Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nghỉ việc, dịch giả chuyển ngữ bộ sách kinh điển trong hơn 7 năm

Với mong muốn lan tỏa những cuốn sách hay tới độc giả trong nước, dịch giả Thanh Khê không ngại bắt tay vào dịch những bộ sách dày và khó.

Bo sach La Ma anh 1

Bộ sách Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã với tổng 1.752 trang. Ảnh: Omega+.

Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã (tên tiếng Anh: The decline and fall of the Roman Empire) của sử gia người Anh Edward Gibbon là một trong những bộ sách tham vọng, đồ sộ và kinh điển về lịch sử văn minh thế giới. Tác phẩm đã ra đời cách đây gần 250 năm, nhưng phải đến gần đây bản dịch tiếng Việt của bộ sách mới được ra mắt nhờ phần chuyển ngữ của dịch giả Thanh Khê.

Hơn 7 năm để hoàn thành một bộ sách

“Bộ sách mang phong cách viết cầu kỳ và trang nhã hồi thế kỷ 18, có những đoạn dịch rất dễ vì thuần túy mô tả, nhưng cũng có những đoạn rất khó đến mức có trang dịch cả buổi vẫn chưa xong”, dịch giả Thanh Khê, tên thật là Nguyễn Hữu Thọ (sinh năm 1986) chia sẻ với Zing về bộ sách vừa hoàn thành.

Khi mới nhận dịch bộ sách này, dù biết là “hơi khó” nhưng người dịch không nghĩ phải đến 7 năm sau, nó mới được ra mắt bạn đọc với phiên bản hoàn chỉnh.

Bộ sách ban đầu thuộc dự án Tủ sách Kinh điển của một công ty làm sách (sau này được một dự án khác tiếp nhận). Khi đó, hầu hết sách trong Tủ sách Kinh điển đều đã có người nhận để dịch, riêng bộ sách The decline and fall of the Roman Empire hơn 1.500 trang thì vẫn còn đó, và thế là bộ sách đến với dịch giả Thanh Khê - một thành viên còn khá trẻ trong nhóm dịch sách của mình.

“Thấy bộ sách 1.500 trang nhiều người cũng ngán”, anh bảo, “dù trước đó chưa đọc bộ này nhưng thấy nội dung và văn phong của Gibbon cũng hợp ý, vì tôi vốn yêu mến thời cổ và vì chưa ai nhận nên tôi nhận luôn”.

Anh cho biết trong việc đọc, bản thân cũng thường có xu hướng chọn cái khó hơn tầm với một chút. Nhưng sau này anh mới biết, hóa ra bộ sách này không chỉ khó hơn tầm mình “một chút”. Sáu tháng sau, anh nghỉ công việc văn phòng để tập trung cho việc dịch bộ sách.

Anh ước chừng để dịch 1.500 trang này sẽ tốn khoảng 2 năm nếu làm một mình. Sau này nhẩm tính lại, trong 7 năm kể từ lúc bắt đầu đến khi sách được phát hành, anh đã dành gần khoảng 5 năm cho một lần dịch và 2 lần chỉnh sửa bộ sách này. Bắt đầu từ năm 2014, anh mất khoảng 3 năm để dịch bộ sách, nhiều hơn 1 năm so với dự kiến.

Tuy nhiên, sau đó bản dịch còn trải qua 2 lần chỉnh sửa khá dài vì khi đọc lại dịch giả vẫn chưa thấy hài lòng. "Cứ sau vài năm quan điểm dịch của tôi lại thay đổi đáng kể, thêm vào đó là kinh nghiệm cũng tăng thêm”, anh chia sẻ. Thời gian dò lại văn bản gốc để chỉnh sửa cũng ngót một năm rưỡi, thành ra đến cuối năm 2022 toàn bộ tác phẩm mới được ra mắt.

Bo sach La Ma anh 2

Dịch giả Thanh Khê khi bắt đầu dịch những trang đầu tiên của quyển sách. Ảnh: NVCC.

Nói về khó khăn lớn nhất khi dịch bộ sách này, anh cho rằng đó là từ ngữ và văn phong. "Văn phong của Gibbon rất cầu kỳ, từ ngữ thì giàu hình tượng. Hơn nữa, câu văn thường rất dài, nếu dịch bám sát văn bản thì kết quả bản dịch chắc chắn sẽ rất khủng khiếp”, anh nói.

Đối với 100 trang đầu tiên anh không nhớ mình đã dịch bao nhiêu lần. Nhưng nhờ những lần dịch xong, đem lại cho những dịch giả kinh nghiệm hơn xem và góp ý, anh yên tâm rằng mình đã đúng hướng tuy vẫn cần trau chuốt thêm. Thời gian đầu, hàng tuần anh đem các bản dịch ấy đến cho những người trong nhóm dịch nhận xét, càng làm càng thấy có thêm động lực khi nghe mọi người nói bộ sách này lẽ ra nên được dịch từ lâu.

