Chiến thắng của ứng viên đảng đối lập Yoon Suk Yeol ngày 10/3 phản ánh mong muốn thay đổi của người dân Hàn Quốc sau 5 năm dưới thời người tiền nhiệm Moon Jae In.
Năm 2017, Tổng thống Moon từng chiến thắng vang dội, nhưng sau đó, sự tin tưởng của công chúng đã bị xói mòn bởi một loạt vụ bê bối và suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra.
Vì vậy, ông Yoon trở thành niềm hy vọng mới cho người dân Hàn Quốc, Guardian nhận định.
Ông là công tố viên đầu tiên được bầu làm tổng thống và cũng là vị tổng thống đầu tiên không có bất kỳ kinh nghiệm chính trị nào.
Tuy nhiên, với quan điểm cứng rắn và khác biệt so với người tiền nhiệm, ông Yoon được kỳ vọng sẽ thực hiện nhiều chính sách thay đổi tình hình trong nước và quốc tế dẫu sẽ có nhiều thách thức đáng kể.
Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk Yeol được kỳ vọng sẽ thực hiện nhiều chính sách thay đổi tình hình trong nước và quốc tế. Ảnh: AFP. |
Hứa hẹn nhiều thay đổi
Tổng thống đắc cử Yoon Suk Yeol đã cam kết bãi bỏ Bộ Bình đẳng giới và Gia đình. Ông khẳng định phụ nữ Hàn Quốc không bị phân biệt đối xử có hệ thống, dù có một số bằng chứng ngược lại.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Yoon đã nhiều lần nhấn mạnh vấn đề mâu thuẫn giới để dành được sự ủng hộ từ những nam giới trẻ tuổi, không hài lòng với các chính sách khuyến khích tham gia lực lượng lao động đối với phụ nữ.
Đồng thời, ông Yoon nhấn mạnh rằng chính trị giới đã góp phần dẫn đến sự mâu thuẫn trong xã hội, chính quyền cần tập trung vào yêu cầu của từng cá nhân hơn là nhìn nhận dưới góc độ giới tính, theo Washington Post.
Bên cạnh đó, sự tức giận của công chúng về giá nhà tăng vọt ở Seoul, bất bình đẳng thu nhập và tỷ lệ thất nghiệp cao cũng là những thách thức mà tân tổng thống phải đối mặt.
Để giải quyết những vấn đề này, ông Yoon cam kết xây dựng ít nhất 2,5 triệu ngôi nhà trong 5 năm tới, trong đó có 500.000 ngôi nhà ở thủ đô Seoul, và giảm thuế sở hữu bất động sản, theo Guardian.
Tổng thống Yoon cũng đề xuất phân bổ 50.000 tỷ won (40 tỷ USD) để giúp đỡ tiểu thương và lao động tự do chịu ảnh hưởng từ đại dịch, trong đó có 43.000 tỷ won (34 tỷ USD) tiền mặt.
Ông Yoon nhận được sự ủng hộ của nhiều cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc 2022. Ảnh: AFP. |
Trong nhiều năm làm việc với tư cách công tố viên, ông Yoon đã "xây dựng danh tiếng của mình như một chiến binh quyết liệt chống lạm quyền, không phải một nhà lãnh đạo chỉ coi trọng đàm phán", giáo sư xã hội học Gi Wook Shin, Đại học Stanford, nói với AFP.
Do đó, trong nhiệm kỳ sắp tới, tổng thống đắc cử Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ đưa ra nhiều chính sách chống tham nhũng cứng rắn, đặc biệt là với các thành viên đảng đối thủ.
Trong một cuộc phỏng vấn với báo JoongAng Ilbo hôm 9/2, khi được hỏi liệu có ra lệnh điều tra hành vi “tham nhũng” của chính quyền tiền nhiệm hay không, ông Yoon trả lời: “Tất nhiên chúng tôi sẽ làm như vậy. Cuộc điều tra phải được tiến hành”.
Ông cũng khẳng định một cuộc điều tra hợp pháp của chính quyền mới đối với chính quyền trước đó không thể bị coi là bất hợp pháp hay một hình thức trả đũa chính trị.
