn là cái tên ít người biết đến. Ba tháng sau, ông đắc cử tổng thống lần đầu tiên.
Ông nắm quyền trong 2 nhiệm kỳ, đến năm 2008, và không thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp do Hiến pháp Nga không cho phép. Cuộc bầu cử năm 2008 chứng kiến ông Dmitry Medvedev đắc cử và bổ nhiệm ông Putin làm thủ tướng. Ông Putin trở lại Điện Kremlin vào tháng 3/2012 và bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 (nhiệm kỳ tổng thống Nga lúc này đã được kéo dài thành 6 năm).
Putin sinh ngày 7/10/1952 tại Leningrad, nay là thành phố St. Petersburg. Ông từng là điệp viên của Cơ quan an ninh Liên Xô (KGB) và có 4 năm sống tại Dresden, Đông Đức. Tại đó, Putin đã chứng kiến sự sụp đổ của Bức tường Berlin.
Khi được hỏi về sự kiện đã để lại ảnh hưởng lớn nhất trong đời mình, Putin nói rằng đó là việc Liên Xô sụp đổ vào năm 1991. Ông gọi sự kiện này là "thảm kịch địa chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ 20".