Giảm sản xuất nhựa, tăng sáng kiến đổi mới sáng tạo, suy tính về vòng đời sản phẩm - là những sáng kiến mà bà Maddalene trình bày trong sự kiện hỗ trợ kế hoạch hành động quốc gia về rác thải nhựa biển được tổ chức tại đại sứ quán Mỹ chiều ngày 27/4.
Theo bà Maddalene, chương trình Thành phố Sạch, Đại dương Xanh (CCBO) được coi là một trong dự án hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam hiệu quả.
Với mục đích giảm lượng chất thải, phát triển các giải pháp mới về tái sử dụng vật liệu hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và tăng cường tái chế, đến nay, dự án đã có mặt 4 địa phương là Phú Quốc, Đà Nẵng, Biên Hòa và Huế.
Đồng nhận định, bà Jenni Mathis, kỹ sư và nhà nghiên cứu Đại học Georgia, chia sẻ: “Những hoạt động dự kiến của Thành phố Sạch, Đại dương Xanh phù hợp tiêu chuẩn chính phủ”.
Theo bà, hiện Việt Nam còn gặp nhiều thách thức trong xử lý rác thải nhựa. Cụ thể, khung thể chế quản lý rác thải còn khá phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau. Trong khi đó, một số nhà máy có công suất đốt, chôn lấp rác hạn chế cùng việc phân loại chưa được nhân rộng gây khó khăn trong việc xử lý.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, đã có hơn 1,8 triệu tấn nhựa được tạo ra tại Việt Nam mỗi năm và chỉ 27% số đó được tái chế.
Mặc dù vậy, bà Mathis cũng khẳng định chính phủ Việt Nam đã có những cam kết chính trị để giải quyết rác thải nhựa.
Trong kế hoạch hành động quốc gia, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương, 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, 100% các khu du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Trong sự kiện, các đại diện tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp cũng chia sẻ những dự án thiết thực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa.
Đại diện các tổ chức chia sẻ trong sự kiện. Ảnh: Minh An. |
Bà Nguyễn Thị Hoài Linh, giám đốc quốc gia Tổ chức Hành động Phát triển Môi trường ở Thế giới Thứ ba (ENDA), khẳng định: “Nhiều giải pháp đã được đưa ra, tuy nhiên cần có sự hiệp lực điều phối để tối ưu hóa nguồn lực. Vấn đề giải quyết rác thải nhựa không thể thực hiện một mình mà cần có sự chung tay tham gia giữa nhiều bên".