60 năm trong sự nghiệp trồng người, thầy Văn Như Cương đã hun đúc, để lại di sản nhân văn, mang giá trị thực tiễn cho thế hệ tương lai. Là một người gần gũi, tiếp xúc với người thầy đáng kính nhiều năm, nhà báo Hồ Bất Khuất đã viết cuốn sách Nhà giáo Văn Như Cương và những điều còn mãi. Sách do NXB Thông tin và Truyền thông phát hành cuối tháng 9, nhân giỗ đầu thầy Văn Như Cương.
Cuốn sách về thầy giáo Văn Như Cương. |
Sách phác họa chân dung con người và sự nghiệp cũng như tầm ảnh hưởng, sức lan tỏa của Nhà giáo Văn Như Cương. Mỗi phần viết là một nét vẽ, tuy rất riêng nhưng hài hòa tạo nên bức tranh toàn diện và sinh động về một nhà giáo lớn, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng biết bao thế hệ học sinh. Sách còn có phụ lục ảnh màu tập hợp những khoảnh khắc đời thường tuy bình dị nhưng ý nghĩa về một người thầy vỹ đại.
Cuốn sách cũng kể ra những giai thoại về thầy Văn Như Cương, trong đó có cả những câu chuyện về bộ râu của vị thầy đáng kính, coi bộ râu như một di sản.
Nhà báo Hồ Bất Khuất cho rằng đã có rất nhiều bài báo viết về thầy Văn Như Cương, nhưng mỗi bài báo cũng chỉ thể hiện được một vài khía cạnh nào đó về chân dung, sự nghiệp người thầy đáng kính. Một cuốn sách có thể nói đầy đủ hơn về một con người với nhiều góc nhìn khác nhau.
Khi viết, nhà báo Hồ Bất Khuất đặt nhân vật - thầy Văn Như Cương - vào cái “nôi” của làng quê, gia đình, họ hàng, bạn bè, không khí của thời đại… Tác giả cho rằng, phải nhìn thấy một thầy giáo xứ Nghệ lăn lộn trong cuộc đời vào những năm tháng đầy biến động của lịch sử dân tộc mới có thể hiểu được tầm vóc của một nhà giáo được mọi người yêu mến và kính trọng.
Theo tác giả sách, thầy Văn Như Cương là một người độc đáo. “Những người độc đáo thường không rơi vào giáo điều. Theo tôi, chính sự độc đáo trong cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử đã làm nên một nhà giáo Văn Như Cương nhân hậu, tận tâm với học trò, với nghề dạy học và hấp dẫn, thú vị với tất cả những người xung quanh”, tác giả sách nói.
Nhà giáo Văn Như Cương lúc nào cũng khiến những người tiếp xúc với ông cảm thấy thú vị. Ông làm được điều đó vì có trí tuệ sắc sảo, kiến thức uyên thâm và sự độc đáo trong giao tiếp. Ông bình dị, mộc mạc, gần gũi nhưng luôn tỏa ra sự lịch lãm, thanh tao, cao thượng. Nhà giáo Văn Như Cương là người có tư tưởng, có triết lý trong giáo dục nên những việc ông làm đều nhất quán và có cơ sở để thành công.