Tuyển tập kịch và Lịch sử La Mã (Tập I) là 2 tác phẩm mới được xuất bản trong tủ sách Trăm năm Nobel. Ảnh: Đ.A. |
Trăm năm Nobel là tủ sách do Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A thực hiện, được khởi động từ năm 2021, đánh dấu cột mốc 120 năm tồn tại của giải Nobel Văn học.
Nhìn lại hơn 100 năm giải Nobel văn học
Cho đến nay, đã có hơn 100 tác giả trên thế giới đã được công nhận bởi giải Nobel văn học. Tuy vẫn còn có những tranh cãi về giải thưởng qua các năm, nhưng nhìn chung mỗi tác giả được vinh danh đều là người có tài năng lớn, có sức lan tỏa sâu đã để lại những tác phẩm đồ sộ. Vì thế, việc chọn tác giả nào, tác phẩm nào để đưa vào tủ sách là vấn đề được quan tâm đầu tiên.
Theo dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, có rất nhiều tác giả đã được trao giải nhưng không phải ai cũng có thể để để lại sức ảnh hưởng lâu dài. “Trên thực tế có một số tác giả đoạt giải Nobel của thế kỷ trước nhưng đến nay không được biết đến nhiều, tác phẩm của họ không được in lại thường xuyên, đó là một dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của họ trên thực tế”, ông giải thích. Ngoài ra, ông cho rằng một nhà văn có ảnh hưởng lớn thì các tác phẩm sẽ thường xuyên được in lại và được nhắc đến nhiều trên các diễn đàn văn chương dù tác giả qua đời đã lâu.
Có thể nói, hơn 100 năm là một khoảng thời gian đủ dài để chúng ta có thể nhìn nhận giá trị xuyên suốt của giải Nobel. Tủ sách Trăm năm Nobel ra đời ở hiện tại là một cách để chọn lọc những tác phẩm có sức ảnh hưởng lâu dài, có tác động lớn đến nhiều thế hệ độc giả.
“Tiêu chí đầu tiên để chúng tôi lựa chọn tác phẩm của một tác giả là dựa vào diễn văn tuyên dương của Ủy ban Nobel khi họ đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị của tác phẩm. Tiếp theo là những tác phẩm nổi tiếng trên thế giới cũng như được độc giả Việt Nam quan tâm nhiều”, ông Đỗ Quốc Đạt Nhân, đại diện đơn vị thực hiện tủ sách giải thích.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều tác phẩm có giá trị trên thế giới nhưng chưa thực sự phổ biến ở Việt Nam. Chẳng hạn Tuyển tập kịch của Jacinto Benavente - tác giả đoạt giải Nobel văn học năm 1922, là tác phẩm mới nhất được xuất bản của trong tủ sách. Ông Đạt Nhân cho rằng do thị hiếu và thể loại, hầu hết độc giả Việt Nam vẫn chưa biết những tác phẩm này. Vì thế, tủ sách Trăm Năm Nobel cũng nhằm đưa những tác phẩm giá trị trên thế giới đến gần với độc giả Việt hơn bằng cách đầu tư về mặt dịch thuật, biên tập, minh họa...
Buổi tọa đàm Trăm năm Nobel ngày 10/12. Từ trái sang phải: nhà thơ Đặng Văn Hùng, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng, dịch giả Nguyễn Quí Hiển, biên tập viên Đỗ Quốc Đạt Nhân. Ảnh: Thanh Trần. |
Với dịch giả - nhà văn Trần Tiễn Cao Đăng, không phải tác phẩm nào của nhà văn đạt giải Nobel cũng khó đọc như nhiều người lầm tưởng. Nhìn từ nhiều góc độ, ông đánh giá tác phẩm của một số tác giả Nobel quả thật kén người đọc, song vẫn có những tác giả được đọc nhiều ở Việt Nam như Mạc Ngôn, Gabriel Garcia Marquez hay Kazuo Ishiguro…
“Sự khác biệt của các nhà văn Nobel cũng giống như sự khác biệt của bản thân văn chương và thế giới”, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng nói.
