Thư viện Trung Quốc cho thấy vai trò "đồ sộ" của sách với thế giới. Ảnh: The Guardian. |
Tặng đồ gì cho nữ hoàng, người đã có tất cả? Đây là câu hỏi Mark Antony phải đặt ra để tìm cách gây ấn tượng với Nữ hoàng Cleopatra trước trận chiến Actium vào năm 31 trước Công nguyên.
Trước một người giàu có như Cleopatra, vị tướng La Mã biết rằng ông sẽ phải dùng mọi sức lực nếu muốn chinh phục được người phụ nữ ông yêu điên cuồng. Vì vậy, Antony đã lên đường đến Ai Cập và mang theo 200.000 cuộn sách giấy tròn cho thư viện lớn ở Alexandria.
Cách làm này vừa là một cử chỉ lãng mạn, đúng với “tâm ý” của Cleopatra và cũng phù hợp khi kho sách lớn nhất trên thế giới có đủ không gian cho lượng sách khổng lồ này. Chỉ trong vòng vài tuần, đôi tình nhân tuổi trung niên đã dấn thân vào chương cuối cùng trong cuộc phiêu lưu tình ái sai lầm của họ. Huyền thoại của cả hai dần đi vào hồi kết nhưng thư viện huyền thoại của Alexandria sẽ còn giá trị mãi với nhân loại.
Khi đam mê lưu giữ tri thức được bắt đầu
Thông qua một câu chuyện ly kỳ như vậy, cuốn Papyrus: The Invention of Books in the Ancient World đồ sộ và đa dạng của nhà sử học và ngữ văn người Tây Ban Nha Irene Vallejo đã mang đến một góc nhìn toàn cảnh về cách những cuốn sách định hình không chỉ thế giới cổ đại mà cả thế giới của chúng ta.
Bà Irene không chỉ quan tâm đến tính chất vật lý của cuốn sách, mà còn đến nội dung bên trong trang bìa, và quan trọng hơn, nội tâm của độc giả khi họ cầm lên một tập sách và dấn thân vào một vũ điệu trí tuệ và trí tưởng tượng có thể thay đổi cuộc đời họ.
Là một công trình khổng lồ về sách và lịch sử của văn hoá đọc, cuốn Papyrus: The Invention of Books in the Ancient World đã đưa độc giả quay về những thời kỳ lịch sử xa xưa, đến với những sự kiện không kém phần quan trọng thư viện Alexandria. Nổi tiếng vào thời đó là giấc mơ của Alexander Đại đế, người khi còn là một cậu bé thường ngủ với một cuốn Iliad được giấu dưới gối. Do đó, vị vua trẻ luôn cho rằng mọi tri thức có thể là của mình nếu ông có thể gom tất cả sách vở hiện có vào một nơi.
Ông không sống đủ lâu để hiện thực hoá giấc mơ của mình nhưng vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, các vị vua Ptolemaic của Ai Cập, những người tiền nhiệm của Cleopatra, đã bắt đầu tìm kiếm, mua và thậm chí đánh cắp mọi cuốn sách đã từng được viết.
Và khi thư viện Alexandria được thành lập và hoạt động, nó mang đến một cá tính riêng, khác biệt rõ rệt với tính tự cao tự đại của Alexander. Thay vì đóng băng kho tàng kiến thức cổ xưa, thư viện này trở thành một nơi gặp gỡ vui vẻ cho những bộ óc thích giao lưu. Theo tìm hiểu của tác giả Irene Vallejo, những học giả ngồi cạnh nhau một cách thân thiện, không phải lúc nào cũng đồng ý, nhưng có thể lắng nghe quan điểm khác và thảo luận.
Do vậy, phòng đọc vào thời điểm đó rất ồn ào và sôi nổi, dường như không ai hiểu yêu cầu phải im lặng. Việc đọc thì thầm được phát triển dần dần sau đó lại trở thành đáng ngờ và hơi lén lút. Vào cuối thế kỷ thứ tư, nhà triết học Augustine of Hippo đã bối rối khi nhận thấy Ambrose, giám mục của Milan, đọc thầm thì như thể đã trốn thoát vào một thế giới nào đó.
Bản dịch tiếng Anh của tác phẩm mới được ra mắt tháng 10. Ảnh: Amazon. |
Từ đây, Vallejo đã đưa người đọc nhảy cóc về phía trước 23 thế kỷ, sau khi thư viện lớn nhất thế giới này sụp đổ trong chiều dài lịch sử và tìm đến những người mang lại hơi thở của cuộc sống cổ đại.
Vào những năm đầu của thế kỷ 20, Constantin Cavafy, một quan chức gốc Hy Lạp, người đã làm việc cực nhọc trong môi trường tẻ nhạt của Bộ Công chính Ai Cập do Anh điều hành, có một thói quen kỳ lạ. Vào ban đêm, Cavafy là một người đàn ông bị sách ám ảnh và thường đi bộ trên những con đường phía sau di sản Alexandria, nơi từng là một thư viện vĩ đại. Những chuyến đi đã là nguồn cảm hứng để ông sáng tác thơ về các nhân vật nổi tiếng từ thành Troy, Ithaca, Athens hay Byzantium.
Một người khác mà Vallejo phải đề cập đến chắc chắn là Lawrence Durrell, người sáng tác tác phẩm nổi tiếng Bộ tứ Alexandria với nhiều cảm xúc của thời cổ đại.
Lý giải cơn sốt mang tên "Papyrus"
Có thể thấy phương pháp kể chuyện của Vallejo là xen kẽ giữa thế giới cổ đại và hiện đại, giữa bối cảnh lịch sử chung, như sự trỗi dậy của đế chế La Mã, sự phong tỏa kênh đào Suez và cả những khoảnh khắc cá nhân.
Phần sau của tác phẩm là nhiều câu chuyện đau lòng về cách những người sống sót trong trại tập trung đã học cách ghi nhớ cả cuốn sách trong đầu và tự chuẩn bị cho thời điểm họ có thể tiếp cận bất cứ thứ gì viết được để kể câu chuyện của mình. Tác giả Vallejo cũng chia sẻ chính những câu chuyện thơ ấu của mình là một cô gái nhút nhát ở trường, người mà những đứa trẻ khác bắt nạt vì biết quá nhiều từ.
Ngay khi độc giả cảm thấy những câu chuyện này có thể không quá gần gũi với họ, Vallejo đã mang tới những điều quen thuộc hơn. Như vào những năm 1990, khi Vallejo đang ở trong một hiệu sách cũ với cha mình, thì ông ấy rất phấn khích vì đã phát hiện ra một cuốn Don Quixote được in rất lạ. Chương thứ 2 của cuốn này có một đoạn trích từ cuốn Tư bản của Marx. Đó là thể loại sách trong sách rất quen thuộc với những người phải sống trong cảnh đọc bí mật và né kiểm duyệt.
Với nhiều tình tiết thú vị như vậy, Papyrus: The Invention of Books in the Ancient World kết hợp được cả 3 thể loại quan trọng. Đầu tiên là về lịch sử của sách, một chủ đề hơi khó hiểu và mang tính học thuật. Tiếp đó là lời giải thích gần gũi, lý giải các “tác phẩm kinh điển có thể làm gì cho chúng ta” và sau cùng là những chia sẻ theo dạng hồi ký, khi những người mê sách được thỏa đam mê đọc tác phẩm của người khác.
Tất cả điều trên đã tạo nên sức hút cho Papyrus: The Invention of Books in the Ancient World khi được xuất bản ở Tây Ban Nha vào năm 2019 và tác phẩm nhanh chóng trở thành một cơn sốt.