Tại sao là Thanh Bình mà không phải Bùi Hoàng Việt Anh hay nhất là Thành Chung, người giàu kinh nghiệm hơn hẳn và đã chứng minh được năng lực?
Tại sao là Tấn Tài chứ không phải Văn Thanh tiếp tục đá chính hay một lựa chọn trái kèo nhưng cũng đã được kiểm chứng là Đức Huy?
Hai lựa chọn ấy của ông Park nói lên rất nhiều điều. Khi tuyển Việt Nam cần thay đổi, ông Park đã không tìm những cái tên quen thuộc. Cả Thanh Bình và Tấn Tài đều chưa từng đá chính cho tuyển Việt Nam, mới vào sân lần đầu từ ghế dự bị ở trận gặp Australia. Riêng việc ông Park dám dùng họ tại một trận đấu quan trọng thế này, trong thời điểm tuyển Việt Nam bị dẫn 0-1 đã là một sự kiện đặc biệt.
Điều đó cho thấy Tấn Tài và Thanh Bình đã thể hiện tốt trên sân tập. Họ thuyết phục được ban huấn luyện trong buổi tập nên mới được vào sân thi đấu. Sự có mặt của họ cũng cho thấy ông Park dường như đã cởi mở hơn và sẵn sàng cho những thay đổi đáng kể tại đội tuyển Việt Nam.
Hai sai lầm của Thanh Bình (phải) khi theo kèm Wu Lei (áo đỏ) đã định đoạt kết quả trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Trung Quốc tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 khu vực châu Á ngày 8/10. Ảnh: Getty. |
Ông Park dám thay đổi
Sau thành công của những kép phụ như Minh Vương, Thành Chung và đặc biệt là Hoàng Đức, ông Park dường như đã được tiếp thêm động lực trên hành trình làm mới đội tuyển. So với đội hình Việt Nam gặp Thái Lan hồi 11/2019, tuyển Việt Nam gặp Trung Quốc vào tháng 10/2021 đã thay đổi gần nửa đội hình xuất phát (5 vị trí).
Đương nhiên, thay đổi ấy đến một phần bởi các chấn thương. Nhưng rõ ràng, đó vẫn là khác biệt đáng kể nhất là với HLV Park, người luôn có xu hướng duy trì sự ổn định về nhân sự. Và đó không chỉ là những thay đổi tình thế. Mong muốn đổi mới của ông Park đã giúp đội tuyển phát hiện ra những cái tên mới, thậm chí tạo ra những cuộc cạnh tranh vị trí mà không phải lúc nào, người cũ cũng giành được chiến thắng. Văn Lâm hay Tấn Trường? Văn Thanh hay Trọng Hoàng? Hùng Dũng sẽ trở lại thế nào khi Hoàng Đức đang chơi rất hay?
Và chắc chắn, đội tuyển không thể thờ ơ thêm nữa với Thành Chung, Minh Vương hay Tấn Tài.
Nhưng không phải thay đổi nào cũng lập tức đưa đội tuyển tiến về phía trước. Có những đổi thay đã buộc ông Park phải trả giá.
Trước Trung Quốc, sử dụng Thanh Bình và Tấn Tài là hai quyết định nhân sự mới đáng chú ý của ông Park. Chỉ một nửa trong số đó mang tới thành công, đó là Tấn Tài. Trong lần đầu có đủ thời gian thể hiện (hơn 19 phút), hậu vệ của CLB Bình Định đã khiến tất cả ngỡ ngàng với một pha xử lý và dứt điểm đầy tự tin. Bàn thắng ấy đập tan định kiến về một hậu vệ cánh chậm chạp và từng bị nghi ngờ về năng lực ở cấp đội tuyển.
Nửa thất bại đương nhiên là Thanh Bình. Anh bị qua mặt trong cả hai lần theo kèm Wu Lei, để tiền đạo Trung Quốc thoát xuống ghi bàn, là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thất bại 2-3 đầy tức tưởi của tuyển Việt Nam.
Ông Park và ban huấn luyện có lẽ đã lường trước về những sai số khi trao cơ hội cho các tài năng mới. Nhưng ông có lẽ không ngờ hậu quả của nó lại nặng nề đến vậy.
