Mới đây, quần đảo Solomon buộc khu vực chú ý khi ký hiệp ước hợp tác an ninh với Trung Quốc. Đây được xem là bước tiến lớn đối với Trung Quốc ở Thái Bình Dương - nơi quần đảo Solomon có vị trí chiến lược.
Thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Honiara sẽ cho phép tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại khu vực, cách bờ biển Australia khoảng 2.000 km. Trung Quốc có thể triển khai quân đội tới quần đảo Solomon nếu nơi đây xảy ra bất ổn.
Trong bối cảnh đó, Solomon đang phải đối mặt với áp lực từ các đồng minh truyền thống, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, New Zealand và đặc biệt là Australia trong việc hủy bỏ thỏa thuận.
Hiệp ước về vấn đề gì?
Hôm 19/4 - ngày hiệp ước được công bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết thỏa thuận hợp tác sẽ bao gồm "duy trì trật tự xã hội, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân, hỗ trợ nhân đạo và ứng phó với thảm họa thiên nhiên, để giúp đỡ quần đảo Solomon nâng cao năng lực bảo vệ an ninh đất nước”.
Theo báo cáo của AP, một ngày sau, Thủ tướng Mannesseh Sogavare phát biểu trước Quốc hội rằng nước này sẽ cho phép Trung Quốc cử cảnh sát và quân nhân đến Solomon để “hỗ trợ duy trì trật tự xã hội”. Các tàu chiến của Trung Quốc cũng có thể dừng tại cảng nước này để “bổ sung hậu cần”.
Lãnh đạo Solomon nói hiệp ước sẽ không làm suy yếu "hòa bình và hòa hợp của khu vực chúng ta".
Các quan chức Solomon nhấn mạnh hiệp ước với Trung Quốc “chỉ áp dụng trong nước”. Ông Sogavare từng khẳng định “sẽ không có căn cứ quân sự, không có sự hiện diện lâu dài, không có khả năng triển khai và duy trì lực lượng bên ngoài lãnh thổ” do điều khoản của thỏa thuận.
Trước đó, mối lo ngại Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự tại đây đã xuất hiện sau khi một bản dự thảo bị rò rỉ trên mạng vào cuối tháng 3.
Vì sao Solomon đồng ý ký kết hiệp ước?
Từ lâu, Trung Quốc tìm cách thu hút sự chú ý của Solomon thông qua ngoại giao kinh tế. Đáp lại, Thủ tướng Sogavare không giấu giếm ý định xích lại gần Trung Quốc.
Năm 2019, ngay sau khi nhậm chức, ông tuyên bố cắt đứt mối quan hệ ngoại giao 36 năm với Đài Loan (Trung Quốc) để chuyển sang thiết lập quan hệ với đại lục, trong bối cảnh Bắc Kinh và phương Tây cạnh tranh ảnh hưởng chiến lược tại khu vực Thái Bình Dương.
Chính phủ của Thủ tướng Sogavare cho rằng sự xoay trục sẽ giúp nước này nhận được nhiều viện trợ kinh tế và đầu tư hạ tầng từ Trung Quốc.
Năm 2021, nhiều người biểu tình yêu cầu ông Sogavare từ chức, Australian Broadcasting đưa tin. Trong ba ngày, hàng nghìn người xuống đường và cảnh sát địa phương đã tìm cách trấn áp những đối tượng quá khích bằng đạn cao su và hơi cay nhưng không kiểm soát được tình hình.
Tình hình phức tạp buộc chính phủ Sogavare nhờ quân đội Australia giúp dập tắt tình trạng bất ổn, ngay cả khi ông cáo buộc "các cường quốc khác" gây chia rẽ, làm gia tăng thái độ chống Trung Quốc. Vài tháng sau, hiệp ước an ninh với Trung Quốc được ký kết.
Các bên nói gì?
Trung Quốc từ lâu cố gắng tăng cường sự hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả việc xây dựng hải quân và các cơ sở quân sự trên các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Trong bối cảnh đó, một số quan chức Australia và Mỹ cảnh báo hiệp ước hợp tác an ninh có thể mở đường cho khí tài quân sự của Trung Quốc và cuối cùng là một căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, mặc dù không diễn ra ngay lập tức.
"Quan chức bốn nước (Mỹ, Nhật Bản, Australia và New Zealand) bày tỏ quan ngại về khuôn khổ an ninh giữa Trung Quốc với Solomon và những tác động của nó đối với một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson nói ngày 19/4.
Hôm 22/4, phái đoàn Mỹ do ông Kurt Campbell, điều phối viên Nhà Trắng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đã bay tới thủ đô Honiara của Solomon ngay sau khi có thông báo Trung Quốc và quốc đảo này ký hiệp ước an ninh.
Ông nói với thủ tướng Solomon rằng nếu Bắc Kinh duy trì hiện diện quân sự ở đảo quốc này, Washington sẽ có biện pháp "đáp trả tương ứng".
Để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, Mỹ từ lâu đã tìm kiếm các liên minh ở Thái Bình Dương, bao gồm cả việc ký kết hiệp định quốc phòng mới với Australia và Anh vào năm 2021, được gọi là AUKUS.
Trong khi đó, Australia công khai đề nghị Quần đảo Solomon từ bỏ thỏa thuận với Bắc Kinh ngay cả trước khi ký kết.
Canberra lo ngại thỏa thuận an ninh giữa Bắc Kinh và Honiara sẽ cho phép tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại khu vực, cách bờ biển nước này khoảng 2.000 km.
Thượng nghị sĩ Penny Wong cho biết việc ký kết thỏa thuận cho thấy khu vực của Australia đang được định hình lại bởi một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến.
"Bất chấp tất cả, khu vực của chúng ta đã trở nên kém an toàn hơn", nghị sĩ Australia nói.
Phát biểu với đài ABC, nghị sĩ Penny Wong mô tả đây là "thất bại tồi tệ nhất trong chính sách đối ngoại của Australia ở Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II", và “những rủi ro mà Australia phải đối mặt đã trở nên lớn hơn nhiều”.
Giới chức Australia cho biết nước vẫn sẽ tiếp tục hợp tác an ninh với quần đảo Solomon dù đối phương ký thỏa thuận với Trung Quốc.
Trước đây, Solomon và Australia cũng ký kết hiệp ước an ninh tương tự vào năm 2017, cho phép Canberra triển khai lực lượng đến quốc đảo Thái Bình Dương.
Tại Bắc Kinh, ông Uông Văn Bân chỉ trích các nỗ lực của phương Tây nhằm ngăn chặn hiệp ước.
“Chúng ta phải cho thấy rằng các quốc đảo Nam Thái Bình Dương không phải là sân sau của bất cứ quốc gia nào, và càng không phải con tốt cho sự cạnh tranh địa chính trị”, ông nói.