Nhà vua Thái Lan yêu hoàng quý phi của ông ấy, sau đó lại thôi. Và giờ đây, có vẻ nhà vua lại yêu bà một lần nữa, New York Times viết.
Bà Sineenat Wongvajirapakdi, 35 tuổi, từng là hoàng quý phi của Vua Maha Vajiralongkorn cho đến khi bà bị phế truất vào tháng 10/2019. Bà bị cáo buộc “không trung thành với nhà vua” và “chống lại việc bổ nhiệm Hoàng hậu (Suthida)... vì tham vọng cá nhân".
Hôm 2/9, công báo hoàng gia Royal Gazette thông báo bà Sineenat đã được trao lại tước vị cao quý của mình. Bà không xuất hiện công khai trước công chúng kể từ khi bị phế truất và nơi ở của hoàng quý phi vẫn chưa được chính thức tiết lộ.
Hoàng quý phi Sineenat được khôi phục tước hiệu hoàng gia và quân hàm thiếu tướng hôm 2/9. Ảnh: Văn phòng Hoàng gia Thái Lan. |
Coi như "chưa từng bị phế truất"
Thông báo hôm 2/9 cũng bao gồm việc khôi phục quân hàm thiếu tướng cho bà. Theo mệnh lệnh được nhà vua phê chuẩn vào cuối tháng 8, bà Sineenat được coi là “không có tội”.
Tuyên bố của cung điện nêu rõ "từ nay trở đi, hoàng quý phi được coi như chưa từng bị tước quân hàm hoặc tước hiệu hoàng gia".
Trong khi tin bà Sineenat bị phế truất gây xôn xao dư luận Thái Lan vào năm 2019, thì việc bà được phục chức vị hôm 2/9 lại không thu hút sự chú ý của công chúng.
Tờ Bild của Đức hôm 1/9 đưa tin Nhà vua Vajiralongkorn đã đưa bà đến Đức.
Theo tờ báo, bà Sineenat di chuyển bằng máy bay riêng đến Munich vào ngày 29/8 và sau đó lái xe đến một khách sạn 4 sao ở thị trấn Garmisch-Partenkirchen trên dãy Alps, khu vực thuộc bang Bavaria của Đức.
Hình ảnh cho thấy nhà vua Thái Lan và bà Sineenat đang đi xuống cầu thang hôm 29/8 ở Munich. Ảnh: Bild. |
Trước đó có thông tin cho rằng Nhà vua Vajiralongkorn đã tự "cô lập" mình tại khách sạn với đoàn tùy tùng gồm 20 phụ nữ trong hầu hết thời gian xảy ra đại dịch. Nhà vua được cho đã thuê toàn bộ tầng 4 và bố trí hậu cung này như một đơn vị quân đội.
Tước vị hoàng quý phi không tồn tại ở Thái Lan kể từ khi chế độ quân chủ chuyên chế bị bãi bỏ vào năm 1932. Sau gần 100 năm, nhà vua Thái Lan khôi phục lại tước vị này và trao nó cho bà Sineenat.
Bà Sineenat chính thức trở thành hoàng quý phi vào tháng 7/2019, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 67 của nhà vua. Bà được trao tước vị này khoảng hai tháng sau khi nhà vua kết hôn với Hoàng hậu Suthida Vajiralongkorn Na Ayudhya, người vợ thứ tư của ông.
Hoàng hậu Suthida Tidjai là cựu tiếp viên hàng không và được coi là vợ chính thức của nhà vua Thái Lan. Nhà vua Vajiralongkorn là vị vua đầu tiên của nước này có thêm phi tần kể từ thời ông nội là Vua Chulalongkorn, người có 4 hoàng hậu và nhiều phi tần khác.
Từ ồn ào hoàng gia đến biểu tình đòi cải cách
Ngay sau khi được phong tước vị năm 2019, Hoàng quý phi Sineenat, người từng được phong hàm thiếu tướng trong quân đội, trở thành tâm điểm chú ý nhờ hàng chục bức ảnh được đăng tải trên trang web chính thức của hoàng gia Thái Lan. Trong đó, có hình ảnh bà ngồi trong buồng lái máy bay với chiếc áo thể thao rằn ri.
Trong một số bức ảnh khác, bà đang nhắm bắn một khẩu súng trường tấn công hay đang ôm con chó cưng của nhà vua.
Nhà vua Maha Vajiralongkorn và Hoàng quý phi Sineenat trong bộ quân phục Thái Lan. Ảnh: Văn phòng Hoàng gia Thái Lan. |
Khi bị phế truất vào tháng 10/2019, bà Sineenat bị cung điện buộc tội "có hành vi sai trái và không trung thành với nhà vua".
Theo tiểu sử chính thức được cung điện công bố vào năm 2019, bà Sineenat sinh năm 1985 tại tỉnh Nan, cách Bangkok khoảng 500 km về phía bắc. Sau khi tốt nghiệp học viện quân y vào năm 2008 và làm y tá cho đến năm 2012, bà gia nhập Văn phòng Hoàng gia Thái Lan với tư cách là nhân viên và làm việc cho Nhà vua Maha Vajiralongkorn, khi đó còn là thái tử.
Bà Sineenat sau đó gia nhập lực lượng Cận vệ Hoàng gia Thái Lan, trở thành đại tá vào năm 2015 trước khi được thăng cấp lên thiếu tướng.
Vua Maha Vajiralongkorn dành ít thời gian ở Thái Lan, thay vào đó ông thích sống ở châu Âu. Kể từ khi cha ông qua đời vào năm 2016, ông đã nắm quyền kiểm soát trực tiếp ngân khố hoàng gia.
Hơn 10.000 người biểu tình hôm 16/8 tại Bangkok để yêu cầu cải cách. Ảnh: Reuters. |
Thái Lan bị ràng buộc bởi các luật nghiêm ngặt bảo vệ chế độ quân chủ khỏi những lời chỉ trích. Người phạm tội có thể bị phạt tù đến 15 năm.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây đã xuất hiện phong trào phản đối ôn hòa chống lại chính phủ Thái Lan, kêu gọi cải cách chế độ quân chủ của nước này.
Cuộc biểu tình do sinh viên lãnh đạo này đã phá vỡ điều cấm kị là thảo luận công khai về chế độ quân chủ. Tại một cuộc biểu tình, người tham gia đã đề xuất chương trình cải cách mười điểm cho thể chế hiện hành. Những người biểu tình cũng kêu gọi cải cách tư pháp và chính trị, chấm dứt sự chi phối của quân đội với nền chính trị.
Thái Lan từng chứng kiến hàng chục cuộc đảo chính thành công. Cuộc đảo chính gần đây nhất là vào năm 2014 với lý do bảo vệ chế độ quân chủ. Sự kiện đã giúp tướng Prayuth Chan-ocha, lãnh đạo của cuộc đảo chính, trở thành thủ tướng.