Bức tranh: "The Death of Cato of Utica" của họa sĩ Pháp Charles le Brun. Ảnh: Telegraph. |
Caius Julius Caesar và Marcus Porcius Cato đều là chính khách La Mã nhưng họ như ở 2 thái cực khác nhau. Caesar lịch lãm và quyến rũ, ăn mặc thời trang, thích đeo ngọc trai. Cato lại là người thô lỗ và cố chấp, coi thường trang phục lễ nghi, chỉ khoác trên mình một chiếc áo choàng, đi chân trần vào Quảng trường.
Hai nhân vật đối lập
Caesar tự biến mình thành một nhà độc tài suốt đời sau Nội chiến La Mã năm 49-45 trước Công nguyên, nhưng lại là một vị tướng, chính trị gia và trí thức lỗi lạc. Ông được đánh giá cao trong quan điểm hiện đại, cả bình dân lẫn học thuật.
Ngay cả sau khi Caesar đặt dấu chấm hết cho nền Cộng hòa tự do, Cicero, người cộng hòa tận tụy, vẫn ngồi cùng với chính trị gia này trong các bữa ăn tối.
Hình ảnh của Cato được gói gọn trong vai diễn cùng tên trong bộ phim truyền hình Rome, phát trên HBO/BBC Two, với tư cách là một kẻ phóng túng và hay gây hấn, một nhân vật không thể hiện sự uyên bác.
Trong cuốn tiểu sử kép Uncommon Wrath: How Caesar and Cato's Deadly Rivalry Destroyed the Roman Republic, Josiah Osgood - một nhà sử học cổ đại nổi tiếng người Mỹ - đã tìm cách xây dựng lại hình ảnh của Cato.
Osgood đặt mối thù dai dẳng của Cato với Caesar, điều khiến họ trở thành 2 phe đối nghịch nhau trong nội chiến La Mã, cuối cùng khiến Cato tự sát thay vì chấp nhận ân huệ từ đối thủ, vào trung tâm của sự kiện sụp đổ nền Cộng hòa.
Một góc nhìn khác
Cuốn sách mở đầu vào tháng 12 năm 63 trước Công nguyên với cuộc đụng độ đầu tiên giữa các nhân vật chính, được nhà sử học cổ đại Sallust ghi lại. Trong cuộc tranh luận về việc trừng phạt những người dính líu đến âm mưu của Catiline, Caesar đề nghị tù chung thân nhưng Cato đã chiến thắng với án tử hình.
Uncommon Wrath thể hiện góc nhìn của tác giả về nguyên nhân sụp đổ của nền cộng hòa La Mã. Ảnh: Amazon. |
Osgood lưu ý rằng lời kể của Sallust về 2 bài phát biểu tạo thành cao trào trong câu chuyện. Đối với Sallust, sự xuất sắc của một số ít công dân đã làm cho La Mã trở nên vĩ đại, nhưng sự thành công, giàu có và xa hoa sau đó đã ngăn cản sự xuất hiện của những người đàn ông tương tự - cho đến Caesar và Cato.
Osgood còn có góc nhìn xa hơn, ông nhận định rằng sự cạnh tranh "xuất sắc phi thường" của cả 2 nhân vật, như Sallust nói, đã tiếp tục phá hủy nền Cộng hòa. Đây là một ý tưởng khác thường theo 2 phương diện.
Đầu tiên, như Osgood thừa nhận, người xưa coi việc Caesar bất hòa với Pompey - chứ không phải Cato - là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nội chiến và sự sụp đổ của La Mã. Thứ 2, một số học giả hiện nay cho rằng sự thành công của nền Cộng hòa sơ khai và trung kỳ là nhờ quan điểm lịch sử về phẩm hạnh của "Những vĩ nhân", nên việc ngầm ám chỉ nó dẫn đến sự sụp đổ của nền Cộng hòa giai đoạn cuối có vẻ vội vàng.
"Tất nhiên, đó sẽ là một sự đơn giản hóa quá mức khi giải thích cuộc nội chiến khủng khiếp nổ ra vào năm 49 TCN hoàn toàn do mối thù chính trị, cá nhân giữa Cato và Caesar. Những cá nhân khác đã đóng vai trò của họ", Osgood cho biết.
Theo nhận định của Telegraph, Uncommon Wrath không chỉ là một tác phẩm lịch sử, mà còn là một cuộc tấn công mạnh mẽ vào chủ nghĩa bè phái trong đời sống chính trị đương đại.
Uncommon Wrath: How Caesar and Cato's Deadly Rivalry Destroyed the Roman Republic được chấp bút bởi nhà sử học cổ điển có nhiều nghiên cứu về La Mã, giáo sư tại Đại học Georgetown. Osgood từng đoạt Giải thưởng Rome và là tác giả của 5 quyển sách xoay quanh chủ đề lịch sử La Mã.