Ngày 11/10 là tròn 4 năm, HLV Park Hang-seo ký hợp đồng và ra mắt tại trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Quãng thời gian đã qua của ông Park ngập tràn thành công với những chiến tích cùng tuyển quốc gia và U23, cả ở cấp độ khu vực và châu lục.
Bước sang năm thứ 5 ở tuyển Việt Nam, mọi thứ đang trở nên khó khăn hơn. Bốn trận thua liên tiếp tại vòng loại World Cup cùng tranh luận mới đây với bầu Hiển hứa hẹn những thách thức chưa từng có cho chiến lược gia người Hàn Quốc.
HLV Park trong ngày ra mắt bóng đá Việt Nam hôm 11/10/2017. Ảnh: VFF. |
Thành công chưa từng có
Điều khiến HLV Park Hang-seo trở thành một hiện tượng đặc biệt không chỉ nằm ở các chiến thắng. Điều quan trọng là ông giành chiến thắng ngay lập tức, thắng nhanh, thắng nhiều, thắng liên tục cả ở mặt trận khu vực lẫn châu lục, cả ở cấp đội tuyển và U23.
Ở giải chính thức đầu tiên cùng bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo ngay lập tức làm nên kỳ tích khi đưa U23 Việt Nam tới trận chung kết châu Á tại Thường Châu. Kể từ đó, ông cứ chạm tay vào đâu là ở đó có thành công. Hai năm đầu ở Việt Nam, ông Park giúp đội tuyển giành AFF Cup, vào tứ kết Asian Cup, đứng đầu bảng ở vòng loại World Cup. Với cấp U23, ông có thêm thành tích tốp 4 Asian Games, HCV SEA Games.
Các đội tuyển của ông Park chiến thắng, vượt quá kỳ vọng ở hầu hết mọi giải đấu mà họ tham dự. Trước vòng loại World Cup, nốt trầm duy nhất của HLV Park Hang-seo trong thời gian làm việc tại Việt Nam là thất bại của đội U23 ở giải châu Á 2020 tại Thái Lan.
Cách ông Park chiến thắng ở mọi sân chơi là điều cả thế hệ vàng của Thái Lan giai đoạn 2013-2017 cũng không làm được. Thái Lan của Kiatisuk Senamuang khi đó chủ yếu chơi tốt tại Đông Nam Á, không giành được quyền tới Asian Cup 2015, thua thảm ở U23 châu Á 2016.
Dưới thời ông Park, bóng đá Việt Nam định hình một lối chơi rõ ràng, riêng biệt và không thể trộn lẫn. Cách chơi phòng ngự phản công dựa trên nền tảng là bộ ba trung vệ được duy trì cả ở đội U23 lẫn tuyển quốc gia. Sự đồng bộ đó từng khiến tuyển quốc gia có thời điểm giống như một phiên bản U23 Việt Nam mở rộng.
Quan trọng hơn, ông Park xô đổ hàng loạt định kiến ăn sâu vào tâm trí cầu thủ và người hâm mộ Việt Nam. Hạn chế thể lực trong quá khứ được thay bằng những màn pressing dữ dội tới cuối trận, điểm yếu tinh thần của năm xưa khỏa lấp bằng những bàn phút cuối khiến đối thủ thót tim. Tuyển Việt Nam chẳng còn e ngại bất kỳ ai ở Đông Nam Á, sẵn sàng chơi sòng phẳng với những đại gia châu Á. Trận gặp Trung Quốc vừa qua, Quang Hải cùng đồng đội chỉ thua ở phút 90+5.
Nhưng chính những chiến thắng của ông Park đã tạo ra tiêu chuẩn mới cho đội tuyển của ông. Niềm tin do ông quay ngược lại thành gánh nặng lên chính ông và các cộng sự.
Trong quá khứ, một trận thua sát nút trước Australia hay kết quả vừa qua với Trung Quốc sẽ khiến người hâm mộ vui mừng. Nhưng ngày nay, tiêu chuẩn đó đã thay đổi. Đó là niềm tự hào nhưng cũng là thách thức cực lớn của HLV Park Hang-seo trong năm thứ 5 của ông tại đội tuyển Việt Nam.