Chia sẻ sau trận đấu, ông Park nói về sai lầm của học trò: “Tôi chịu trách nhiệm cho những quyết định thay người. Các cầu thủ cần những sai sót để trưởng thành. Tôi nhấn mạnh sai sót của cầu thủ là lỗi từ huấn luyện viên”.
Ngoại trừ tỷ số trận đấu, tuyển Việt Nam trội hơn Trung Quốc ở hầu hết thông số kỹ thuật. Đồ họa: Minh Phúc. |
Trội về thế trận, thua về tỷ số
Khi tiếng còi kết thúc trận đấu với Trung Quốc vang lên, nhiều tuyển thủ Việt Nam đã khóc. Thất bại chưa bao giờ là điều dễ chịu và càng cay đắng hơn bởi các tuyển thủ đã rất kỳ vọng và thực sự đã chơi tốt trước Trung Quốc.
Các thông số kỹ thuật đều cho thấy tuyển Việt Nam chơi ngang ngửa, thậm chí nhỉnh hơn đối thủ ở một số thời điểm. Quang Hải và đồng đội cầm bóng 51% so với 49% của đối thủ. Tuyển Việt Nam sút nhiều hơn (13 so với 12), sút trúng cầu môn nhiều hơn (5 so với 4). Các thông số đá phạt, phạt góc, ném biên, số đường chuyền, số đợt tấn công của thầy trò ông Park đều nhỉnh hơn đội bạn.
Đội tuyển cũng đã cầm hòa Trung Quốc tới phút 90+5 và chỉ bại trận bởi hai sai lầm cá nhân. Cả hai lỗi đều thuộc về Thanh Bình, đều tới sau những tình huống gần giống nhau, đều bị trừng phạt bởi cùng một cầu thủ: Wu Lei, ngôi sao lớn nhất của tuyển Trung Quốc.
Cả hai bàn thua ấy đều mang dấu ấn cá nhân lớn hơn là lỗ hổng của hệ thống. Ông Park có lẽ không sai trong việc tổ chức hàng thủ tuyển Việt Nam, ông chỉ sai khi quá tin tưởng vào Thanh Bình. Đặt giả thiết nếu Tiến Dũng còn trên sân, hay nếu Văn Hậu không chấn thương và sẵn sàng lấp vào vị trí trung vệ lệch trái, tuyển Việt Nam có lẽ không thua cay đắng như vậy.
Các cầu thủ cần những sai sót để trưởng thành. Tôi nhấn mạnh sai sót của cầu thủ là lỗi từ huấn luyện viên.
HLV Park Hang-seo
Sai lầm của Thanh Bình vì thế cũng cho thấy các phép tính của tuyển Việt Nam vẫn là chính xác, có vấp váp nhưng đã đi đúng đường.
Bỏ sang một bên cảm giác đắng ngắt của thất bại, tuyển Việt Nam đã cho thấy những tiến bộ rõ rệt sau 3 trận đầu tại vòng loại thứ ba World Cup 2022. Trước Saudi Arabia, đội tuyển thua 1-3 với cách biệt lớn cả về trình độ lẫn tỷ số, cả trong phòng ngự lẫn tấn công. Trước Australia, yếu tố phòng ngự được cải thiện khi tỷ số chỉ là 0-1. Gặp Trung Quốc, cách biệt vẫn chỉ 1 bàn còn hàng công đã lên tiếng mạnh mẽ.
Đối đầu Trung Quốc cũng là trận đầu tiên tại vòng loại thứ ba, tuyển Việt Nam ghi được nhiều hơn một bàn, kiểm soát bóng nhiều hơn, sút nhiều hơn và cầm hòa đối thủ tới phút 90. Ba trận đó, tỷ lệ kiểm soát bóng của tuyển Việt Nam tăng dần từ 28%, 30% tới 51%.
Những người bi quan hãy nhớ rằng đây mới là lần đầu tuyển Việt Nam đi được tới vòng loại thứ ba World Cup, cũng là lần đầu sau hàng chục năm, chúng ta được gặp những nền bóng đá hàng đầu như Saudi Arabia, Australia hay Trung Quốc. So với Thái Lan ở vòng loại World Cup 2018, họ thua cả 3 trận đầu, ghi được đúng 1 bàn.
Thất bại trước Trung Quốc vì thế không hề dễ chịu, nhưng vẫn còn đó những tia sáng hy vọng, nhất là khi tuyển Việt Nam sẽ gặp Oman trong vài ngày tới.