Một trở ngại nữa trong quá trình dịch là hàm lượng thông tin lớn. Gibbon là một người uyên bác, có năng lực tự học rất đáng nể. Khi dịch tác phẩm này, anh Khê có thể thấy rất nhiều lĩnh vực mà Gibbon quan tâm, từ triết học, văn chương, tôn giáo, ngôn ngữ cho đến pháp luật. Vì vậy, dịch giả thường phải tra cứu nhiều từ điển chuyên ngành, “có khi phải dịch đến lần thứ 2, thứ 3 mới xuôi tai”.

Thuật ngữ là vấn đề thứ ba. Anh chia sẻ: “Nhìn chung, ta có thể thưởng thức một mạch truyện êm đềm, chỉ thi thoảng va vấp phải một chức danh lạ tai. Nguồn tham khảo về La Mã trong tiếng Việt khá thiếu thốn. Tự mình đặt ra một thuật ngữ dịch thì hơi mạo hiểm, nhưng hoàn toàn tin vào một cách dịch sẵn có cũng mạo hiểm không kém”.

Để những cuốn sách cần thiết đến được với độc giả

Là một người yêu thích văn học, lịch sử từ nhỏ, Thanh Khê cho rằng việc đến với con đường dịch thuật của mình là tự nhiên. Dù sau này theo học ngành toán - tin của ĐH Khoa học Tự nhiên rồi làm việc trong lĩnh vực cơ học chất lưu, anh vẫn luôn “đắm chìm” trong tác phẩm văn học cổ điển, giao lưu với những dịch giả nhiều kinh nghiệm rồi dần dần bén duyên với nghề.

Còn vì sao một dịch giả còn khá trẻ lại chấp nhận bỏ ra nhiều năm để dịch một tác phẩm như vậy? Anh cho biết khi chọn dịch một tác phẩm, anh đều xem xét liệu tác phẩm có cần thiết đối với độc giả và phù hợp với bản thân mình không.

Tôi muốn tập trung vào những cuốn sách cần thiết nhưng chưa có ai dịch thay vì chọn những cuốn đã quá nổi tiếng và có nhiều bản dịch rồi.

Dịch giả Thanh Khê

“Tất nhiên có rất nhiều nội dung cần thiết với người đọc, nhưng tôi muốn tập trung vào những cuốn sách cần thiết nhưng chưa có ai dịch. Đó có thể là những cuốn sách khó, ít người quan tâm... Tôi tự nhủ mình nên dịch những cuốn như vậy thay vì chọn những cuốn đã quá nổi tiếng và có nhiều bản dịch rồi”, anh giải thích.

Với Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã, anh cho rằng không phải tự nhiên mà một tác phẩm trở thành kinh điển. Đó là những giá trị còn lại theo thời gian: giá trị nội dung của tác phẩm, nét độc đáo của bản thân tác giả, giá trị văn chương. "Dù sao, không có nhiều tác phẩm kinh điển bàn về một đế chế rộng lớn như thế, trong khoảng thời gian dài như thế, và với một hàm lượng kiến thức lớn như thế", anh Khê chia sẻ.

Ngay cả trong quá trình chỉnh sửa lại một bộ sách khó và đồ sộ hơn 1.500 trang, anh Khê nhớ lại hầu như mình chưa khi nào cảm thấy nản lòng. DỊch giả nói thêm: “Tôi chủ động xin chỉnh sửa lại, vì đó là thái độ của tôi với văn bản. Tất nhiên công việc cũng vất vả, nhưng nếu nói nản lòng thì không. Chúng ta thường nản lòng khi lo ngại về chuyện tương lai, còn tôi thì chỉ nghĩ làm sao để kết quả tốt nhất có thể. Cứ như thế tôi đi từ trang này sang trang khác, để đến khi hoàn thành tác phẩm tôi không phải bận tâm nữa, cho nó một số phận riêng vậy”.

Sau bộ sách này, anh cũng đã có dự định cho những tác phẩm tiếp theo, trong đó có một tác phẩm liên quan đến La Mã. Nhờ quá trình dịch bộ sách Sự suy tàn và sụp đổ của đế chế La Mã, anh cho biết mình cũng có được nhiều kiến thức và kinh nghiệm về chủ đề này. Bên cạnh đó, anh vẫn tiếp tục chọn những cuốn sách ít ai dịch, với mong muốn những cuốn sách hay rồi sẽ được đến tay bạn đọc.

Lý giải sự sụp đổ tàn khốc của đế chế La Mã

Không chỉ tái hiện một đế chế hùng mạnh, một nền văn minh vĩ đại, “Sự suy tàn và sụp đổ của Đế chế La Mã” còn nêu nguyên nhân, các sự kiện và lý giải sự sụp đổ của đế chế này.

Cuộc cạnh tranh đã phá hủy đế chế La Mã

Trong "Uncommon Wrath", nhà sử học cổ đại nổi tiếng người Mỹ Josiah Osgood đặt mâu thuẫn giữa Cato và Caesar vào cuộc nội chiến La Mã, trực tiếp dẫn đến sự sụp đổ của nền cộng hòa.

Thanh Trần

Bạn có thể quan tâm