Trận thua Trung Quốc khiến HLV Park Hang-seo và tuyển Việt Nam tiếp tục đứng cuối bảng B vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á. Ảnh: Sina. |
Nốt trầm và thách thức
Bốn thất bại liên tiếp ở vòng loại World Cup đã bóc tách toàn bộ những vấn đề của tuyển Việt Nam, vốn được bỏ qua bấy lâu sau các chiến thắng.
Sau khi định hình bộ khung đội tuyển với nòng cốt là lứa Thường Châu hồi năm 2018, HLV Park Hang-seo đã có những dấu hiệu phụ thuộc vào nhóm cầu thủ này. Xuyên suốt từ đó tới nay, rất ít cầu thủ mới chen chân được vào hệ thống đã định hình của tuyển Việt Nam.
Có hai lý do dẫn tới việc này. Thứ nhất, những cầu thủ trong tay ông Park là tập hợp của hai lứa tài năng trẻ tốt nhất bóng Việt Nam (lứa U19 của Xuân Trường, Công Phượng và lứa U19 dự World Cup trẻ của Quang Hải). Tìm được những cái tên hay hơn họ là việc không dễ dàng. Thứ hai, HLV Park có xu hướng duy trì sự ổn định trong đội hình và không trao nhiều cơ hội cho các tài năng khác. Tình hình chỉ cải thiện dần trong thời gian gần đây sau thành công của những gương mặt mới như Hoàng Đức, Thành Chung, Minh Vương và vừa qua là Tấn Tài.
Sự thận trọng của ông Park trong vấn đề nhân sự một phần do khoảng trống lực lượng phía sau tuyển Việt Nam. Sau lứa U22 vô địch SEA Games 2019, bóng đá Việt Nam chưa sản sinh được một lứa cầu thủ đủ tốt, sánh ngang với các đàn anh. Đội hình U22 Việt Nam hiện tại chưa có nhiều người đá chính ở V.League, ngôi sao sáng nhất Nguyễn Hữu Thắng còn phải ngồi dự bị tại CLB Viettel. Thất bại của U23 Việt Nam ở giải châu Á tại Thái Lan hồi năm 2020 là bằng chứng cho sự thiếu hụt đó.
Khi lứa trẻ chưa kịp gánh vác thì lớp đàn anh đã có dấu hiệu hụt hơi. Đội hình tuyển Việt Nam hiện tại đã mất hàng loạt trụ cột so với thời điểm năm 2019. Hùng Dũng, Văn Hậu, Văn Lâm, Trọng Hoàng chấn thương trong khi Đình Trọng, Xuân Trường đều chưa trở lại với phong độ vốn có. Mật độ thi đấu dày đặc trong những năm qua đã bào mòn thể lực của nhiều tuyển thủ Việt Nam, dẫn tới quá tải và hàng loạt chấn thương. Nhiều tuyển thủ Việt Nam cũng đã bước qua tuổi phát triển đẹp nhất và đang đi tới giới hạn phong độ của mình.
Bốn thất bại tại vòng loại World Cup đã làm những vấn đề ấy bộc lộ rõ hơn bao giờ hết. Và nó còn dẫn tới hệ quả khác.
Tuyên bố mới của bầu Hiển là lần đầu tiên trong 4 năm qua, vị chủ tịch quyền lực của CLB Hà Nội công kích trực tiếp HLV Park Hang-seo. Bầu Hiển có ảnh hưởng cực lớn với bóng đá Việt Nam, là ông chủ của CLB đóng góp nhiều tuyển thủ nhất. Khi bầu Hiển lên tiếng và ông Park cũng đáp trả, đó không còn là chuyện nhỏ.
Năm thứ 5 của triều đại Park Hang-seo đang bắt đầu bằng thành tích không tốt trên sân cỏ và những rắc rối ở hậu trường. Đây hứa hẹn sẽ là năm khó khăn nhất của chiến lược gia người Hàn Quốc kể từ khi tới Việt Nam.