Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thân phận một nhà văn tài năng, sống lưu vong, và tự tử

Lưu vong 41 năm nhưng không ngừng nghĩ về quê hương, cho tới khi được mời về nước, thì ông lại từ chối, để cuối đời sống trong cô độc, dẫn tới tự tử.

Nhân dịp ra mắt Những ngọn nến cháy tàn qua bản dịch của Giáp Văn Chung, một buổi tọa đàm có tên “Márai Sándor - Thân phận văn chương nhiều thử thách” diễn ra cuối tháng 9 tại Hà Nội. Nhà văn Hungary János Lackfi, PGS.TS Trương Đăng Dung, dịch giả cuốn sách Giáp Văn Chung và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cùng bàn về sự nghiệp và cuộc đời nhà văn Márai Sándor và tác phẩm vừa ra mắt.

Mọi tượng đài đều chung số phận

Dịch giả Giáp Văn Chung - người đã chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học Hungary - giới thiệu về cuộc đời Márai Sándor, một nhà văn lớn của nhân loại. Trong cuộc đời dài gần một thế kỷ ông đã sáng tác gần 100 tác phẩm.

Tới nay, thỉnh thoảng người ta lại tìm ra đâu đó một bản thảo của ông chưa công bố. Ông thường viết tiểu thuyết, những tác phẩm có sức nặng. Do tình hình chính trị, sau năm 1947, Márai Sándor chấp nhận kiếp sống tha hương ở Thụy Sĩ, Italy, Pháp, cuối cùng định cư ở Mỹ.

Cuoc doi bi tham cua Marai Sandor anh 1
Nhà văn Márai Sándor. Ảnh: rozsnyovidek.

Vì những mâu thuẫn chính trị, Márai bị cấm xuất bản ở Hungary, nhưng khi được in trở lại, tới lượt ông cấm xuất bản sách của mình tại quê hương. Ông sống 41 năm biệt xứ nhưng vẫn không ngừng hồi cố về quê hương, viết rất nhiều tản văn, thơ và tiểu thuyết (một trăm đầu sách gồm đủ các thể loại).

Khi 88 tuổi, vợ và con nuôi mất, để lại ông một mình sống trong tuổi già, bệnh tật và cô đơn. Trong lá thư cuối cùng gửi vợ chồng một người bạn, ông viết: “...thật đáng hổ thẹn, nhưng tôi không thể tiếp tục được. Sức lực tôi đã tàn kiệt, cứ thế này không mấy nữa, chắc tôi sẽ phải trông cậy vào sự chăm sóc của bệnh viện, mà tôi luôn cố tránh điều đó. Cám ơn tình bạn của hai người. Hãy săn sóc nhau chu đáo nhé...”.

Chiều ngày 21/2/1989, tại San Diego, Mỹ ông đã dùng súng tự sát, thọ 89 tuổi. Tro cốt ông được rắc xuống Thái Bình Dương. Márai, giống nhiều nhà văn Hungary thời bấy giờ, đã tìm đến cái chết bi thảm, nhưng những trang văn giàu minh triết ông để lại cho hậu thế vẫn được lần giở, ngẫm ngợi và tụng ca.

Nhà văn Hungary János Lackfi cho biết, vào cuối đời Márai Sándor đã được Hungary mời về nước. “Lẽ ra sự lưu vong của ông có thể kết thúc, nhưng trong một hồi ký của ông, ông đã viết cay đắng, rằng ông không muốn quay lại Hungary để trở thành một tượng đài, kỷ niệm, bởi tất cả tượng đài đều có số phận chung: bị chim bồ câu ị lên đầu, hoặc bị chó đái vào chân tượng”, János Lackfi kể. Điều đó cho thấy ông muốn trở thành đại biểu một cách ứng xử, chứ không phải một tượng đài của quá vãng.

Những ngọn nến cháy tàn - món quà muộn cho văn chương thế kỷ XX

Hiện nay, tác phẩm của Márai đã được dịch khá nhiều ở Việt Nam: Bốn mùa trời và đất, Lời cỏ cây, Lời bộc bạch của một thị dân… Qua 7, 8 tác phẩm đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, độc giả đã nhận diện gương mặt, tiểu thuyết gia lớn của châu Âu.

Cuoc doi bi tham cua Marai Sandor anh 2
Những ngọn nến cháy tàn do Giáp Văn Chung dịch, NXB Văn học và Trung tâm Đông Tây phát hành.