Ngoài ra, một vấn đề người dân xứ sở kim chi rất quan tâm là môi trường. Ông Yoon cam kết sẽ giảm 30% bụi mịn tại Hàn Quốc, tăng cường xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thân thiện với môi trường và xử lý rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình hoặc chung cư, trước khi đưa đến nhà máy xử lý rác thải.
Thách thức giữa lúc thế giới “chuyển mình”
Tổng thống đắc cử không có kinh nghiệm làm việc về vấn đề đối ngoại. Các chính sách ngoại giao của ông sẽ tập trung chủ yếu vào quản lý quan hệ với Mỹ, Bộ Tứ, Nhật Bản, Trung Quốc và Triều Tiên.
Ông Yoon cho biết sẽ nghiêm khắc đối phó với các hành động của Triều Tiên, tìm cách thúc đẩy hợp tác an ninh ba bên với Washington và Tokyo để vô hiệu hóa các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên, theo AP.
Ông cũng nêu rõ rằng một liên minh tăng cường với Mỹ sẽ là trung tâm trong chính sách đối ngoại của ông, cũng như sẽ có lập trường quyết đoán hơn đối với Trung Quốc.
Hình ảnh một điểm bầu cử tại Seoul, Hàn Quốc, vào ngày 9/3. Ảnh: AFP. |
Một số chuyên gia nhận xét lập trường chính sách đối ngoại của Yoon sẽ khiến Seoul xích lại gần hơn với Washington nhưng không thể tránh được xích mích với Bình Nhưỡng và Bắc Kinh.
Họ cũng cho rằng ông Yoon chưa có một chiến lược rõ ràng về giảm bớt mối đe dọa từ Triều Tiên và vũ khí hạt nhân của nước này, cũng như cách mà ông sẽ xử lý các mối quan hệ quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc ông Yoon đắc cử tổng thống trong thời điểm nhạy cảm toàn cầu, cùng với kinh nghiệm chưa nhiều trong đối ngoại, đã cho thấy rõ nhiều thách thức.
"Nhiệm kỳ tổng thống mới đến vào thời điểm thế giới đang chuyển mình", đặc biệt là khi cuộc tấn công của Nga vào Ukraine vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng toàn diện đến chính trị và kinh tế thế giới, Karl Friedhoff, thuộc Hội đồng các vấn đề toàn cầu Chicago, nói với AFP.
Điều đó đồng nghĩa ông Yoon phải đối mặt với những thách thức quốc tế khó khăn mà Hàn Quốc có thể phải đánh đổi điều gì đó để vượt qua - điều mà Hàn Quốc chưa gặp phải trong quá khứ, ông Friedhoff nói.
Duyeon Kim, nhà phân tích cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới của Washington, nhận xét: “Chúng ta có thể mong đợi liên minh hoạt động trơn tru hơn và đồng bộ trong hầu hết vấn đề về Triều Tiên, Trung Quốc, cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu".
"Thách thức quan trọng của ông Yoon là liệu ông ấy có lắng nghe các cố vấn của mình hay không, và liệu ông có thể thực sự cứng rắn hơn với Triều Tiên và Trung Quốc khi phải đối mặt với thực tế chính trị và địa kinh tế sau khi nhậm chức hay không”, bà nói thêm.
Theo các chuyên gia, Triều Tiên có thể sẽ là “cuộc khủng hoảng” đầu tiên mà ông Yoon phải đối mặt trong nhiệm kỳ 5 năm của mình.
Nước này đã tiến hành 9 vụ thử vũ khí chỉ trong hơn 2 tháng kể từ đầu năm. Những phát biểu cứng rắn đối đầu của ông Yoon có thể trở thành động lực để Triều Tiên leo thang căng thẳng hơn nữa, theo New York Times.
Lee Byong Chul, một chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam ở Seoul, dự đoán: “Sẽ có thể thấy Triều Tiên trở lại tình trạng căng thẳng, ít nhất là trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông Yoon”.