Ông Fu Qianshao, cựu chuyên gia thuộc lực lượng không quân Trung Quốc, nhận định tiêm kích F-35 bị rơi trong lúc hạ cánh xuống tàu sân bay USS Carl Vinson hôm 25/1 có thể bị sóng biển cuốn khỏi vị trí ban đầu.
“Họ cần định vị chiếc tiêm kích trước. Nó không nhất thiết nằm ở vị trí rơi xuống biển, mà có thể bị cuốn đi bởi các đợt sóng ngầm”, ông Fu nói trong bài viết này 29/1 trên South China Morning Post.
Hình ảnh tiêm kích F-35 của Mỹ bị rơi xuống Biển Đông. Ảnh: Twitter. |
Bên cạnh đó, theo ông Fu, mức độ thiệt hại của thân máy bay sẽ ảnh hưởng tới việc tiêm kích có thể được kéo lên một cách hoàn chỉnh hay chỉ là các mảnh vỡ.
“Chiến dịch trục vớt cũng phụ thuộc vào độ sâu của vùng biển nơi máy bay rơi. Nếu máy bay rơi xuống vùng nước nông, chắc chắn việc trục vớt sẽ dễ dàng hơn”, ông nói.
Trong khi đó, ông Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu về khoa học - kỹ thuật quân sự tại Bắc Kinh, cũng nhận định việc trục vớt chiếc máy bay sẽ là công việc khó khăn, dựa vào độ sâu và điều kiện của biển.
“Đó sẽ là vấn đề nếu độ sâu vượt quá 1.000 m. Sóng và tình hình dưới biển cũng không rõ ràng. Thời tiết cũng có thể ảnh hưởng tới chiến dịch trục vớt”, ông Zhou nói. “Đây chắc chắn là nhiệm vụ khó khăn. Nó phụ thuộc vào số tiền Mỹ sẵn sàng chi trả”.
Quân đội Mỹ được cho là đang cố gắng trục vớt máy bay rơi, do lo ngại các đối thủ, như Trung Quốc, có thể chiếm được nó, từ đó nắm được những bí mật công nghệ quân sự Mỹ.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm 27/1 tuyên bố nước này “không hứng thú” với chiếc máy bay trên.
“Đây không phải lần đầu tiên Mỹ gặp sự cố ở Biển Đông. Trước đây, một tàu ngầm đâm vào núi ngầm và họ không giải thích rõ ràng”, ông Triệu đề cập đến vụ tai nạn tháng 10/2021. “Lần này, máy bay trên tàu sân bay của họ lại gặp tai nạn và rơi xuống Biển Đông. Chúng tôi không hứng thú với máy bay của họ”.