Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Tướng hoàng gia tăng ảnh hưởng, đe dọa quyền lực thủ tướng Thái

Cuộc cải tổ quân đội Thái Lan vào tháng 9 tới được cho sẽ tái thiết mối quan hệ giữa quân đội và hoàng gia, đồng thời có thể đẩy Thủ tướng Prayuth vào thế bất lợi.

Thu tuong Prayuth anh 1

Nikkei Asian Review dẫn nguồn tin nội bộ giới chính trị và quân đội Thái Lan cho biết các ứng cử viên đang tích cực vận động hành lang ở hậu trường để có thể được thăng chức lên tư lệnh lục quân, không quân và hải quân vào tháng 9.

Trong năm nay, cuộc cải tổ định kỳ của quân đội có ý nghĩa quan trọng hơn vì Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, cựu tổng tư lệnh quân đội, đang đối mặt với các cuộc biểu tình do giới trẻ lãnh đạo và ngày càng lan rộng. Đây là lần đầu tiên Thái Lan chứng kiến các cuộc biểu tình quy mô lớn kể từ cuộc đảo chính năm 2014, sự kiện giúp ông Prayuth lên nắm quyền.

Thu tuong Prayuth anh 2

Người biểu tình cầm biểu ngữ ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Các ứng cử viên tiềm năng

Theo nguồn tin từ nội bộ quân đội Thái Lan, tướng Apirat Kongsompong - Tổng tư lệnh quân đội có tư tưởng cứng rắn và nhận được ủng hộ từ hoàng gia - đã vận động để tướng Narongphan Jitkaewthae kế nhiệm ông vào tháng 9. Hiện tướng Narongphan là trợ lý tổng tư lệnh.

Các nguồn tin cho biết thêm tướng Narongphan được Nhà vua Maha Vajiralongkorn tin tưởng. Ông Narongphan được kỳ vọng sẽ giữ chức tổng tư lệnh quân đội cho đến năm 2023, khoảng thời gian cần thiết để tái thiết lại mối quan hệ giữa quân đội và cung điện.

Thái Lan là đất nước luôn đánh giá cao lòng trung thành với chế độ quân chủ. Để thể hiện điều này, cả tướng Apirat và Narongphan đều mặc những chiếc áo đặc biệt có viền đỏ quanh cổ áo, biểu hiện cho việc họ đã vượt qua khóa huấn luyện đặc biệt dành cho các binh sĩ trong Lực lượng Cận vệ Hoàng gia, còn được gọi là Đội Cận vệ Hoàng gia 904. Lực lượng này chỉ tuân lệnh nhà vua Thái Lan.

Hai vị tướng này cũng thuộc Đội Cận vệ Nhà vua - có tên tiếng Thái là Wongthewan - lực lượng quân sự có trụ sở tại Bangkok. Chính Nhà vua Maha Vajiralongkorn cũng tham gia Wongthewan trong thời gian tại ngũ vào những năm 1970, khi ông còn là thái tử.

Thu tuong Prayuth anh 3

Thủ tướng Prayuth (trái) và tướng Apirat đang ủng hộ hai ứng cử viên khác nhau cho vị trí tổng tư lệnh quân đội. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, Thủ tướng Prayuth lại ủng hộ tướng Natthapon Nakpanich, Phó tổng tư lệnh quân đội, trở thành người kế nhiệm tướng Apirat. Tuy nhiên ông Prayuth cũng không thể phản đối sự lựa chọn của nhà vua - người nắm quyền lực tối cao ở Thái Lan - và lựa chọn của tướng Apirat.

"Ông Apirat không thích ông Natthapon... Ông ấy thân thiết với nhà vua và muốn thực hiện yêu cầu của nhà vua", nguồn tin trong lực lượng tình báo quân đội nói với Nikkei Asian Review.

Ông Apirat không thích ông Natthapon... Ông ấy thân thiết với nhà vua và muốn thực hiện yêu cầu của nhà vua.

Nguồn tin trong tình báo quân đội

Mối quan hệ của Thủ tướng Prayuth với tướng Natthapon ngày càng thân thiết hơn sau khi phó tổng tư lệnh quân đội Thái Lan được bổ nhiệm vào ủy ban chống dịch Covid-19 của chính phủ.

"Thủ tướng Prayuth muốn có một đồng minh đáng tin cậy với tư cách là tổng tư lệnh quân đội kế nhiệm để đối phó với căng thẳng chính trị gia tăng do các cuộc biểu tình. Tướng Narongphan không có quan hệ mật thiết với ông Prayuth, chỉ là quan hệ công việc. Có nhiều khả năng ông Narongphan sẽ nghe lời nhà vua hơn là thủ tướng", nguồn tin tình báo này nói.

Thế bất lợi của Thủ tướng Prayuth

Các nhà phân tích quân sự dày dạn kinh nghiệm cho rằng Thủ tướng Prayuth sẽ ở thế bất lợi sau cuộc cải tổ vào tháng 9.

Năm 2014, cùng với Phó thủ tướng Prawit Wongsuwan và Bộ trưởng Nội vụ Anupong Paochinda - cả hai đều là cựu tổng tư lệnh quân đội - ông Prayuth đã thành lập bộ ba hùng mạnh để thực hiện cuộc đảo chính. Cả ba bước lên nắm quyền, đầu tiên là trong chính quyền quân sự và sau đó là trong chính phủ quân sự.

