Sự thăng tiến của tướng Narongphan phản ánh sức ảnh hưởng ngày một lớn của hoàng gia Thái Lan đối với quân đội. Xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2016, theo Nikkei Asian Review.
Cả lãnh đạo hiện nay của quân đội Thái Lan là tướng Apirat Kongsompong, lẫn người tiền nhiệm là tướng Chalermchai Sitthisart, đều là người trung thành với hoàng gia và nhà vua.
Sau khi chính thức trở thành lãnh đạo quân đội Thái Lan vào tháng 10, nhiệm kỳ của tướng Narongphan Jitkaewthae sẽ kéo dài trong 3 năm. Ông là nhân vật bảo hoàng và được vua Vajiralongkorn tin tưởng.
Tướng Apirat Kongsompong. Ảnh: Reuters. |
Quyết định bổ nhiệm tướng Narongphan được nêu trong Công báo hoàng gia Thái Lan Royal Gazette ngày 19/9.
Một nguồn tin tình báo nhận định tướng Narongphan được chọn vì có xuất thân khiêm tốn, được quân đội kính trọng. Điều này phù hợp với giai đoạn dân chúng phản đối hiện tượng đặc quyền, đặc lợi có liên hệ với chính phủ.
"Ông ấy có tiểu sử là người bình dân và không phải con trai của nhân vật cao cấp trong quân đội như tướng Apirat. Ông Narongphan được chính nhà vua lựa chọn dựa trên sự tận tụy dành cho quân đội và lòng trung thành dành cho hoàng gia", nguồn tin này tiết lộ.
Diễn biến này còn thể hiện sức ảnh hưởng đang suy yếu của Thủ tướng Prayuth Chan-o-cha, một cựu lãnh đạo quân đội Thái Lan.
Thủ tướng Prayuth trước đó ủng hộ Phó tổng tư lệnh quân đội hoàng gia Thái Lan Natthapon Nakpanich làm người kế nhiệm ông Apirat. Tuy nhiên, ông không thể vận động cạnh tranh trực tiếp với đề cử của người đứng đầu nền quân chủ, vốn được xem là nhân vật có quyền tối thượng tại Thái Lan.
Quyết định bổ nhiệm được thông báo giữa giai đoạn nhiều thách thức đối với thủ tướng Prayuth.
Một khảo sát trên Matichon cho thấy 58% người tham gia lo ngại sắp có đảo chính. Cũng trong ngày 19/9, đánh dấu 14 năm diễn ra đảo chính lật đổ chính quyền ông Thaksin Shinawatra, thanh thiếu niên Thái Lan đã tổ chức một cuộc biểu tình với hàng chục nghìn người tham dự ở Bangkok yêu cầu cải cách nền quân chủ.
Tướng Narongphan Jitkawwthae được nhà vua Thái Lan đích thân lựa chọn. Ảnh: Bangkok Post. |
Theo Nikkei Asian Review, đang xuất hiện những tin đồn tướng Apirat sẽ dàn dựng một cuộc đảo chính trước khi từ chức. Vị lãnh đạo quân đội có lập trường cứng rắn trước những phong trào chống đối.
"Covid-19 có thể chữa được, còn căm ghét đất nước là căn bệnh không có thuốc cứu. Chúng ta không thể cứu chữa những người ghét đất nước của mình", ông từng phát biểu vào tháng 8 về phong trào biểu tình của người trẻ Thái Lan.
Giới phân tích dự đoán tướng Narongphan khi nhậm chức sẽ mang theo lập trường cứng rắn hơn với người biểu tình, đặc biệt trong bối cảnh chính trị quốc gia nhiều căng thẳng.
Kan Yuenyong, lãnh đạo một cơ quan cố vấn chính sách tại Bangkok, lo ngại quân đội với văn hóa bảo thủ sâu sắc sẽ gia tăng rủi ro đụng độ người biểu tình.
Trong khi đó, một nguồn thạo tin của Nikkei Asian Review và thân cận với Thủ tướng Prayuth đã bác bỏ lo ngại này. Ông nói chính quyền đang giám sát chặt chẽ những đối tượng tiềm năng kích động bạo lực.