Guy De Maupassant bắt đầu hoạt động văn chương từ năm 1871 - 1880, bắt đầu bằng những bài thơ. Nhưng sau đó, khi bắt đầu tiếp xúc với Gustave Flaubert, ông dần chuyển sang khuynh hướng hiện thực và tiếp nhận những tư tưởng nghệ thuật của Flaubert.
Và khi ấy ông cũng bắt đầu viết truyện ngắn. Viên mỡ bò ra đời năm 1888, bắt đầu hành trình thành công đầu tiên trên con đường sự nghiệp văn chương của Guy De Maupassant.
Chỉ trong vòng mười năm hoạt động văn chương, ông đã viết đến ba trăm truyện ngắn, trong đó có nhiều truyện ngắn xuất sắc như: Người đã khuất, Món tư trang, Cái thùng con, Con quỷ, Đi ngựa, Người đàn bà làm nghề độn ghế... Và sáu tiểu thuyết: Une Vie (Một cuộc đời, 1883), Bel Ami (Ông bạn đẹp, 1885), Mon Oriol (Oriol của tôi, 1887), Pierre et Jean (1888), Fort comme la Mort (Mạnh như cái chết, 1889), Notre Coeur (Lòng ta, 1889).
Bìa sách Pierre và Jean được xuất bản ở Việt Nam. |
Pierre và Jean được xem là tác phẩm đã đạt tới sự giản dị mà ông đặt lý tưởng khi viết tiểu thuyết.
Tiểu thuyết Pierre và Jean có cốt truyện rất đơn giản, xoay quanh mâu thuẫn giữa hai anh em nhà Roland. Mâu thuẫn dần biến thành những xung đột mang tính thù hận, khi cậu em Jean bất ngờ nhận được một món tiền thừa kế từ ông Marechal, người bạn thân thiết của gia đình, vừa mới mất.
Nhiều độc giả sẽ tưởng rằng, món tiền thừa kế đột ngột ấy khiến Jean trở nên giàu có, và từ ấy nảy sinh những nỗi tỵ hiềm của người anh trai Pierre, nhưng tai họa thực chất không đến từ món tiền ấy.
Món tiền thừa kế chỉ là cái cớ để câu chuyện đẩy ngược hướng vào bên trong nội tâm mỗi con người, tìm kiếm những điều đã bị khuất lấp bởi màn sương quá khứ.
Pierre lần mò những dấu hiệu từ mẹ, và chàng bắt đầu nhận ra những nét khác biệt của bà từ khi cái tên Marechal trở lại trong ngôi nhà của mình. Chàng đã trải qua một quá trình phát triển và kìm nén nội tâm khắc nghiệt, từ việc nghi ngờ mối quan hệ bất chính của mẹ chàng với ông Marechal, đến việc trút những lời lẽ cay nghiệt lên mẹ, khiến chàng vừa cảm thấy kinh tởm đàn bà, vừa kinh tởm chính bản thân mình.
Các nhân vật trong tiểu thuyết được thể hiện trên sân khấu kịch. |
Những tâm tư của chàng Pierre được Guy De Maupassant thể hiện bằng ngòi bút khắc họa nội tâm sắc sảo, đầy những giằng xé, những hoang mang, bi quan.
Câu hỏi dằn vặt trong tâm can chàng khiến chàng trở nên xấu xí, cho đến ngày chàng đối diện với Jean, và mọi nỗi dày vò đã trào ra bằng những lời lẽ đau đớn. Chính vào giây phút ấy, Pierre cảm thấy kinh hãi, nhưng lại nhẹ nhõm, vì chàng không phải chịu đựng câu chuyện xấu xa ấy một mình nữa.
Và Jean, chàng đối diện với chuyện này không trong nỗi dày vò như Pierre. Chàng bình tĩnh hơn, chàng có gia sản, và chàng có mẹ. Câu chuyện thật bẽ bàng cho Pierre, khi chàng nhận ra rằng, họ muốn giấu sạch những câu chuyện bẩn thỉu này bằng cách đẩy chàng đi xa.
Chàng bước lên con tàu lênh đênh trên biển ấy, bỏ lại những con người đang tự ấp mình trong những hạnh phúc giả tạo kia, để biển sóng mênh mang xoa dịu tâm hồn. Nhưng trong mắt chàng, thành phố với những con người kia giờ đây có được bảo bọc bằng biết bao nhung lụa, cũng đều thật kệch cỡm, xấu xa.
Chàng Pierre chính là một biểu tượng cho chủ nghĩa bi quan, hoài nghi, tuyệt vọng trong cảm quan sáng tác của Maupassant. Nhân vật Pierre của Maupassant là sự thể hiện của niềm thất vọng trước sự bé nhỏ và bất lực của con người trước xã hội và định mệnh, về sự tuyệt vọng đã dập tắt mọi khát vọng, về cái ác… Sự ra đi của chàng vừa là giải thoát, lại vừa như trốn chạy, khi chàng bất lực chẳng thể làm được điều gì khác.
Tác giả Maupassant. |
Còn lại chỉ là nội tâm giằng xé trong ánh mắt chàng nhìn ngắm những người gọi là “người thân” xung quanh mình. Cách xây dựng thế giới nội tâm của Maupassant dễ khiến độc giả liên tưởng đến thế giới nội tâm đầy mâu thuẫn của Bovary trong tiểu thuyết của Flaubert.
Theo như dịch giả Lê Hồng Sâm chia sẻ trong lời bạt của tiểu thuyết thì đây chính là “chất liệu ưa thích của tiểu thuyết thế kỷ XX, khi các tác giả ngày càng có xu hướng đưa người đọc vào thế giới riêng của một tâm tư, một trí óc, với những dằn vặt, ám ảnh, độc thoại nội tâm”.
Cuốn tiểu thuyết Pierre và Jean được xem là “một bước chuyển từ truyền thống tiểu thuyết thế kỷ XIX sang tính hiện đại đang manh nha”.