Theo lệnh phong tỏa kéo dài 3 ngày, các khu chợ, rạp chiếu phim, quán bar, công viên và phòng tập sẽ phải đóng cửa. Các sự kiện công cộng cũng phải tạm hoãn trong khu vực có khoảng 1,55 triệu dân này, South China Morning Post đưa tin ngày 26/6.
Một số tuyến xe buýt và tàu điện ngầm cũng phải dừng hoạt động. Những người muốn sử dụng phương tiện công cộng hay tới các địa điểm công cộng phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong 24 giờ. Trong khi đó, các nhà hàng chỉ được phép hoạt động 50% công suất.
Một điểm xét nghiệm Covid-19 tại Thâm Quyến trong đợt bùng phát dịch hồi tháng 3. Ảnh: Tân Hoa xã. |
Theo Ủy ban Y tế thành phố Thâm Quyến, các biện pháp phong tỏa sẽ kéo dài 3 ngày, trước khi được “điều chỉnh” dựa trên tình hình phòng dịch.
Việc Thâm Quyến phải áp đặt phong tỏa trở lại cho thấy các thách thức với chiến lược “Zero Covid-19” mà Trung Quốc đang áp đặt. Dù giúp số ca bệnh không tăng cao, các biện pháp phòng dịch cứng rắn khiến nhiều doanh nghiệp, cả trong nước lẫn nước ngoài, mệt mỏi, cũng như gây tổn hại tới nền kinh tế.
Một cư dân không muốn tiết lộ danh tính tại quận Phúc Điền cho biết khu dân cư của ông đã được xếp vào trạng thái “bị kiểm soát” trong tuần qua, sau khi một ca bệnh được phát hiện.
“So sánh với việc bị phong tỏa 7 ngày hồi tháng 3, tôi nghĩ việc phong tỏa ngắn tốt hơn và linh động hơn. Nhiều người cũng ủng hộ các biện pháp này hơn”, người này nói với South China Morning Post.
Theo chính sách của tỉnh Quảng Đông, cư dân các vùng “bị kiểm soát” được phép ra khỏi nhà và di chuyển trong khu dân cư. Dù vậy, cư dân trên cho biết họ không được phép ra khỏi nhà.
“Chúng tôi đặt ra câu hỏi về chính sách với các vùng bị kiểm soát với giới chức địa phương. Nhưng không ai có thể trả lời về việc tại sao quy định của thành phố khác với chính quyền tỉnh”, người này chia sẻ.