Trả lời Zing trong cuộc họp báo sáng 25/1, ông Robert Harris, Trợ lý cố vấn pháp lý thuộc Văn phòng Cố vấn Pháp lý, Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết nước này thấy cần thiết phải ra Báo cáo 150 để bác bỏ thông tin Trung Quốc đưa ra sau phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài.
“Năm 2016, sau vụ kiện Philippines - Trung Quốc, Trung Quốc đã tái khẳng định các yêu sách biển trên Biển Đông, qua đó làm rõ nước này có yêu sách về quyền lịch sử, cũng như đề ra lý thuyết ‘mới lạ’ rằng các nước có thể vẽ được cơ sở quanh các nhóm đảo ở Biển Đông”, ông Harris cho biết.
“Do đó, những phân tích năm 2014 của chúng tôi không còn hoàn chỉnh”, ông Harris nói, đề cập tới báo cáo 143 - tiền thân của Báo cáo 150.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định việc phát hành Báo cáo số 150 về yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc là "cần thiết". Ảnh: AP. |
Báo cáo 143 được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố vào năm 2014, chủ yếu nhắm tới yêu sách về “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trong khi đó, Báo cáo 150 được công bố đầu năm nay bao trùm phạm vi rộng hơn, từ yêu sách chủ quyền với các thực thể trên biển, đường cơ sở thẳng, các vùng biển và “quyền lịch sử”.
Ông Harris cho biết quá trình làm báo cáo mất khoảng hai năm. Ông gọi đây là phân tích “rất tỉ mỉ” và là một công việc “rất dài”.
“Chúng tôi cố gắng hiểu yêu sách của Trung Quốc một cách tốt nhất có thể qua việc truy cập các nguồn tài liệu gốc, luật, quy định và tuyên bố chính thức của Trung Quốc, sau đó xem xét đâu là luật quốc tế có liên quan”, ông Harris nói.
Cũng trong cuộc họp báo, bà Constance Arvis, Quyền phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề đại dương, nghề cá và vùng cực, cho biết Báo cáo 150 được xây dựng trên nền tảng là Báo cáo 143.
“Nói một cách ngắn gọn, nghiên cứu này điểm lại yêu sách trên biển của Trung Quốc và nhận thấy chúng không phù hợp với nhiều điều khoản được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, như những gì được quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982”, bà Arvis khẳng định.