Những bãi biển nổi tiếng của Bali đang bị bao phủ bởi rác thải nhựa. Các chuyên gia cho rằng điều này đang dần trở thành một việc thường niên do gió mùa, quản lý chất thải kém và khủng hoảng ô nhiễm biển toàn cầu.
Chính quyền đang vật lộn với triều cường để dọn sạch rác trên các bãi biển ở Kuta, Legian và Seminyak. Khoảng 90 tấn rác đã được thu gom tại các địa điểm này vào ngày 1/1 và 2/1.
Wayan Puja, nhân viên cơ quan môi trường và vệ sinh khu vực Badung, cho biết: "Chúng tôi đã làm việc rất chăm chỉ, nhưng rác vẫn tiếp tục tràn về. Hàng ngày chúng tôi phải huy động nhân sự, xe tải và máy xúc".
Ông cho biết hơn 30 tấn rác đã được thu dọn vào ngày 1/1 tại các bãi biển ở Kuta, Legian và Seminyak. Số lượng này tăng gấp đôi, lên đến 60 tấn, vào ngày hôm sau.
Một người lướt sóng đứng trước những đống rác trên bãi biển Kuta nổi tiếng của Bali. Ảnh: AAP/ Komang Erviani. |
Chính phủ Indonesia đã đưa ra một chiến lược toàn quốc vào tháng 4/2020 để chống lại cuộc khủng hoảng tiềm ẩn do chất thải nhựa gây ra - chúng tạo nên ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển và nền kinh tế của đất nước.
Tiến sĩ Denise Hardesty, nhà nghiên cứu khoa học tại cơ quan khoa học CSIRO của Australia và chuyên gia về ô nhiễm nhựa toàn cầu, cho biết tình hình sẽ xấu đi mỗi năm.
Các bãi biển ở phía Tây Nam Bali có xu hướng hứng rác thải khi mưa và gió mùa thổi từ tây sang đông mỗi năm. Tuy nhiên, Hardesty cho biết lượng rác nhựa ngày càng tăng, tỷ lệ thuận với sự gia tăng sản xuất nhựa trên toàn cầu. Những bãi biển trên toàn cầu đang hứng chịu sự gia tăng rác thải này, "song ở các nước có gió mùa, tình hình thậm chí còn nghiêm trọng hơn".
Tiến sĩ Hardesty cho biết các nhóm cộng đồng và cá nhân trở nên tích cực hơn trong việc cố gắng cắt giảm việc sử dụng đồ nhựa. Một loạt biện pháp đã được triển khai để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
CSIRO cũng hy vọng sẽ triển khai camera từ xa và trí thông minh nhân tạo để theo dõi rác và xác định các điểm nóng ô nhiễm.
Tiến sĩ Gede Hendrawan, người đứng đầu trung tâm do thám từ xa và khoa học đại dương tại Đại học Udayana của Bali, cho biết vấn đề chính là do hệ thống xử lý rác thải không hiệu quả của Indonesia.
"Vấn đề lớn nhất thực sự là việc xử lý rác kém hiệu quả ở Indonesia. Bali mới bắt đầu cơ cấu lại hệ thống, Java cũng vậy", ông nói.
Thống đốc Bali, Wayan Koster, kêu gọi chung tay nghiêm túc làm sạch các bãi biển - vốn là một địa danh thu hút khách du lịch của Indonesia. Hơn một triệu người Australia đã đến thăm Bali mỗi năm, và hòn đảo này cũng rất nổi tiếng với những du khách Trung Quốc.
Thông thường, hàng nghìn khách du lịch sẽ đến Bali vào thời điểm này trong năm, song đại dịch virus corona đã khiến các chuyến du lịch nước ngoài trở nên không khả thi và hiện có rất ít du khách tại Bali.