Dù là tác phẩm kén người đọc hay không, tủ sách Trăm năm Nobel không bị giới hạn ở độ khó của tác phẩm. Ngay từ khi mới được ra mắt, tủ sách Trăm năm Nobel đã được kỳ vọng sẽ đi theo xuyên suốt chiều dài chặng đường của giải Nobel văn học từ năm đầu tiên cho đến các năm sau này. Vì thế trước đây nó còn có một tên gọi tạm thời là "Tủ sách bất tận".
"Dịch tác phẩm Nobel là một câu chuyện hoàn toàn khác"
Tủ sách Trăm năm Nobel đến nay đã có 4 ấn bản, bao gồm: Thi khúc & Thi phẩm của Sully Prudhomme (Nobel văn học năm 1901); Tội ác của Sylvestre Bonnard & Đảo chim cánh cụt của Anatole France (Nobel văn học năm 1921); Lịch sử La Mã (Tập I) của Theodor Mommsen (Nobel văn học năm 1902) và Tuyển tập kịch của Jacinto Benavente (Nobel văn học năm 1922).
Là người có kinh nghiệm chuyển ngữ một số tác phẩm của những tác giả Nobel như Cố đô của Kawabata Yasunari, Mãi đừng xa tôi của Kazuo Ishiguro, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng cho rằng thách thức lớn nhất khi dịch những tác phẩm này là người dịch phải có một nền tảng văn hóa “đủ sâu đủ dày”.
“Trình độ ngoại ngữ và tiếng Việt đều phải ở mức độ tinh thông là điều kiện cần thiết. Bên cạnh đó, dịch các tác phẩm Nobel còn là một câu chuyện hoàn toàn khác vì phải đi một con đường rất dài, từ kinh nghiệm dịch sách cho đến con đường văn hóa, trải nghiệm… khi đó mới có thể dịch tương đối một tác phẩm Nobel. Một số nhà văn tương đối dễ dịch hơn nhưng chỉ một chút chứ không hoàn toàn dễ dịch”, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chia sẻ tại buổi tọa đàm giao lưu với độc giả ngày 10/12.
Dịch giả Nguyễn Quí Hiển ký tặng sách cho độc giả sau buổi tọa đàm. Ảnh: Thanh Trần. |
Có mặt tại buổi tọa đàm, dịch giả Nguyễn Quí Hiển - Tiến sĩ hóa học hữu cơ và là người dịch bộ sách Lịch sử La Mã của Theodor Mommsen, chia sẻ thêm: “Lịch sử La Mã là một bộ sách không quá hàn lâm, nhưng đó cũng không phải là một tác phẩm dễ đọc. Chưa kể vấn đề từ cổ về lịch sử La Mã cổ ở Việt Nam chưa nhiều”.
Để giải quyết những khó khăn này, dịch giả Quí Hiển cho biết anh thường tham khảo thêm cách dịch trong tiếng Nhật và tiếng Trung. Để nắm được các kiến thức lịch sử, trong khi dịch anh tra cứu và học thêm. Sau đó, anh cũng chủ động viết thêm một phần tiểu dẫn để độc giả Việt khi đọc có thể theo dõi thông tin tốt hơn.
Còn với tập Thi khúc & Thi phẩm của nhà thơ Pháp Sully Prudhomme, ấn phẩm đầu tiên trong tủ sách Trăm Năm Nobel, biên tập viên - dịch giả Đỗ Quốc Đạt Nhân không chỉ dịch nghĩa mà còn phải tìm ra cách gieo vần phù hợp. “Ngôn ngữ thơ rất khó để truyền tải, vì thế cần đến góc độ của nhà biên tập nhiều hơn", ông chia sẻ.
Theo ông Đạt Nhân: “Nền tảng văn hóa của hai bên quá khác biệt, nhất là về mặt ngôn ngữ, mỗi tác giả Nobel đều có một phong cách ngôn ngữ rất khác, chưa kể một số tác giả thường xuyên sử dụng ẩn ngữ”. Chính điều này đã làm nên sức hút của các tác giả Nobel nhưng cũng là một thách thức lớn cho dịch giả và biên tập viên khi chuyển ngữ tác phẩm của họ.