Những ngọn nến cháy tàn do Giáp Văn Chung ra mắt cuối tháng 9 này là một trong những tác phẩm đã trở nên kinh điển của Márai Sándor. Tiểu thuyết xuất bản lần đầu tại Hungary năm 1942. Sau này, tác phẩm được tài bản nhiều và dịch ra nhiều ngôn ngữ, được chuyển thể thành kịch bản sân khấu, dựng thành phim. Những ngọn nến cháy tàn là một trong những tác phẩm được đọc nhiều nhất tại Hungary.

Truyện kể về hai người bạn già. Họ vốn là những người bạn học chung trong học viện quân sự thời trẻ, coi nhau như anh em. Gặp lại nhau sau 40 năm xa cách, trong một đêm, với ba ánh nến, họ đã ôn lại kỷ niệm trai trẻ.

Trong quá khứ, một người trước khi ra đi đã phản bội người kia, suýt giết chết bạn, quyến rũ vợ bạn, làm tan nát cuộc đời bạn… Trong đêm cuối gặp gỡ, hai người đàn ông ngoài tuổi 70 đã trò chuyện, nói với nhau tất cả để tìm sự thật, là cách rũ bỏ ân oán.

Những ngọn nến cháy tàn đưa ra nghịch lí và mâu thuẫn của tình bạn và tình yêu, mối quan hệ của ba người phản ánh nhiều trớ trêu của đời sống. Đâu là sự thật, tình bạn thuần khiết trong quá khứ hay tình bạn đã nhiều đứt gãy trong hiện tại? Điều gì sẽ còn lại và làm nên ý nghĩa?

Tiểu thuyết của Márai là cuộc truy dấu quá khứ qua lăng kính của hiện tại, kiếm tìm một lối thoát của những số phận con người dù những gì còn lại chỉ là những tro tàn, những xác nến đã nguội của tình bạn và tình yêu…

PGS TS Trương Đăng Dung cho rằng, qua Những ngọn nến cháy tàn, một cuốn sách dày khoảng 200 trang, nhưng cho thấy nghệ thuật tiểu thuyết tài hoa của Márai Sándor. Đó là nghệ thuật điêu khắc ngôn từ. Một vài dòng ngôn ngữ mà khắc họa nên tâm trạng.

Cuoc doi bi tham cua Marai Sandor anh 3
Hai nhân vật chính Konrad và Henrik của Những ngọn nến cháy tàn trong một tác phẩm chuyển thể sân khấu.

Những ngọn nến cháy tàn đáng để chúng ta suy ngẫm về thân phận con người. Quá trình chúng ta sống, chúng ta chờ chết như thế nào, quá trình chúng ta trải nghiệm cuộc sống này, điều gì là giá trị đích thực…?”, PGS Trương Đăng Dung nói.

Những ngọn nến cháy tàn có một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp của Márai Sándor. Gần 10 năm sau khi qua đời, Márai Sándor được phát hiện lại với tiểu thuyết này. Ngay sau khi được in ở Italy, tác phẩm được bầu chọn là “Cuốn sách thành công nhất của năm (1998), sau đó xuất bản sang tiếng Đức, Anh và nhiều quốc gia khác.

Báo chí không tiếc lời ca ngợi tác phẩm này. Tờ Sunday Times đánh giá: "Với chiến thắng của cuốn tiểu thuyết này, nền văn học thế kỷ 20 mà chúng ta nghĩ đã hoàn toàn cáo chung và yên bề - đã nhận được một món quà muộn từ bậc thầy mới, mà từ nay chúng ta có thể xếp cùng hàng với Joseph Roth, Stefan Zweig, Robert Musil, và những bậc thánh xa xôi khác như Thomas Mann, Franz Kafka. Bậc thầy ấy là Márai Sándor”.

Scandal bản quyền dịch thuật 10 năm trước:

Tháng 3/2008, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây và NXB Lao Động xuất bản Những ngọn nến cháy tàn, bản dịch ghi tên Nguyễn Hồng Nhung.

Ngay sau đó, dịch giả Giáp Văn Chung lên tiếng, cho rằng ông mới là người dịch tác phẩm từ năm 2007, sau đó ông gửi cho dịch giả Nguyễn Hồng Nhung nhờ hiệu đính. "Cái gọi là bản dịch của Nguyễn Hồng Nhung (nếu có) chỉ là bản dịch sau, khi cô ấy đã có trong tay bản dịch của tôi". 

Dịch giả Nguyễn Hông Nhung cho rằng bản dịch đó thực sự của cô, không phải của Giáp Văn Chung, vì cô đã phải bỏ ra một tháng để dịch lại Những ngọn nến cháy tàn.




Tần Tần

Bạn có thể quan tâm