“Tôi có thể xác nhận máy bay va chạm với đường băng trong lúc hạ cánh rồi rơi xuống nước”, đại úy Nicholas Lingo, người phát ngôn Hạm đội 7 thuộc Hải quân Mỹ, nói, theo South China Morning Post. “Hải quân Mỹ đang thực hiện hoạt động thu hồi chiếc F-35C”.
Trước đó, sự cố xảy ra vào ngày 25/1 khiến 7 thủy thủ bị thương, bao gồm phi công điều khiển chiếc F-35C. Phi công đã kịp phóng ghế thoát hiểm ra khỏi máy bay và được giải cứu bằng trực thăng.
Sự cố xảy ra trên tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: BFTE. |
Collin Koh, chuyên gia thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho biết Mỹ sẽ cố trục vớt xác tiêm kích sớm nhất có thể.
“Nếu Mỹ quyết định bỏ mặc chiếc máy bay dưới đáy biển và không đoái hoài tới nó, đây sẽ là lời mời công khai đối với những bên khác tới trục vớt nếu có đủ khả năng”, ông Koh nhận định.
“Lượng thông tin tình báo (từ xác máy bay) sẽ là quá lớn để có thể nhường lại cho đối thủ cạnh tranh chiến lược như Trung Quốc. Chắc chắn Mỹ không muốn Trung Quốc đoạt lấy xác máy bay, vì nước này vốn đã rất lo ngại việc quân đội Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách trong những năm gần đây”, ông nói.
Một tuyên bố của Hạm đội 7 cho biết vụ việc xảy ra trong hoạt động bay thông thường. Thiệt hại đối với đường băng trên tàu sân bay chỉ “ở mức bề mặt". Các thiết bị phục vụ hoạt động bay đều vận hành bình thường.
“Nhóm phi cơ tàu sân bay số 2 và tàu USS Carl Vinson đã khôi phục các hoạt động bay thông thường tại Biển Đông”, tuyên bố cho biết. Sức khỏe của bảy phi công bị thương đều đã ổn định.