Cụ thể, công ty đóng tàu CSOC của Trung Quốc - đơn vị đóng chiếc tàu ngầm mà Thái Lan đặt mua năm 2017 - dự định sử dụng động cơ của hãng MTU Friedrichshafen từ Đức.
Dù vậy, truyền thông Thái Lan hồi tháng 2 cho biết Đức từ chối xuất khẩu động cơ này cho Trung Quốc, khiến hoạt động đóng tàu bị ngưng trệ.
Một mẫu tàu ngầm Trung Quốc được triển lãm tại Thái Lan năm 2017. Ảnh: AFP. |
Phản hồi trước thông tin trên, Đại sứ quán Đức tại Bangkok tuyên bố Trung Quốc đã không thông báo với Berlin trước khi đạt được hợp đồng với Thái Lan rằng động cơ này sẽ được sử dụng cho tàu ngầm.
Theo quy định của Liên minh châu Âu (EU), các nước thành viên không được xuất khẩu vũ khí sang Trung Quốc.
Theo truyền thông Thái Lan, Trung Quốc đề xuất thay thế động cơ của Đức bằng động cơ của Trung Quốc, hoặc nhận một tàu ngầm cũ của Bắc Kinh. Trước đó, hồi tháng 12/2021, Bắc Kinh cũng từng “cho không” Myanmar một tàu ngầm cũ.
“Trung Quốc chưa thông báo trực tiếp với chúng tôi về khả năng thay thế”, một người phát ngôn của Hải quân Thái Lan nói với Nikkei Asia. “Chúng tôi yêu cầu nhận được tàu ngầm với động cơ của Đức như hợp đồng”.
Người này cũng cho biết Bangkok dự định trao đổi với đại diện của công ty đóng tàu về vấn đề này và đạt được thỏa thuận vào cuối tháng 4.
Hợp đồng tàu ngầm giữa Thái Lan và Trung Quốc được ký kết năm 2017 và có giá trị 14,5 tỷ baht (khoảng 403 triệu USD). Theo dự kiến, Thái Lan nhận được tàu ngầm vào năm 2023.
Năm 2020, chính phủ Thái Lan từng lên kế hoạch mua thêm hai tàu ngầm khác của Trung Quốc, nhưng bị người dân phản đối vì cho rằng Bangkok nên tập trung nguồn lực vào kinh tế.