Nhưng trong khi bộ ba cựu tướng lĩnh nắm trong tay chính phủ và Bộ Quốc phòng, có nhiều nghi vấn đặt ra về sự ủng hộ của quân đội dành cho họ sau cuộc cải tổ năm 2016.

Paul Chambers, chuyên gia về an ninh quốc gia Thái Lan tại Đại học Naresuan ở miền Bắc nước này, nhận định: "Tình trạng chia rẽ đang trở nên ngày càng sâu sắc giữa một bên là bộ ba Prayuth - Prawit - Anupong và một bên là lãnh đạo quân đội sau năm 2016. Đặc biệt là với việc nhiều nhân vật thuộc lực lượng Wongthewan được lên nắm giữ các vị trí cấp cao trong quân đội từ năm 2018... ông Prayuth không thể yên tâm về sự hậu thuẫn của quân đội".

Thu tuong Prayuth anh 4

Thủ tướng Prayuth là cựu tổng lư lệnh quân đội Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Ngay cả các đại tá - những nhân vật thường được điều động để chỉ huy quân đội trong các cuộc đảo chính - cũng dần thể hiện sự bất bình ngày càng tăng đối với "saam paw", từ ám chỉ bộ ba Prayuth - Prawit - Anupong.

Tình trạng chia rẽ đang trở nên ngày càng sâu sắc giữa một bên là bộ ba Prayuth - Prawit - Anupong và một bên là lãnh đạo quân đội sau năm 2016.

Paul Chambers, chuyên gia về an ninh quốc gia Thái Lan tại Đại học Naresuan

Bộ ba này bị cáo buộc "sử dụng quân đội để nắm quyền, đặc biệt là dựa vào binh lính để hỗ trợ đảng Palang Pracharath nắm quyền", chuyên gia Chambers nói. Ông đề cập đến đảng chính trị mới được thành lập trước cuộc bầu cử năm 2019 để làm phương tiện cho Thủ tướng Prayuth và các đồng minh quân sự điều hành Thái Lan.

"Phó thủ tướng Prawit đã sử dụng 'cây gậy và củ cà rốt' của quân đội để lôi kéo các đảng liên minh cùng các phe phái trong đảng Palang Pracharath đi theo sự dẫn dắt của Thủ tướng Prayuth", ông Chambers nói thêm.

Các nhà quan sát khác cho rằng hoạt động quân sự ở Bangkok nằm ngoài tầm kiểm soát của ông Prayuth. Cơ cấu quân đội đã thay đổi, theo đó binh lính tại tại thủ đô Bangkok được đặt dưới sự chỉ huy của Đội Cận vệ Hoàng gia 904.

Hiện quân số của lực lượng này tăng lên thành 7.000 lính tinh nhuệ và dự kiến tăng gấp đôi trong những tháng tới. Các đơn vị khác phục vụ riêng cho Hoàng gia Thái Lan đến từ Trung đoàn Bộ binh 11, Tiểu đoàn Kỵ binh 4 và Trung đoàn Bộ binh 1 - lực lượng từng là đội quân tiên phong trong các cuộc đảo chính trước đây.

Thu tuong Prayuth anh 5

Binh lính thuộc lực lượng Cận vệ Hoàng gia Thái Lan tại Bangkok vào tháng 10/2016. Ảnh: AFP.

Có hay không nguy cơ đảo chính?

Trước tình trạng biểu tình của người dân, có nhiều tin đồn về khả năng xảy ra đảo chính ở Thái Lan. Các nhà ngoại giao có trụ sở tại Bangkok đã nghe được thông tin về khả năng xảy ra đảo chính vào đêm diễn ra cuộc biểu tình chống chính phủ do sinh viên dẫn đầu hôm 16/8. Cuộc biểu tình thu hút hơn 20.000 người tham gia, quy mô lớn nhất kể từ cuộc đảo chính năm 2014.

"Tin đồn này nói về việc Tổng tư lệnh Apirat không hài lòng với cách chính phủ xử lý các cuộc biểu tình và đang lên kế hoạch để giải quyết nó", một nhà ngoại giao từ một nước châu Á chia sẻ.

Nguồn tin tình báo quân đội cho rằng tin đồn sẽ lan rộng trong tháng 9, khi các thủ lĩnh thanh niên lên kế hoạch cho cuộc biểu tình lớn hơn vào giữa tháng.

"Đảo chính sẽ chỉ xảy ra nếu có đối đầu trong các cuộc biểu tình và mọi người cố gắng giết nhau. Thời gian sắp tới sẽ là những ngày căng thẳng một khi Tổng tư lệnh Apirat chuyển giao quyền lực cho tướng Narongphan", nguồn tin này nhận định.

10.000 người Thái Lan xuống đường trong biểu tình lớn nhất thập niên

10.000 người Thái Lan đã tập trung ở Bangkok để đòi tổ chức bầu cử và cải tổ hiến pháp. Họ cũng yêu cầu thay đổi vai trò của hoàng gia trong chính trị Thái Lan.

Người biểu tình Thái Lan dùng chuột Hamtaro để miêu tả chính phủ

Hôm 26/7, hàng trăm người biểu tình ở Thái Lan hát vang bài hát phỏng theo ca khúc trong bộ phim hoạt hình Nhật Bản “Hamtaro”, Nikkei Asian Review đưa tin.

Thủy Tiên

Bạn có thể quan tâm