Được gọi là Đối tác tại Thái Bình Dương Xanh (PBP), cơ chế phi chính thức này sẽ hỗ trợ Fiji, Samoa và các nước nhỏ khác trong khu vực, Bloomberg hôm 25/6 dẫn tuyên bố chung từ Nhà Trắng.
“Chúng tôi đoàn kết với quyết tâm chung nhằm hỗ trợ khu vực sẽ mang lại lợi ích cho người dân Thái Bình Dương”, tuyên bố viết.
Ngoại trưởng Australia Penny Wong vừa qua đã có tour thăm 8 quốc đảo Thái Bình Dương sau khi vừa nhậm chức để tăng cường quan hệ. Ảnh: AFP. |
“Chúng tôi cũng đoàn kết trong cách thức hiện thực hóa tầm nhìn ấy, dựa trên các nguyên tắc coi trọng tính khu vực Thái Bình Dương, chủ quyền, minh bạch, trách nhiệm giải trình và trên hết là do các đảo quốc Thái Bình Dương dẫn dắt và chỉ hướng”, tuyên bố nói.
Hiệp ước PBP sẽ cho phép các nước hợp tác sát sao hơn và cung cấp sự hỗ trợ hiệu quả hơn đối với những ưu tiên của quốc đảo Thái Bình Dương, theo tuyên bố. Một số thách thức bao gồm đại dịch Covid-19 và sức ép ngày càng gia tăng đối với trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Quan chức cấp cao từ 5 năm nước thành viên PBP đã gặp mặt tại Washington vào ngày 23-24/6 để tham vấn với trưởng đại diện các nước Thái Bình Dương, cũng như với giới quan sát từ Pháp và Liên minh châu Âu.
Australia và New Zealand đang gấp rút chạy đua củng cố mối quan hệ với các nước láng giềng Thái Bình Dương, sau khi hai nước bị sốc trước việc Trung Quốc ký hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon hồi tháng 4.
Các nước Thái Bình Dương sẽ trao đổi những vấn đề liên quan tới thái độ quan tâm ngày càng lớn của Trung Quốc đối với khu vực này khi các lãnh đạo Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương nhóm họp trong tháng 7.